Đảm bảo vùng an toàn, hướng tới Hà Nội không còn bệnh dại

Thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2022 - 2030.
Số ca tử vong vì bệnh dại tăng cao từ đầu năm, trong đó có rất nhiều trẻ em

Xây dựng hình ảnh Thủ đô an toàn, thân thiện

Việc nuôi chó, mèo từ lâu đã trở thành thú vui của nhiều người dân. Do đó, chỉ cần dạo một vòng quanh công viên lớn nhỏ ở trung tâm thành phố Hà Nội vào các buổi sáng sớm, chiều tối, sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh các loại chó nuôi không rọ mõm, được thả rông khi mùa bùng phát bệnh dại đang đến gần.

Bà Vũ Thị Là (Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) chi sẻ: "Nhà tôi gần công viên, sáng sớm, tôi cùng chồng hay ra công viên để tập thể dục. Quanh đây cũng có nhiều người dân lui tới để chạy bộ buổi sáng và chiều tối. Tuy nhiên, nhiều người còn dẫn theo cả vật nuôi như chó, mèo mà không rọ mõm.

Đã không ít lần tôi chứng kiến cảnh những người dân chạy bộ hoặc các cháu nhỏ bị chó thả rông tấn công nên tôi thấy lo sợ. Thiết nghĩ, người dân cần có ý thức trong việc quản lý vật nuôi và đơn vị quản lý công viên cũng cần có những quy định cụ thể đối với người dân mang theo vật nuôi vào công viên".

Đảm bảo vùng an toàn, hướng tới Hà Nội không còn bệnh dại
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại cho tổng 12 quận nội thành

Theo số liệu của UBND thành phố Hà Nội, hiện tại tổng đàn chó, mèo của thành phố vào khoảng 460.000 con, đứng thứ hai cả nước sau Nghệ An. Từ năm 2019 đến nay, Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp tử vong vì bệnh dại và bị chó cắn.

Nhằm mục tiêu hướng tới thủ đô không còn bệnh dại trong giai đoạn 2022-2030, mới đây UBND Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 105/KH-UBND về việc thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2030, trong đó giao 579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành lập đội bắt chó, mèo thả rông, nhằm phòng chống bệnh dại trên người và vật nuôi.

Quận Thanh Xuân là địa phương triển khai mô hình đội bắt chó thả rông đầu tiên trên địa bàn Hà Nội. Đến nay toàn quận đã có 11 đội thuộc 11 phường, tình trạng chó, mèo thả rông trên địa bàn giảm 80 - 90%. Quận đã được công nhận là vùng an toàn bệnh dại. Tuy nhiên, điều đáng mừng nhất là ý thức quản lý vật nuôi của người dân đã được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Hồng (Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: "Từ ngày đội bắt chó thả rông của phường hoạt động, tình trạng chó thả rông ngoài đường đã giảm đáng kể, nỗi lo của người dân đã vơi đi phần nào. Nhờ có đội bắt chó thả rông tuyên truyền nên người dân rất ý thức đeo rọ mõm và xích cho chó mỗi khi ra đường. Vì vậy chúng tôi cũng yên tâm hơn mỗi khi ra nơi công cộng".

Quyết tâm xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại

Là đơn vị tham mưu cho UBND thành phố Hà Nội triển khai kế hoạch thực hiện chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thủ đô giai đoạn 2022 – 2030, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết: Việc thành lập đội bắt chó thả rông là một trong các giải pháp để đảm bảo vùng an toàn, hướng tới Thủ đô không còn bệnh dại.

"Mục đích của việc thành lập đội bắt chó thả rông là hạn chế việc người tử vong do chó cắn. Mấy năm nay, bước đầu đã có 4 quận nội thành gồm Hoàn Kiếm, Ba Đình, Thanh Xuân, Tây Hồ được công nhận vùng an toàn bệnh dại. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 sẽ xây dựng thành công vùng an toàn bệnh dại cho tổng 12 quận nội thành, sau đó mới triển khai ra các huyện, thị xã trên địa bàn thành phố", ông Sơn nói.

Đảm bảo vùng an toàn, hướng tới Hà Nội không còn bệnh dại
Chó nuôi không rọ mõm, được thả rông trong khi mùa bùng phát bệnh dại đang đến gần

Ông Sơn cũng cho biết, để xây dựng được vùng an toàn bệnh dại tại các quận nội thành, Hà Nội phải quản lý được số chó nuôi trên địa bàn, đồng thời phải triển khai tiêm triệt để vắc xin phòng dại cho đàn chó nuôi.

"Việc quan trọng nhất là không để chó thả rông, không để chó chạy ra đường mà không có rọ mõm, không có xích và phóng uế bừa bãi. Muốn làm được như vậy thì phải tăng cường thành lập các tổ bắt giữ chó thả rông, việc này được rất nhiều người dân đồng tình, ủng hộ", ông Sơn nói.

Về việc triển khai tại các huyện, thị xã, ông Sơn nói việc lập đội trước mắt chưa khả thi do người dân chủ yếu nuôi chó thả rông để trông giữ nhà, tài sản ở khu vực rộng, cần thời gian để thuyết phục, vận động người dân.

"Về lực lượng tham gia đội bắt chó thả rông, Hà Nội hiện chưa có quy định cụ thể. Tuy nhiên hiện nay các phường đã triển khai mỗi tổ có khoảng 6-8 người là bảo vệ tổ dân phố, dân quân, công an viên, y tế, nhân viên thú ý, cán bộ chuyên trách bắt chó...

Các đội sẽ hoạt động khoảng 1-2 lần một tuần, không cố định ngày để tăng tính đột xuất nhằm phát hiện, xử lý các vi phạm của chủ vật nuôi, đặc biệt tập trung tại các khu vui chơi giải trí ngoài trời", ông Sơn thông tin.

Đảm bảo vùng an toàn, hướng tới Hà Nội không còn bệnh dại
Đội bắt chó thả rông phòng bệnh dại ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội)

Qua thực tế triển khai tổ bắt giữ chó thả rông tại các phường, vị chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Nội cho biết đã gặp một số khó khăn như dụng cụ bắt giữ chó chưa chuyên dụng; Nhiều con chó to khi bị bắt gây thương tích cho tổ bắt chó. Khó khăn nữa là khi bắt chó mà chưa xác minh được ai là chủ thì phải nuôi nhốt, chăm sóc, đồng thời thông báo rộng rãi để chủ tới nhận chó.

Hiện, nhiều phường đang vướng mắc trong việc nuôi nhốt chó. Ngoài ra, hiện thù lao cho những người đi bắt giữ chó còn thấp so với công sức họ bỏ ra, nên khiến nhiều người không mặn mà tham gia vào đội. Ngoài ra, hiện nhiều giống chó rất đắt tiền, từ hàng chục đến cả trăm triệu, nên việc chăm sóc những con chó này lúc bắt giữ cũng đặt ra nhiều vấn đề do đây là tài sản lớn.

Do đó, ông Nguyễn Ngọc Sơn cũng khuyến cáo những người nuôi chó nên nâng cao ý thức cộng đồng trong việc nuôi chó, đặc biệt là việc tiêm phòng và đeo rọ mõm khi đưa chó ra đường.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động