Cú sốc thuế quan lộ thêm lỗ hổng

Việc Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456,23% đối với một số mặt hàng thép từ Việt Nam có nguồn nguyên liệu Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang là một cú sốc thuế quan không chỉ với ngành thép mà còn cả nhiều ngành hàng khác của Việt Nam.
Ngăn chặn tình trạng né thuế, gian lận xuất xứ tại Việt Nam Việt Nam lên tiếng việc Hoa Kỳ áp thuế hơn 450% với sản phẩm thép Thép xuất xứ Hàn Quốc, Đài Loan qua Việt Nam né thuế để sang Mỹ

Mới đây, Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 456,23% đối với một số mặt hàng thép được sản xuất tại Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), sau đó được vận chuyển tới Việt Nam để gia công và cuối cùng xuất khẩu tới Mỹ. Đây thực sự là một cú sốc lớn với ngành thép Việt Nam.

Tuy nhiên, nếu soi xét kỹ thì đây là chuyện đã được cảnh báo từ lâu nhưng thời điểm này mới được thổi bùng lên trong bối cảnh trong nước đang xuất hiện rất nhiều lùm xùm về việc quản lý xuất xứ hàng hóa, hàng nước ngoài nhưng ''đội lốt'' Việt Nam.

cu soc thue quan lo them lo hong
Ngành thép Việt Nam vừa trải qua cú sốc thuế quan.

Vậy, tại sao dù các cơ chế thiết lập để kiểm soát được sự bất thường trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên lãnh thổ Việt Nam đều được cơ quan chức năng xây dựng dựa trên các công cụ kiểm tra, giám sát hết sức chặt chẽ nhưng lại vẫn có lỗ hổng này.

Sau khi xuất hiện thông tin bị áp thuế, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với thép cuộn cán nguội (CR) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam sử dụng nguyên liệu thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc được phía Mỹ khởi xướng điều tra từ tháng 8/2018, sau khi Mỹ áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp với thép CR, CORE của vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc từ năm 2016.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, việc sản xuất thép CR, CORE từ thép cán nóng nhập khẩu từ vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc là chuyển đổi không đáng kể, giúp lẩn tránh thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp mà Mỹ đang áp dụng đối với vùng lãnh thổ Đài Loan và Hàn Quốc.

Căn cứ kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Mỹ sẽ áp dụng biện pháp chống lẩn tránh thuế tạm thời với sản phẩm thép CR và thép CORE nhập khẩu từ Việt Nam thông qua việc thu tiền ký quỹ khi nhập khẩu, mức ký quỹ sẽ phụ thuộc vào từng loại sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan.

Cục Phòng vệ thương mại cho biết, đây là vụ việc điều tra xác định hành vi lẩn tránh thuế với nguyên liệu từ Hàn Quốc và vùng lãnh thổ Đài Loan, trong trường hợp thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này.

Mặc dù Cục Phòng vệ thương mại nhấn mạnh, thép CR, CORE được sản xuất từ nguyên liệu của Việt Nam hoặc các nước, vùng lãnh thổ khác sẽ không bị áp thuế trong vụ việc này nhưng rõ ràng việc bị Mỹ áp thuế cũng sẽ ảnh hưởng đến ngành thép Việt Nam nói chung, bởi các cơ quan điều tra của nước nhập khẩu có thể thay đổi quy định, đề ra các yêu cầu khắt khe hơn.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, Tập đoàn Hòa Phát và Tập đoàn Hoa Sen đang là 2 ông trùm của ngành thép Việt Nam, với việc bị áp thuế thì hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này cũng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Trong khi đó, tại Việt Nam cũng còn có nhiều doanh nghiệp vốn FDI từ Hàn Quốc, Đài Loan sản xuất thép, cần giám sát chặt hoạt động xuất nhập khẩu thép của các doanh nghiệp này.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2019, lượng nhập khẩu sắt thép các loại của Việt Nam đạt 6,12 triệu tấn, trị giá 4,11 tỷ USD, tăng 8,1% về lượng và tăng 1,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Xét về thị trường, Trung Quốc tiếp tục là nơi cung cấp sắt thép các loại lớn nhất vào Việt Nam với 2,59 triệu tấn, trị giá đạt 1,63 tỷ USD, tăng 0,1% về lượng, giảm 12,5% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; đứng thứ 2 là Hàn Quốc với 703 nghìn tấn, trị giá 579 triệu USD, giảm 5,4% về lượng và giảm 3,1% về trị giá...

Ở chiều ngược lại, lượng xuất khẩu sắt thép các loại của Việt Nam trong 5 tháng từ đầu năm 2019 đạt 2,93 triệu tấn, trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 24,4% về lượng và tăng 7,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Về thị trường, sắt thép các loại chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường Campuchia là 741 nghìn tấn, tăng 52,8%; Indonesia: 310 nghìn tấn, tăng 3,3%; Malaysia 304 nghìn tấn, tăng 4,4%; Mỹ là 252 nghìn tấn, giảm 31,2%... so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, việc nhập khẩu sắt thép nhiều nhất từ Trung Quốc, Hàn Quốc thì Việt Nam bị Mỹ áp thuế sản phẩm thép có nguồn nguyên liệu từ các nước trên không phải là chuyện lạ. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần phải có những biện pháp giám sát xuất nhập khẩu tránh việc mượn xuất xứ Việt Nam để né thuế, bởi điều đó không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nội mà ảnh hưởng đến cả thương hiệu quốc gia.

Văn Huy
Phiên bản di động