Độc đáo hoa Đào Mẫu Sơn

Nói về hoa Đào Mẫu Sơn, không phải ai cũng hình dung ra ở nơi lạnh nhất cả nước lại có thứ hoa vượt lên cái giá rét để đâm chồi, nảy lộc, xanh mơn mởn đến vậy.
doc dao hoa dao mau son

Hoa Đào nơi đây có sức sống mãnh liệt. Không ngoa khi nói như vậy bởi cây hoa Đào Mẫu Sơn có bộ rễ bám sâu giữa những vách, khe đá ở nơi có khí hậu khắc nghiệt gió mạnh, ẩm nhiều và rét cũng cắt da cắt thịt.

Trái ngược với thời tiết, hoa Đào Mẫu Sơn (loại hoa thuần chủng) cánh đơn, mỏng manh như thủy tinh, màu hồng không lẫn với bất kỳ màu hoa Đào nào khác của vùng đất Xứ Lạng.

Cây Đào Mẫu Sơn rất to, nhiều hoa song lại ít lá. Nếu đi trên những con đường ở khu vực này, từ xa đã có thể nhìn thấy “thảm” hoa đào như những miếng vá khổng lồ. Trông ngay trước mặt, nhưng phải vượt qua đoạn đường núi đá mới có thể tiếp cận được gốc đào. Thường một cây đào có độ cao hơn gấp đôi người thường. Tán cây Đào xòe to, không theo hình dáng cố định. Cành đào khẳng khiu, nhẵn bóng chứ không sần sùi, rêu mốc như Đào Tây Bắc.

Đào Mẫu Sơn được người dân ở Lạng Sơn ưa chuộng không chỉ bởi màu sắc, hoa đẹp, mà còn bởi độ quý hiếm, khó kiếm của loại hoa này.

Nếu như các loại hoa Đào khác có thể chơi trước tết, trong tết, thì Đào Mẫu Sơn thường nở muộn. Vào những năm âm lịch nhuận, khi Đào có đủ thời gian ấp ủ đợi tiết trời sang xuân thì đúng dịp Tết Âm lịch, Đào bắt đầu nở, nếu không phải đến mùa lễ hội của Lạng Sơn, Đào mới bắt đầu bung lụa.

Không chỉ lý do “nở” khác thường ấy, mà còn bởi cây Đào Mẫu Sơn mọc tự nhiên. Đồng bào nơi đây chưa có ý thức nhân giống cây đào nên sau nhiều năm khai thác, đào cả gốc rễ bán cho người chơi đào, đến nay cây hoa Đào Mẫu Sơn còn lại rất ít, chủ yếu ở những nơi núi cao, rất khó đến lấy.

HOÀI AN
Phiên bản di động