Doanh nghiệp Mỹ đầu tư hàng tỷ USD vào nhiều dự án năng lượng lớn tại Việt Nam
Gần 56.000 dự án điện mặt trời mái nhà đã đưa vào vận hành |
Ngày 28/10, trong khuôn khổ Diễn đàn thương mại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được tổ chức tại Hà Nội, nhiều thoả thuận hợp tác kinh tế thương mại quan trọng giữa Việt Nam và Mỹ trị giá nhiều tỷ USD được ký kết và công bố.
Theo đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) và Tập đoàn AES của Mỹ đã ký kết “Thoả thuận các điều khoản chính của hợp đồng liên doanh dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ”, với giá trị khoảng 1,4 tỷ USD.
Dự án kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ nằm trong chuỗi dự án điện khí LNG tại tỉnh Bình Thuận, với công suất kho cảng là 3 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1 và lên đến 6 triệu tấn/năm vào giai đoạn tiếp theo.
Ông Dương Mạnh Sơn - Tổng giám đốc PV GAS thực hiện ký kết trực tuyến “Thoả thuận các điều khoản chính của Hợp đồng liên doanh dự án kho cảng LNG Sơn Mỹ”. Ảnh: PV GAS |
Dự án này nhằm tiếp nhận, xử lý và cung cấp khí LNG tái hóa làm nhiên liệu cho 2 nhà máy điện Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2 từ năm 2024, bổ sung nguồn khí thiếu hụt tại miền Nam Việt Nam, đặt biệt là sau 2023, khi các nguồn khí nội địa bắt đầu suy giảm.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Công ty Delta Offshore Energy (Singapore) cũng đã ký thỏa thuận để sử dụng các thiết bị và dịch vụ kỹ thuật trị giá 3 tỷ USD với các tập đoàn Mỹ gồm: Bechtel Corporation, General Electric và McDermott để phát triển dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu.
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu do Công ty Delta Offshore Energy làm chủ đầu tư.
Đây là dự án tích hợp tổng thể gồm nhà máy điện có tổng công suất thiết kế 3.200 MW trên diện tích đất 40 ha tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) và trạm tiếp nhận, lưu trữ nhiên liệu có diện tích nổi FSU hoặc trạm lưu trữ và tái hóa khí nổi FSRU khoảng 100 ha mặt biển, có công suất lưu trữ từ 150.000 đến 174.000 m3 khí tự nhiên hóa lỏng LNG; trạm tái hóa khí và 35 Km đường ống dẫn khí áp suất cao.
Với tổng mức đầu tư dự kiến là 93.600 tỷ đồng, tương đương khoảng 4 tỷ USD, Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu là dự án đầu tư trực tiếp 100% vốn nước ngoài (FDI) lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long từ trước tới nay.
Bên cạnh đó, cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Tập đoàn VinaCapital và General Electric (GE) cũng đã ký thoả thuận hợp tác phát triển dự án điện khí LNG Long An. Dự án này từng được đăng ký ban đầu là dự án nhiệt điện than, song không được địa phương đồng thuận vì lo ngại ảnh hưởng môi trường.