Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội có thể bị xử lý hình sự

Tùy tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả, tác hại do cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội mà cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.
Từ 15/4: Cung cấp chia sẻ thông tin bịa đặt về Covid-19 bị phạt 20 triệu đồng Phạt luật sư Lê Văn Thiệp 8 triệu đồng vì "tung phây" sai sự thật về phóng viên mắc Covid-19 Kiên quyết xử lý hình sự nhiều hành vi liên quan phòng chống dịch Covid-19

Giải đáp về việc xử phạt hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, Bộ Công an thông tin: Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử. Theo đó, tại Điều 101 quy định “phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự”.

cung cap chia se thong tin gia mao sai su that tren mang xa hoi co the bi xu ly hinh su
ảnh minh họa (nguồn IT)

Đối với các hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân; hành vi tiết lộ thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước, bí mật đời tư của cá nhân,… thì tùy vào hành vi khách quan, khách thể, chủ thể của hành vi phạm tội cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra mà Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh, quy định trong nhiều điều luật với các tội phạm cụ thể như: Tội vu khống (Điều 156); Tội làm nhục người khác (Điều 155); Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159); Tội cố ý làm lộ bí mật nhà nước; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật nhà nước (Điều 337); Tội vô ý làm lộ bí mật nhà nước; tội làm mất vật, tài liệu bí mật nhà nước (Điều 338); Tội cố ý làm lộ bí mật công tác; tội chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác (Điều 361); Tội vô ý làm lộ bí mật công tác; tội làm mất tài liệu bí mật công tác (Điều 362)…

Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 quy định “Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”. Theo đó, Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử có thể coi là một trong những bước cụ thể hóa quy định của Khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 đảm bảo chặt chẽ, pháp luật điều chỉnh tất cả các hành vi có dấu hiệu phạm tội ở mức độ khác nhau.

Khi có hành vi cụ thể xảy ra, dựa trên tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả, tác hại do hành vi đó gây ra, cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào quy định của Bộ luật hình sự 2015, Nghị định 15/2020/NĐ-CP để đánh giá và có hình thức xử lý phù hợp.

Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Cả nước đang phải đối mặt với "làn sóng Covid-19" quay trở lại. Do đó việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng, chống dịch của cả nước.

Thực tế cho thấy, có nhiều chủ tài khoản đã bị xử phạt hành chính và thừa nhận nội dung đăng tải của mình trên mạng xã hội là sai sự thật. Tuy nhiên vẫn không ít người vì thiếu hiểu biết, hoặc cố tình đăng tải nội dung không đúng về dịch bệnh để câu "like" đã khiến công tác này được lực lượng chức năng phải "căng mình" xử lý.

Trước thực tế trên, đa số người dân đều đồng tình với việc cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, sai sự thật trên mạng xã hội, nhất là về dịch bệnh Covid-19 cần phải được xử lý hình sự để tạo tính răn đe.

Hoài An
Phiên bản di động