Cùng với tục khai bút đầu năm, người Việt còn có thói quen xin chữ và cho chữ vào những ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Đây là một việc làm mang nhiều ý nghĩa văn hóa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa trọng tri thức và cũng là mong muốn xin được con chữ lấy may mắn, cầu một năm tài lộc, phúc thọ đầy nhà.
|
Ghi nhận tại hồ Văn người dân đeo khẩu trang kể cả lúc xin chữ |
Theo ghi nhận của phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô vào các ngày mùng 5, 6 và mùng 7 tết Canh Tý 2020 thì tại 52 gian lều viết chữ của các ông đồ được bố trí ở khu vực phía trước hồ Văn đều đông kín người xếp hàng xin chữ, điều khác biệt là rất nhiều người đứng xin chữ và một vài ông đồ lại đeo khẩu trang. Điều này cũng dễ lý giải bởi giữa tâm bão virus viêm phổi cấp Corona, người dân phải tự nâng cao ý thức "phòng bệnh còn hơn chữa bệnh" khi đến chỗ đông người.
|
Một số ông đồ cũng phải mang khẩu trang để đảm bảo an toàn khi tiếp xúc với nhiều du khách |
|
Người dân đeo khẩu trang khi xin chữ |
Theo ông đồ Lê Thanh Liêm cho biết: "Chưa có năm nào du khách lại đeo khẩu trang để ngồi xin chữ như năm nay, bản thân tôi cũng lo sợ dịch bệnh viêm phổi lạ nhưng thi thoảng mới đeo khẩu trang thôi vì khi giao tiếp với du khách mà đeo khẩu trang cũng hơi kỳ và không quen".
|
Chủ tịch TP Hà Nội đã khuyến cáo cần tiếp tục tuyên truyền về việc đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động công cộng, tham gia lễ hội… |
|
Người dân xin chữ tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám. |
Với gia đình anh Phạm Thế Lân (Trảng Dài – Đồng Nai) thì đây là năm đầu tiên cả gia đình được ra Hà Nội du xuân và đi xin chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Theo anh Lân thì ngoài mục đích xin chữ đầu năm lấy may, anh cũng muốn dạy con về một nét đẹp văn hóa của người Việt.
|
Chen chân xin chữ đầu năm Canh Tý tại Văn Miếu |
|
Một số người dân mặc dù ý thức được việc phòng dịch bệnh nhưng vẫn phải bỏ khẩu trang khi xin chữ ông đồ vì chưa quen với việc che miệng khi giao tiếp |
Anh Lân tâm sự: “Chứng kiến cảnh mọi người xếp hàng xin chữ, tìm hiểu về ý nghĩa của chữ, tôi tin rằng sau buổi trải nghiệm hôm nay các con sẽ có những thay đổi trong suy nghĩ về việc học, các cháu sẽ tự giác hơn trong việc học. Mặc dù cũng lo sợ dịch bệnh virus Corona và cũng nhắc nhở các con đeo khẩu trang chỗ đông người nhưng khi ngồi xin chữ thì chúng tôi đành tạm không đeo nữa”
Cũng theo vị du khách này, gia đình anh đã xin ông đồ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám hai chữ Phúc Khang thể hiện mong muốn có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, khỏe mạnh cho gia đình. Ngoài ra đây cũng là tên của hai cậu con trai Bảo Phúc và Bảo Khang.
|
Gia đình anh đã xin chữ Phúc Khang vừa là tên của hai cậu con trai vừa là để mong muốn cuộc sống ấm no, khỏe mạnh |
Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 diễn ra từ ngày 18/1 đến ngày 5/2, mở cửa hàng ngày từ 8h đến 20h, đây là lần thứ 6 Hội chữ Xuân được tổ chức với sự hiện diện của 52 ông đồ tham gia cho chữ. Các ông đồ đã qua kỳ khảo tuyển nghiêm túc nhằm mang đến chất lượng cao của những bức thư pháp, thư họa đầu xuân cùng với sự yên tâm tin tưởng cho mỗi người khi mang về gia đình những bức chữ viết đúng, viết đẹp, chứa đựng những ước nguyện tốt lành.
|
52 gian lều của các ông đồ đều đông kín người xin chữ |
Riêng 30 Tết Canh Tý, Hội chữ Xuân đã mở cửa đón giao thừa đến 2h sáng hôm sau, ngoài hoạt động viết chữ thư pháp, còn có các gian hàng sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống...và những gian hàng bày bán khẩu trang.
|
Ngoài các gian hàng sản phẩm thủ công của làng nghề truyền thống còn có những sạp hàng bán khẩu trang |