Đà Nẵng: 2 nhà máy thép ngàn tỷ có nguy cơ thành đống phế liệu
Các thiết bị của 2 nhà máy thép bị niêm phong, cấm sản xuất khiến doanh nghiệp điêu đứng |
Ngày 27/9, Đại diện Công ty CP thép Dana Ý (Dana Ý) xác nhận, đến thời điểm hiện tại, các máy móc, thiết bị của doanh nghiệp vẫn đang bị cơ quan chức năng niêm phong, mọi hoạt động sản xuất đều phải dừng lại.
Trước đó, vào cuối tháng 12/2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và môi trường (TN&MT) TP Đà Nẵng cùng các cơ quan chức năng niêm phong các tủ điện điều khiển của 2 cụm lò luyện của Dana Ý. Đồng thời yêu cầu công ty phải bảo quản niêm phong nguyên trạng, chịu trách nhiệm với các niêm phong.
Trường hợp mở niêm phong, chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý của cơ quan chức năng.
Bà Trần Mai Liệu, Phó Tổng GĐ Công ty CP Thép Dana Ý cho biết, từ khi bị chính quyền niêm phong thiết bị, công ty không thể cho kỹ thuật vận hành bảo trì, bảo dưỡng máy móc được. Từ đây, các máy móc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đang có nguy cơ trở thành đống phế liệu.
Bà Liệu cho rằng TP bố trí chỉ cho công ty cán chứ không luyện thép, nếu cán thì làm gì gây ô nhiễm mà phải chuyển đi chỗ khác.
“Nếu chuyển phải chuyển đi đâu?. Công ty lại dính nợ xấu ngân hàng do không hoạt động được nên không thể vay tiếp, giờ chỉ chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của thành phố thì công ty mới tiến hành được các bước tiếp theo” – bà Liệu nói.
Công ty CP Thép Dana Ý bị người dân bao vây vào năm 2018 vì gây ô nhiễm |
Tương tự, Công ty CP thép Dana Úc (Dana Úc) từ khi bị đình chỉ hoạt động cũng lâm vào nợ nần chồng chất. Lãnh đạo công ty này cho biết, ngân hàng đã nhiều lần gửi thông báo hối thúc trả nợ nhưng công ty chưa có trả nên đã chuyển thành nợ xấu.
"Các đối tác trong và ngoài nước cũng yêu cầu công ty trả nợ không họ sẽ kiện ra tòa. Máy móc, thiết bị sản xuất bị niêm phong, không thể bảo trì, bảo dưỡng lâu ngày chắc cũng sắp thành sắt vụn" - lãnh đạo Công ty Dana Úc bức xúc.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay 2 nhà máy thép đang nợ ngân hàng BIDV Hải Vân hơn 200 tỷ đồng nhưng không thể trả nợ do đang bị đình chỉ hoạt động, không có nguồn thu. Riêng Dana Ý đang nợ ngân hàng Agribank 174 tỷ đồng và đã phát sinh thêm các khoản nợ xấu.
Qua trao đổi, đại diện Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết, tới thời điểm này 2 nhà máy thép vẫn chưa có văn bản nào báo cáo Sở liên quan vấn đề khắc phục theo 2 quyết định xử phạt của UBND thành phố.
"Nguyên tắc sau khi xử phạt thì họ phải có báo cáo về việc khắc phục, khó khăn vướng mắc thế nào, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có báo cáo. 2 nhà máy thép này vẫn chưa nộp phạt" - vị này thông tin.
Theo người dân, khoảng cách ly từ 2 nhà máy thép này đến khu dân cư vẫn không đảm bảo tối thiểu theo quy định là 500 m |
Trước đó, vào năm 2018, nhiều người dân của 2 thôn Vân Dương 1, Vân Dương 2, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) liên tục vây 2 nhà máy thép trên phản đối ô nhiễm.
Đến cuối năm 2018, UBND TP Đà Nẵng ra quyết định xử phạt hành chính 400 triệu đồng đối với Dana Ý và 760 triệu đồng đối với Dana Úc liên quan đến các vấn đề về môi trường. Ngoài ra, 2 công ty này bị đình chỉ hoạt động đến 06 tháng.
Đến tháng 6/2019, Công ty CP thép Dana Ý gửi đơn kiện UBND TP Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Cụ thể, doanh nghiệp khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng; Thông báo số 30 ngày 23/3/2018 của UBND TP Đà Nẵng; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26/9/2018; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585.
Công ty CP thép Dana - Ý yêu cầu bồi thường gần 400 tỷ đồng vì cho rằng các quyết định hành chính này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp.
Trước đó, vào năm 2008 - 2009, UBND TP Đà Nẵng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án nhà máy thép Dana Ý, Dana Úc hoạt động tại cụm công nghiệp Thanh Vinh.
Sau đó, UBND TP phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch mở rộng chi tiết tỉ lệ 1/500 hai nhà máy thép. Khoảng cách cự ly từ 2 nhà máy thép này đến khu dân cư vẫn không đảm bảo tối thiểu là 500m theo quy định.