Đại biểu Quốc hội băn khoăn về chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam trên đà phục hồi Kinh doanh tuần qua: ADB hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam |
Theo Cổng thông tin Quốc hội, tại kỳ họp ngày 4/11, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị xem xét tính khả thi của một số chỉ tiêu pháp triển kinh tế xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra ở các tỉnh miền Trung.
Cụ thể, đại biểu Trần Văn Tiến (thuộc đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Chính phủ xem xét lại một số chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, cần xem xét lại chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho hợp lý bởi dự kiến 6% là cao khi mà tình hình dịch bệnh khó lường, thiên tai biến đổi khí hậu đang xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại nặng nề ở hầu hết các tỉnh.
Đại biểu Trần Văn Tiến – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: quochoi.vn |
Ông Tiến cũng cho rằng chỉ tiêu về quy mô GDP bình quân đầu người dự kiến đạt khoảng 3.700 USD là quá cao vì năm 2020 bình quân mới đạt 2.750 USD nên ông đề nghị cân nhắc thêm về chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội khoảng 4,8%, chỉ tiêu này thấp hơn so với năm 2019 và năm 2020, trong khi nước ta đang áp dụng và đổi mới các tiến bộ khoa học, công nghệ.
Bên cạnh đó, ông Tiến cũng đề nghị bổ sung chỉ tiêu, mức tiêu hao năng lượng trên đơn vị GDP để phản ánh kết quả của việc đổi mới công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất và áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để giảm mức tiêu hao năng lượng trong sản xuất, kinh doanh, phản ánh sự thay đổi cấu trúc của nền kinh tế.
Cũng băn khoăn về tính khả thi của chỉ tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra, đại biểu Nguyễn Thị Yến (thuộc đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, đại dịch Covid-19 sẽ tiếp tục tác động tiêu cực trong năm 2021 và những năm tiếp theo, bên cạnh đó, thiên tai, bão lũ như vừa qua ở một số tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng nề, ảnh hưởng đến kinh tế nước ta.
Vì vậy, theo bà Yến cần có các kịch bản, những phương án, giải pháp cụ thể để giảm thiểu thiệt hại từ đại dịch Covid-19 trong điều kiện bình thường mới; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối của nền kinh tế.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3% và là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.