Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND Đà Nẵng
Đà Nẵng: Người trồng rau khốn khổ vì xâm nhập mặn Y án sơ thẩm đối với cựu Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Sở Xây dựng Đà Nẵng nói gì về kiến trúc của 2 tòa nhà “nhức mắt”? |
Mới đây, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác.
Theo đó, Chính phủ đề nghị thí điểm mô hình một cấp chính quyền địa phương tại Đà Nẵng, gồm HĐND và UBND; hai cấp hành chính còn lại (quận, phường) không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức UBND. Riêng huyện Hòa Vang và các xã trực thuộc tiếp tục giữ mô hình 3 cấp chính quyền gồm HĐND và UBND.
Đề xuất để người dân Đà Nẵng trực tiếp bầu chủ tịch thành phố, đại biểu Vũ Trọng Kim - Chủ tịch trung ương Hội cựu Thanh niên xung phong, nói "ra đời một mô hình mới thì người dân cần cảm nhận được sự dân chủ, sáng kiến của họ được tiếp thu, quyền lợi và chất lượng cuộc sống tăng lên".
Theo ông Kim, "Đà Nẵng đã là thành phố đáng sống thì khi thí điểm chính sách đặc thù phải đáng sống hơn, thực sự là chính quyền nhân dân theo mô hình mới".
Đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu tại nghị trường. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Về mô hình một cấp chính quyền địa phương ở Đà Nẵng, ông Kim phân tích "khi đó, khối lượng công việc của HĐND (cấp thành phố) sẽ nhiều hơn, đòi hỏi các ban của cơ quan này phải chất lượng, chuyên nghiệp, sâu sát với dân".
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam, cho rằng mô hình chính quyền đô thị của Đà Nẵng phải đặc biệt, không giống các địa phương khác.
"Tôi cho là phải bầu trực tiếp Chủ tịch UBND thành phố, để ông ta nhiều quyền tự quyết đồng thời xây dựng cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực", ông Thắng nói.
Lấy ví dụ Singapore chỉ có dân số khoảng 6 triệu người, bằng một nửa TP HCM, nhưng họ đã trở thành một đảo quốc phát triển với mục tiêu xuyên suốt là đặt người dân vào trung tâm phụng sự, ông Thắng nói "chính quyền đô thị ở Đà Nẵng nếu muốn phát triển được bền vững cũng phải đi theo hướng đó".
"Nên cơ cấu 90% đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách, chỉ cần vài lãnh đạo kiêm nhiệm, như vậy mới thực sự sát với dân, đủ quyền lực và thường xuyên làm việc vì dân", Chủ tịch Hội nghề cá nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội |
Tại phiên họp, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói khi được giao cơ chế đặc thù, Đà Nẵng phải nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực. "Sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết, chúng tôi sẽ cùng cơ quan thẩm tra và các Ủy ban của Quốc hội tiếp tục rà soát để đảm bảo chặt chẽ, đáp ứng quyền làm chủ của nhân dân", ông Dũng nói.
Dự thảo nghị quyết thí điểm chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Đà Nẵng dự kiến sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua chiều 18/6.
Đà Nẵng là đô thị trực thuộc Trung ương, diện tích không lớn (hơn 1.285,4 km²) song tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao. Toàn thành phố có 8 quận, huyện (bao gồm Hoàng Sa) và 56 phường, xã; tổng dân số hơn 1,1 triệu. Hiện Đà Nẵng đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc phân định quyền hạn, nhiệm vụ, phương thức quản lý bộ máy, phân cấp trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với đặc thù về quản lý đô thị...
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, HĐND cấp tỉnh, thành là cơ quan bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch UBND cùng cấp. |