Doanh nghiệp dệt may tìm cách 'vượt bão' Covid-19
Doanh nghiệp dệt may cũng lao đao vì virus corona |
Theo thông tin từ Bộ Công thương, ngày 5/3, Đoàn công tác của Bộ do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn đầu đã có buổi làm việc thực địa tại một số doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may (Tổng Công ty May 10), da giày (Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây) để nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp đang phải đối mặt trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Tại Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội), báo cáo Đoàn công tác và Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây cho biết công ty chuyên sản xuất giầy lưu hóa, giầy thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng, thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thăm các xưởng sản xuất của Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây. Ảnh: Hồng Hạnh. |
Theo ông Tùng, hiện công ty chủ yếu sản xuất giày lưu hóa nên tỷ lệ nội địa hóa trên 70% (đế giầy, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán). Một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu. Do đó, dù tỷ lệ nội địa hóa cao nhưng cũng như nhiều doanh nghiệp da giày khác, công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề nguyên liệu.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh gợi ý, với tỷ lệ nội địa hóa cao, có những đôi giày lên đến 95% như vậy, công ty nên tìm kiếm các thị trường nguyên liệu khác, ưu tiên khai thác thị trường trong nước, tránh để phụ thuộc vào một thị trường cụ thể.
Ngay tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã giao Cục Công nghiệp, Cục Xúc tiến thương mại cùng với hệ thống thương vụ, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm, kết nối và mở rộng thị trường để xúc tiến, quảng bá sản phẩm rộng rãi hơn.
Nói về các giải pháp trong bối cảnh dịch bệnh có thể kéo dài, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ, do sản xuất theo hình thức FOB, Công ty đã và đang chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.
Làm việc Tổng Công ty may 10, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc cho biết, doanh nghiệp này có 12.000 người lao động thuộc hơn 18 nhà máy, xí nghiệp tại các tỉnh thành trên khắp cả nước. Công ty cũng đã thành lập Ban phòng chống dịch bệnh và thường xuyên túc trực, cập nhật tình hình.
Theo ông Thân Đức Việt, sức khỏe của người lao động là tài sản của công ty, nếu chẳng may một trường hợp nhiễm bệnh, cả nhà máy, thậm chí cả Tổng công ty phải đóng cửa, bị cách ly. Do đó, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần quan tâm đến người lao động, không thể chủ quan, lơ là.
Nói về những khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh hiện nay do tác động của dịch bệnh, ông Việt đã chia sẻ về việc sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc; nỗi lo nhân công; nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung trong khi đối tác vẫn cần hàng...
Chia sẻ với những khó khăn của Tổng Công ty may 10, nhưng Bộ trưởng Bộ Công thương cũng nhấn mạnh, dù trong tình huống rất xấu cũng không được để xảy ra tình trạng phá sản vì còn có trách nhiệm xã hội rất lớn.
Làm việc với các doanh nghiệp dệt may và da giày trong bối cảnh dịch bệnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đánh giá cao sự tích cực, chủ động vượt khó của từng doanh nghiệp khi sâu sát đến đời sống của người lao động, chủ động tìm kiếm nguồn cung, tìm kiếm thông tin về thị trường, khai thác các cơ hội từ FTA... mỗi doanh nghiệp có thể có những dự báo riêng, những phương án, kịch bản riêng, nhưng doanh nghiệp cũng cho thấy sự chủ động để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ông Bộ Công Thương khẳng định, Bộ Công thương sẽ lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay để tổng hợp và báo cáo Chính phủ. Về phía Bộ, Bộ sẽ làm hết trách nhiệm để hỗ trợ doanh nghiệp, từng bước tháo gỡ khó khăn.