Dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gia tăng gánh nặng
Điều tra doanh nghiệp ở Hưng Yên buôn lậu 600 tấn quặng đồng nguyên khai Đề xuất giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ |
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố kết quả cuộc khảo sát 126.565 doanh nghiệp (trong đó có 51/66 tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn) về tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, tại thời điểm điều tra (10/4/2020-20/4/2020), có tới 85,7% số doanh nghiệp trên phạm vi cả nước bị tác động của dịch Covid-19. Cụ thể, dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết khu vực doanh nghiệp.
Theo quy mô, các doanh nghiệp có quy mô càng lớn, tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động từ dịch Covid-19 càng cao. Điều này có thể lý giải, các doanh nghiệp có quy mô lớn thường là những doanh nghiệp hoạt động kinh doanh đa ngành nghề, có chuỗi giá trị liên kết trong nước và quốc tế chặt chẽ, rộng hơn nhóm doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ chịu tác động lan tỏa nhiều hơn khi dịch bệnh bùng phát trên phạm vi toàn cầu.
Nhóm doanh nghiệp lớn (hiện chiếm 2,8% tổng số doanh nghiệp) là nhóm có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động nhiều nhất với 92,8%; tỷ lệ này của nhóm doanh nghiệp vừa là 91,1%, nhóm doanh nghiệp nhỏ là 89,7%; và nhóm doanh nghiệp siêu nhỏ (hiện chiếm 62,6% toàn bộ doanh nghiệp) là 82,1%.
Theo loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp FDI là đối tượng đang chịu nhiều tác động của dịch Covid-19 nhất, với 88,7%; tỷ lệ này đối với nhóm doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp ngoài Nhà nước lần lượt là 87,3% và 85,5%.
Chi trả công lao động được đánh giá là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp do tác động của dịch Covid-19. |
Theo khu vực kinh tế, tại thời điểm hiện nay, khu vực công nghiệp và xây dựng và khu vực dịch vụ đang chịu nhiều tác động nhất từ dịch Covid-19 với tỷ lệ doanh nghiệp bị tác động lần lượt là 86,1% và 85,9%; trong khi khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chịu ảnh hưởng ít hơn với 78,7% (tuy nhiên quy mô của các doanh nghiệp khu vực này chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp trong toàn bộ doanh nghiệp).
Đáng chú ý, một số ngành kinh tế có tỷ lệ doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 cao, điển hình như: ngành hàng không 100%; ngành dịch vụ lưu trú 97,1%; dịch vụ ăn uống 95,5%; hoạt động của các đại lý du lịch 95,7%; giáo dục và đào tạo 93,9%; tiếp đến là các ngành dệt, may, sản xuất da, các sản phẩm từ da, sản xuất các sản phẩm điện tử, sản xuất ô tô đều có tỷ lệ trên 90%.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 đã và đang ảnh hưởng sâu, rộng tới mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, kéo theo hàng loạt những vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt như: Thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh, thị trường cung - cầu trong nước bị thu hẹp, hoạt động xuất, nhập khẩu bị đình trệ... Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn chịu áp lực từ các khoản chi phí rất lớn để duy trì hoạt động của doanh nghiệp như chi phí thuê mặt bằng, chi trả lãi vay ngân hàng, trả công cho lao động, chi phí thường xuyên khác...
Để ứng phó với tác động của dịch Covid-19, doanh nghiệp đã phải áp dụng nhiều giải pháp như: điều chỉnh nguồn nhân lực, cắt giảm chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh, thay đổi phương thức cũng như chiến lược sản xuất kinh doanh... Nhìn chung, có những giải pháp tác động tích cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng bên cạnh đó cũng có những giải pháp tiêu cực mà doanh nghiệp phải áp dụng để duy trì sự tồn tại trong thời kỳ dịch bệnh này.
Về những giải pháp tiêu cực, nhiều doanh nghiệp đã phải áp dụng các giải pháp tạm thời như cắt giảm lao động, cho lao động nghỉ việc không lương, giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm lương lao động, thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh hoặc tạm ngừng hoạt động. Do tác động của dịch Covid, có tới 66,8% số doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp liên quan đến lao động. Giải pháp cho lao động giãn việc/nghỉ luân phiên có 39,5% doanh nghiệp lựa chọn, cao nhất trong các giải pháp về lao động; có 28,4% doanh nghiệp áp dụng giải pháp cắt giảm lao động; 21,3% doanh nghiệp cho lao động nghỉ không lương và 18,9% doanh nghiệp giảm lương lao động.
Ở phương diện tích cực, để thích ứng với dịch Covid-19, các doanh nghiệp đã nhanh chóng chuyển hướng đi mới. Các giải pháp được doanh nghiệp thực hiện chủ yếu bao gồm đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử, chuyển đổi mặt hàng sản phẩm chủ lực, tích cực tìm kiếm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm đầu ra ngoài thị trường truyền thống. Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận doanh nghiệp tận dụng thời điểm này để tổ chức đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động.
Kết quả khảo sát cho thấy, trong số những doanh chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19, hiện có tới gần 20% số doanh nghiệp đang phải tạm ngừng hoạt động. Nếu dịch kéo dài đến hết quý II/2020, dự kiến cả nước có khoảng 134 nghìn doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động; nếu dịch kéo dài đến hết quý III, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng lên 160 nghìn; đến hết quý IV/2020 tăng lên 205 nghìn doanh nghiệp.