Doanh nghiệp dệt may vẫn phải tìm đơn hàng từng tháng
Theo Bộ Công thương, với sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu trong bối cảnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng đã tác động rất lớn đến tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 45% và 18% kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may).
Xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019 |
Kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may năm 2020 ước đạt 35,27 tỷ USD, giảm 9,29% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là mức rất tích cực trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%.
Trong giai đoạn vừa qua, ngành dệt may Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc, tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết như: FTA Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - EAEU, CPTPP, EVFTA…
Năm 2016, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 28,1 tỷ USD, nhưng đến năm 2019 đã đạt 38,9 tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 9,55%.
Đặc biệt, giá trị xuất siêu có sự tăng nhanh: năm 2016 đạt 11,1 tỷ USD, năm 2019 đạt 16,9 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu của dệt may Việt Nam từ chỗ năm 2016 đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ thì đến năm 2019 đã vượt lên trên Ấn Độ, đứng thứ 3 thế giới.
Tương tự như đối với ngành dệt may, trong năm 2020, theo Bộ Công thương, ngành da giày cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch Covid-19, nhất là khi các nước là thị trường xuất khẩu lớn của ngành như Mỹ và EU (thị trường Mỹ và châu Âu lần lượt chiếm khoảng 36% và 27% kim ngạch xuất khẩu giày dép của Việt Nam) tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.
Nếu như năm 2019, xuất khẩu giày dép, túi xách Việt Nam đạt 22 tỷ USD (tăng 12% so với năm 2018), thì năm 2020 dự kiến kim ngạch xuất khẩu ngành da giày đạt khoảng 20 tỷ USD, giảm khoảng 2 tỷ USD so với 2019 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Ông Cao Hữu Hiếu - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, dù thị trường đã có dấu hiệu "ấm" hơn trong quý 4/2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, hợp đồng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ đáp ứng được 50-60% năng lực, còn lại vẫn phải tìm đơn hàng từng tháng.