Đà Nẵng: Game thủ lừa hàng chục người chạy visa xuất khẩu lao động
Phan Đình Nhân tại thời điểm bị bắt (Ảnh: V.Q) |
Ngày 3/11, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã thực hiện lệnh bắt tạm giam Phan Đình Nhân (SN 1992, ngụ huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định) để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Qua điều tra ban đầu cho thấy, Nhân thuê văn phòng tại phường Hòa Khê (quận Thanh Khê) để mở Công ty Visa 247 Hàn Quốc – Quốc tế và thuê 2 nhân viên nữ để làm công việc ‘tư vấn” xuất khẩu lao động.
Theo đó, mỗi hợp đồng trọn gói khoảng 10.000USD (235 triệu đồng) /người, thanh toán thành nhiều đợt. Ngoài đặt cọc 3.000 USD để làm hồ sơ ban đầu, sau khi ký hợp đồng, khách hàng thanh toán đợt 1 và đến khi sang Hàn Quốc làm việc được 1 tuần, khách mới thanh toán nốt số tiền còn lại.
Dưới mác Công ty Visa 247 Hàn Quốc – Quốc tế, hằng ngày, Nhân lên mạng xã hội Facebook quảng cáo hoạt động của công ty và nhắm đến các đối tượng có nhu cầu xuất khẩu lao động, du lịch Hàn Quốc để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi khách hàng liên hệ, Nhân hướng dẫn đến gặp nhân viên tại Văn phòng Công ty ở Đà Nẵng để làm các thủ tục đã được lên kế hoạch từ trước.
Theo trình bày của 4 bị hại có hộ khẩu thường trú tại Nghệ An, qua Facebook họ được biết Công ty Visa 247 Hàn Quốc – Quốc tế tại Đà Nẵng tuyển dụng lao động và chạy visa du lịch sang Hàn Quốc.
Công ty hướng dẫn họ gặp Danh qua số điện thoại 0843081918. Danh chỉ dẫn làm các thủ tục hoàn tất hồ sơ xuất khẩu lao động, rồi yêu cầu gặp Nguyễn Thị Cúc Oanh (ngụ tỉnh Quảng Nam) để tiếp nhận hồ sơ.
Tiếp đó, Oanh hướng dẫn khách nộp sơ yếu lý lịch, giấy khám sức khỏe, hộ chiếu, xác nhận không có tiền án, tiền sự và yêu cầu đặt cọc 3.000 USD. Sau khi hoàn tất thủ tục, khách nhận hóa đơn, hợp đồng thanh toán lần 1 và thông báo sau 2 tháng sẽ ra visa bay sang Hàn Quốc. Khi sang đến nơi và làm việc được 1 tuần, khách sẽ thanh toán nốt số tiền còn lại.
Sau khi hoàn tất cả thủ tục, khách quay về Nghệ An chờ ngày nhận visa ngay tại sân bay và bay thẳng đi Hàn. Ngày 20/7, đúng hẹn, khách đến sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) thì không thấy ai. Những người này liên lạc về công ty thì Oanh thông báo hồ sơ có vấn đề nên yêu cầu khách quay về, có gì liên lạc sau.
Ngày 19/8, Danh mời những người này vào Đà Nẵng ký hợp đồng lao động do phía Hàn Quốc gửi qua và yêu cầu thanh toán nốt số tiền còn lại để hoàn tất hồ sơ. Kiểm tra thông tin hợp đồng, khách thấy có nhiều điều không đúng với tuyển dụng nên đã yêu cầu Công ty sửa lại.
Ngày 20/8, khách ký hợp đồng và đóng số tiền còn lại, nhận biên lai thu tiền trọn gói là 10.000 USD (khoảng 235 triệu đồng)/người.
Danh và Oanh hứa sẽ có visa 5 ngày sau khi ký hợp đồng. Những người khách yêu cầu Công ty viết cam kết, nếu không đúng hạn sẽ trả lại tiền. Tuy nhiên, ngày 25/8, một lần nữa khi đến sân bay Tân Sơn Nhất để nhận visa thì Danh vẫn tiếp tục thông báo hồ sơ trục trặc hẹn qua tháng 9.
Lần này, Oanh cho biết đã đưa hồ sơ của khách vào TP HCM để ký lại, còn Danh hẹn khách đến ngày 6/9 sẽ xong, sau đó lại hẹn đến ngày 10/9.
Thấy có dấu hiện bất bình thường, ngày 12/9, các bị hại đến văn phòng công ty tại Đà Nẵng thì được biết văn phòng đã chuyển đi đâu không rõ.
Biết mình đã bị lừa, những người này đã làm đơn trình báo đến Công an quận Thanh Khê. Vụ việc sau đó được chuyển đến Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an Đà Nẵng thụ lý.
Theo Phòng Cảnh sát Kinh tế, qua một tháng khẩn trương xác minh, điều tra, Công an đã xác định Phan Đình Nhân là kẻ chủ mưu trong vụ lừa đảo xuất khẩu lao động sang Hàn. Bước đầu, Nhân thừa nhận đã lừa 15 người, chiếm đoạt số tiền trên 3 tỷ đồng.
Đáng nói, só tiền hơn 3 tỷ đồng chiếm đoạt từ lừa đảo xuất khẩu lao động, Nhân khai đã sử dụng để chơi game.