Cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ sau khi dùng thuốc

Các bác sĩ tại Quảng Bình đã cứu sống cụ ông 70 tuổi bị sốc phản vệ nặng, ngừng thở, ngừng tim sau khi dùng thuốc điều trị.
Sở Y tế Hà Nội xác định nguyên nhân sản phụ tử vong tại Bệnh viện Đức Phúc Nghi một sản phụ tử vong do sốc phản vệ tại Bệnh viện Đức Phúc

Sáng 20/1, tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết, các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực và chống độc, đã cứu sống thành công cụ ông N.Đ.L, 70 tuổi (Nam Lý, Đồng Hới) bị sốc phản vệ nặng, ngừng thở, ngừng tim sau khi dùng thuốc điều trị.

Trước đó, cụ ông được người nhà đưa vào nhập viện trong tình trạng ho, khó thở. Bệnh nhân được chẩn đoán COPD và được chuyển lên Khoa Nội hô hấp - Cơ xương khớp - Da liễu của bệnh viện để điều trị. Tại đây, sau khi tiêm thuốc, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng sốc phản vệ nặng và nguy kịch như: khó thở, tím tái, tụt huyết áp diễn biến nhanh chóng, ngừng tim, ngừng thở.

Trước tình huống vô cùng khẩn cấp, các bác sĩ đã cấp cứu ngừng tuần hoàn hô hấp cũng như xử trí theo phác đồ cấp cứu phản vệ của Bộ Y tế. Sau khi cấp cứu có nhịp tim trở lại, bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng hôn mê, thở máy, toan chuyển hóa nặng, phụ thuộc thuốc trợ tim, vận mạch liều cao.

Cứu sống bệnh nhân sốc phản vệ sau khi dùng thuốc - 1
Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Sau khi hội chẩn, các bác sĩ quyết định tiến hành cho bệnh nhân thở máy xâm nhập, duy trì thuốc vận mạch, lọc máu liên tục cho bệnh nhân. Sau hơn 4 ngày điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt, hiện bệnh nhân đã tỉnh, tiếp xúc được, hết thở máy và không còn lọc máu.

Sốc phản vệ là một tai biến dị ứng nghiêm trọng thường gặp trong các cơ sở y tế. Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ... Các đường đưa thuốc vào cơ thể như: tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt… đều có thể gây sốc phản vệ.

Tuy nhiên, đường tĩnh mạch là nguy hiểm nhất. Các loại thuốc nhất là thuốc kháng sinh là nguyên nhân chính gây sốc phản vệ. Vì vậy, sốc phản vệ là một cấp cứu cần được xử trí nhanh, kịp thời vì rất dễ dẫn đến tử vong do suy hô hấp cấp và tụt huyết áp. Khi có các biểu hiện dị ứng sau khi tiếp xúc với các dị nguyên thì nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động