Dự báo lạm phát trong nước năm 2022 từ 3,5-3,8%
Giá xăng “hạ nhiệt”, góp phần giảm lạm phát
Đó là đánh giá của các chuyên gia của tại Hội thảo “Áp lực lạm phát năm 2022 và đề xuất chính sách” do Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VERP) tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (16/9).
Tại hội thảo, TS.Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách cho biết, tăng trưởng kinh tế Việt Nam 8 tháng đầu năm 2022 phục hồi mạnh mẽ bất chấp bối cảnh kém lạc quan của kinh tế toàn cầu. Hầu hết, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều khá tích cực. Xuất khẩu tăng trưởng khá cao, ước đạt 250,8 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước, với 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Tuy vậy, trong 8 tháng đầu năm 2022, lạm phát toàn cầu tăng rất mạnh, đặc biệt ở khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 6/2022 là 8,6%. Trong khi đó, theo báo cáo của VERP, tại Việt Nam, các đứt gãy trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá hàng hoá thô toàn cầu tăng cao khiến chi phí vận tải và đầu vào sản xuất tăng. Giá xăng dầu tăng trong 6 tháng đầu đã đẩy giá cả nhóm giao thông vận tải tăng sốc. Tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu trong nước tăng tới 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động trực tiếp làm CPI toàn phần tăng 1,63 điểm %.
“Nhìn chung, áp lực lạm phát vẫn đang hiện hữu, song Việt Nam vẫn đang kiểm soát khá tốt tình hình vì Chính phủ đã có những động thái linh hoạt, phù hợp. CPI bình quân 8 tháng năm 2022 tăng 2,58% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,67% của bình quân 8 tháng năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của bình quân 8 tháng các năm 2018-2020” – TS.Nguyễn Quốc Việt cho hay.
TS. Nguyễn Quốc Việt chia sẻ thông tin về lạm phát tại hội thảo |
Đánh giá cao các biện pháp kiềm chế lạm phát, các chuyên gia cho rằng, bên cạnh ổn định mặt bằng lãi suất và giữ ổn định tỷ giá và giá trị đồng VND, kết hợp linh hoạt các chính sách tài khóa, thì việc điều tiết giá xăng dầu của Chính phủ rất kịp thời, đã giảm áp lực lạm phát.
“Tôi cho rằng, đây là thành công của Chính phủ, nhất là khi Bộ Tài chính còn đang tiếp tục đề xuất giảm thuế mặt hàng này, làm ổn định giá đầu vào trong sản xuất” – TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.
Một điểm nhấn nữa trong nỗ lực giảm lạm phát của Chính phủ được các chuyên gia đánh giá cao là đã thực hiện miễn, giảm thuế, phí đối với nhiều nhóm hàng thiết yếu, vừa hỗ trợ tăng trưởng, vừa giúp giảm áp lực lên mặt bằng giá đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, góp phần hỗ trợ người lao động…Điều này khiến áp lực giảm phát giảm đi đáng kể.
Cần hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi kinh tế
Thảo luận tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, dù tình hình kiểm soát lạm phát đã tương đối tốt trong 8 tháng đầu năm, nhưng áp lực lạm phát từ nay đến cuối năm vẫn còn. Do vậy, cần kiên trì thực hiện các biện pháp ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá cả, kìm chế lạm phát như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Cần cân nhắc có chọn lọc các biện pháp chính sách nhằm hỗ trợ các nhóm sản xuất hoặc người lao động gặp khó khăn do giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao. Trong đó, đặc biệt chú trọng rà soát và thực hiện kịp thời các chính sách hỗ trợ cho các nhóm sản xuất và dịch vụ có tính đặc thù cao, phụ thuộc vào giá nguyên phụ liệu đầu vào hoặc chi phí logistics cao như đánh bắt thuỷ sản, giao thông, vận tải công cộng, xuất khẩu nông, thuỷ sản.
Các chuyên gia thảo luận về giải pháp kiềm chế lạm phát những tháng cuối năm 2022 |
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV nhấn mạnh, áp lực lạm phát dự báo có thể giảm bớt trong các tháng cuối năm 2022 nếu giá dầu và giá lương thực thế giới giảm, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu được cải thiện. Tổng hợp tác động của các yếu tố cả trong và ngoài nước, dự báo lạm phát trong nước năm 2022 sẽ ở mức 3,5-3,8%.
Các chuyên gia của VERP khuyến nghị, nếu dự báo cuối năm tình hình lạm phát có thể được kìm chế tốt, thì nên cân nhắc một số động thái nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng như nới room tín dụng và đặc biệt triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất theo đúng Nghị quyết của Chính phủ. Khu vực kinh tế tư nhân qua đại dịch COVID-19 đã chứng tỏ sự linh hoạt và sức chống chịu, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng đầu tư mạnh mẽ trong và sau dịch COVID-19, với sự quay trở lại cũng như thành lập mới của hàng chục nghìn doanh nghiệp chắc chắn sẽ là động lực to lớn cho sự phục hồi sản xuất – kinh doanh và tăng trưởng những tháng cuối năm 2022.