Doanh nghiệp thiệt hại cả triệu đô vì bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp (DN) Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị như âm nhạc, phim hoạt hình, game blockchain … phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Tuy vậy, những doanh nghiệp này lại đang “đau đầu” vì bị xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Trưởng ban Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Hà Nội: Doanh nghiệp nợ tiền BHXH hàng trăm tháng, có nơi nợ gần 50 tỷ đồng Người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ các hoạt động văn hóa, du lịch tại Sơn Tây

Vấn đề trên được đề cập tại Tọa đàm: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số" được CLB Nhà báo Công nghệ Thông tin Việt Nam (ICT Press Club) đã tổ chức vào sáng nay (28/9).

Doanh nghiệp “đau đầu” vì kiện tụng

Tại buổi tọa đàm, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam kể câu chuyện của bản thân. Là DN kinh doanh chủ yếu trên nền tảng Youtube, Sconnect tuân thủ đúng và đầy đủ các quy định và chính sách của Youtube, của pháp luật; cũng như đã có các giấy chứng nhận bản quyền hình ảnh các nhân vật, kịch bản phim hoạt hình Wolfoo tại cả Việt Nam và Mỹ từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, trong năm 2022, Sconnect - đơn vị sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Wolfoo và Entertainment One (EO) và đơn vị sở hữu bộ nhân vật hoạt hình Peppa Pig có sự tranh chấp về SHTT.

Doanh nghiệp thiệt hại cả triệu đô vì bị xâm phạm quyền SHTT
Tọa đàm: "Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp Việt trên môi trường số"

Tháng 1/2022, EO nộp đơn khởi kiện Sconnect tại Nga với cáo buộc bộ nhân vật Wolfoo là sản phẩm làm lại của bộ nhân vật Peppa Pig. Đăng tải và phổ biến bất hợp pháp trên Internet các tác phẩm phái sinh - tức là các video hoạt hình Wolfoo. 1 tháng sau đó, EO cũng nộp đơn khởi kiện Sconnect ra tòa án cấp cao tại Vương quốc Anh với các cáo buộc Sconnect vi phạm bản quyền, vi phạm nhãn hiệu Peppa Pig, cạnh tranh không lành mạnh khi gây nhầm lẫn rằng Wolfoo và Peppa Pig là cùng một chủ sở hữu tạo ra.

Doanh nghiệp thiệt hại cả triệu đô vì bị xâm phạm quyền SHTT
Ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam

Sau đó, Tòa án Nga ra quyết định chấm dứt vụ việc, tuyên bố rằng EO không được phép khiếu nại, khiếu kiện rằng Wolfoo là sản phẩm làm lại của Peppa Pig. Tuy nhiên, Tòa án Anh tiếp tục gia hạn việc xem xét yêu cầu khiếu nại thẩm quyền Sconnect đưa ra. Dự kiến phiên điều trần tiếp theo diễn ra vào tháng 11 tới.

Theo ông Tạ Mạnh Hoàng, những sai phạm của EO từ tháng 11/2021 đến nay gồm việc cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm sử dụng nhãn hiệu Wolfoo, và mạo danh chủ sở hữu Wolfoo. Những vi phạm này của EO đã gây thiệt hại trực tiếp, hữu hình cho Sconnect tính đến ngày 12/9/2022 là hơn 1 triệu USD.

Cần Nhà nước can thiệp

Theo báo cáo "Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021" của Google, Temasek và Bain & Company, khu vực Đông Nam Á đang trên con đường trở thành nền kinh tế kỹ thuật số trị giá một nghìn tỉ USD vào năm 2030, trong đó Việt Nam có thể đạt ngưỡng 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hoá (GMV).

Có thể thấy, nền kinh tế Internet mở ra cơ hội rất lớn cho các DN Việt sáng tạo ra những nội dung có giá trị như âm nhạc, phim hoạt hình, game blockchain … phát hành trên các nền tảng trực tuyến. Tuy vậy, những DN này lại đang “đau đầu” vì vấn đề bản quyền SHTT.

Trong quá trình phát triển, các DN tham gia trong nền kinh tế Internet đang gặp phải những thách thức lớn. Trong đó có thể kể đến, mặc dù hành lang pháp lý về sở hữu trí tuệ khá đầy đủ: Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh, Luật An ninh mạng, Việt Nam đã tham gia các công ước quốc tế, hội nhập sâu rộng nhưng thực tế trên Internet rất khó áp dụng các chính sách này cho các chủ thể ở nước ngoài khi thiếu các công cụ hữu hiệu để chống độc quyền, chống cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ các doanh nghiệp Việt trên không gian mạng.

Doanh nghiệp thiệt hại cả triệu đô vì bị xâm phạm quyền SHTT
Các DN đề nghị Nhà nước vào cuộc, bảo vệ quyền lợi cho DN khi bị xâm phạm quyền SHTT

Bên cạnh đó, khả năng áp dụng pháp luật hiện hành với các chủ thể nước ngoài hoặc ngoài phạm vi lãnh thổ Việt Nam chưa mạnh khiến tính tuân thủ pháp luật của các chủ thể này chưa cao, gây thiệt hại nhiều cho quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể trong nước và thiệt hại nghiêm trọng tới nền kinh tế quốc gia.

Từ câu chuyện tranh chấp với EO, ông Tạ Mạnh Hoàng - CEO & Nhà sáng lập Sconnect Vietnam đề xuất cơ quan quản lý Nhà nước lên tiếng can thiệp yêu cầu Google và Youtube dừng tiếp nhận các yêu cầu cảnh cáo vi phạm bản quyền vô căn cứ của EO, khôi phục các video phim hoạt hình và quyền kinh doanh, đăng tải video của Sconnect trên Youtube. Đề nghị các cơ quan liên quan yêu cầu EO chấm dứt các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet và có các biện pháp xử lý vi phạm thích đáng.

Một số doanh nghiệp số khác cũng gặp phải vấn đề tương tự và đề nghị Nhà nước vào cuộc. Song, ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục SHTT cũng nhấn mạnh, trước tiên, để vấn đề này được giải quyết triệt để, DN cần thay đổi nhận thức. Với tài sản trí tuệ, DN phải tìm mọi cách để bảo vệ, phải có sự đầu tư nguồn lực cho việc đảm bảo cơ sở pháp lý, hạn chế rủi ro, phát sinh ngay từ đầu liên quan đến bảo hộ, bảo vệ quyền SHTT.

"Quyền SHTT là vấn đề phức tạp, chuyên môn sâu, nếu không có sự trợ giúp chuyên môn nghiệp vụ một cách đúng đắn thì khả năng giải quyết vụ việc là không thể có. Nếu không có cách tiếp cận chuyên nghiệp và rõ ràng thì rất khó thành công", ông Trần Lê Hồng nói.

Thái Sơn
Phiên bản di động