Cửa hàng SSS Momcare của Hằng Túi 'thản nhiên' bán thực phẩm chức năng đã chảy nước
Bán hàng nhập khẩu không có nhãn phụ
Sau loạt bài phản ánh về sản phẩm thảo mộc vệ sinh Mộc Linh (thương hiệu SAM Natural) gây hiểu nhầm như thuốc phụ khoa, báo Tuổi trẻ Thủ đô tiếp tục nhận được những thông tin phản ánh về hoạt động kinh doanh của Hotmom Hằng Túi.
Các hộp sữa móp méo, tem nhãn trầy xước được nhân viên giải thích là do quá trình "xách tay" |
Cụ thể, qua đơn thư phản ánh của bạn đọc tại địa chỉ 193 Phố Huế (Hà Nội) thuộc hệ thống cửa hàng SSS Momcare có nhiều mặt hàng được bày bán cho mẹ và bé. Đáng chú ý là thực phẩm bảo vệ sức khỏe an toàn cho mẹ và bé. Tuy nhiên các sản phẩm không hề có tem nhãn phụ thể hiện bằng chữ tiếng Việt, tem mác các sản phẩm bị rách, vỏ hộp móp méo, thậm chí các hộp thực phẩm chức năng còn có dấu hiệu hỏng, chảy nước…
Để xác minh phản ánh trên và khách quan thông tin PV báo Tuổi trẻ Thủ đô đã mục sở thị tại cơ sở.
Các sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại chuỗi cửa hàng SSS Momcare không có nhãn phụ Tiếng Việt nhưng vẫn được bày bán công khai |
Tại cửa hàng này, đủ loại hàng hóa (thời trang, mỹ phẩm, đồ trang điểm, thực phẩm chức năng, rượu ngoại, thuốc lá…) công khai bày trong tủ kính, để trên kệ, treo trên tường, ken dày giữa các lối đi…
Cửa hàng quy mô không khác gì một "siêu thị" nhưng hầu hết các sản phẩm bày bán lại không có tem nhãn phụ tiếng Việt, tem hợp quy sản phẩm.
Theo tìm hiểu của PV thì chuỗi cửa hàng SSS Momcare hiện có 2 cơ sở đóng trên địa bàn TP Hà Nội.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, tại 193 Phố Huế (Hai Bà Trưng, TP Hà Nội), SSS Moncare quảng cáo phương châm uy tín làm nên thương hiệu - các sản phẩm của cửa hàng luôn là điểm đến an toàn của mọi gia đình.
Bán thực phẩm chức năng bị chảy bằng việc giảm giá
Trong vai khách hàng quan tâm đến thực phẩm dinh dưỡng, PV được nhân viên ở chuỗi cửa hàng SSS Momcare giới thiệu sản phẩm Kirkland Calcium 500mg With D3. Thay vì khiến khách hàng yên tâm như lời quảng cáo thì khi cầm sản phẩm trên tay, PV cảm thấy bất an.
Chỉ cần quan sát bên ngoài sản phẩm, PV thấy ở đáy lọ đọng nhiều nước màu đục. Tìm hiểu kỹ hơn, trên nhãn sản phẩm có dòng chữ “286804-02 EXP 10/19” (theo tìm hiểu thì đây là dòng chữ thể hiện hạn sử dụng của sản phẩm đến tháng 10/2019).
Sản phẩm Kirkland Calcium 500mg With D3 cùng nhiều sản phẩm khác bị chảy nước và đang được chuỗi cửa hàng này xử lý bằng việc giảm giá 50% |
“Nó bị chảy nước nên nhà em đang có chương trình giảm 50% giá thành. Hộp này nguyên giá là 450 ngàn, giờ còn 225 ngàn” – Một nhân viên tại cửa hàng SSS Momcare thản nhiên giới thiệu.
Ngoài sản phẩm Kirkland Calcium 500mg With D3 thì còn rất nhiều sản phẩm khác có dấu hiệu hư hỏng chảy nước như vậy. Khi PV hỏi về những sản phẩm này thì nhân viên cho biết sản phẩm bị chảy nước sẽ được giảm giá và đảm bảo vẫn sử dụng... bình thường.
Khi PV hỏi về cách dùng, công dụng, xuất xứ của các sản phẩm thực phẩm chức năng thì nhân viên nhanh tay tìm kiếm thông tin bằng cách tra Google và giải thích: “Hầu hết hàng hóa nhà em là hàng xách tay nên không có nhãn phụ và trong quá trình vận chuyển vỏ hộp bị móp méo, rách tem là điều bình thường” – Nhân viên thu ngân cho biết.
Quy định về hàng hóa không tem nhãn phụ bị cấm lưu thông trên thị trường
Việc không có nhãn phụ đối với hàng nhập khẩu gây khó khăn trong kiểm soát hàng hóa. Bên cạnh đó, việc làm này còn khiến người tiêu dùng hoang mang, khó xác định hàng có đảm bảo nguồn gốc hay không, phân biệt hàng giả hàng thật...
Chính phủ đã quy định rõ về nhãn phụ sử dụng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định tại khoản 3 Điều 7 của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14 tháng 4 năm 2017. Theo đó, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.
Ngoài ra nhãn phụ phải được gắn trên hàng hóa hoặc bao bì thương phẩm của hàng hóa và không được che khuất những nội dung bắt buộc của nhãn gốc.
Nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa.
Theo Khoản 1, Điều 26 Nghị định số 80/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa: phạt cảnh cáo hoặc phạt cao nhất 5 triệu đồng đối với hàng hóa không ghi đầy đủ, ghi không đúng hoặc hàng nhập khẩu không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Trong Khoản 2 Điều trên quy định mức phạt đến 15 triệu đồng đối với trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị trên 100 triệu đồng và buộc thu hồi hàng hóa vi phạm về nhãn đang lưu thông trên thị trường.
Kể cả sữa và đồ ăn cho em bé thì tại chuỗi cửa hàng SSS Momcare của Hằng Túi cũng không rõ ràng về xuất xứ |
Trong một diễn biến khác, liên quan đến sản phẩm của bà chủ Nguyễn Thị Bích Hằng của cửa hàng SSS Momcare, ngày 28/7, tổ công tác thuộc Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) bất ngờ kiểm tra tại sự kiện ra mắt một thương hiệu mỹ phẩm của Công ty Cổ phần Sam-Natural. Tuy nhiên, hơn 20 ngày trôi qua bạn đọc vẫn "dài cổ" ngóng kết luận chính thức về buổi kiểm tra đột xuất đó.
SSS Momcare của Hằng Túi 'thản nhiên' bán thực phẩm chức năng đã chảy nước |
Đã có những ý kiến trái chiều về việc kiểm tra bất ngờ của QLTT Hà Nội. Về vấn đề này, tại cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường cho rằng, việc kiểm tra đột xuất một cơ sở, doanh nghiệp, bất kể họ đang tổ chức chương trình gì là việc "hết sức bình thường", còn có vi phạm hay không cần chờ kết luận sau.
Nhân viên bán hàng phải tra thông tin sản phẩm trên mạng để tư vấn cho khách hàng |
Điều đáng nói là lực lượng Quản lý thị trường có thể đột xuất kiểm tra buổi khai trương ra mắt sản phẩm nhưng chuỗi cửa hàng SSS Momcare tồn tại công khai nhiều năm, có đủ các dấu hiệu vi phạm thì lại công nhiên thách thức pháp luật.
Câu hỏi đặt ra là liệu lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn có kiểm tra theo kiểu "dung túng" làm ngơ cho cơ sở này hay không?
(Còn nữa...)