Cụ bà mất toi tiền tỉ vì trưởng phòng cảnh sát hình sự “dởm”
Cụ bà 78 tuổi tử vong do mắc sốt xuất huyết |
Thời gian qua, Công an TP Hà Nội rất nhiều lần cảnh báo về thủ đoạn gọi điện thoại giả danh cơ quan Công an để lừa đảo nhưng nhiều người vẫn sập bẫy thủ đoạn này. Nhất là các trường hợp người cao tuổi do thiếu cập nhật thông tin về thủ đoạn lừa đảo đã mắc bẫy của các đối tượng.
Gần đây, Công an quận Thanh Xuân đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là hơn 2 tỷ đồng.
Theo đó, vào ngày 17/12/2024, bà N (SN 1947; trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) có nhận được một cuộc điện thoại của một đối tượng tự xưng là trưởng phòng cảnh sát hình sự. Người này thông báo bà N có liên quan đến một đường dây ma tuý và có mở tài khoản đứng ngân hàng 20 tỷ đồng.
Đối tượng yêu cầu bà phải chuyển tiền vào tài khoản do đối tượng cung cấp để chứng minh tài sản hợp pháp và giữ kín thông tin nếu không sẽ bị bắt. Do lo sợ, ngày 18/12/2024, bà N đã ra ngân hàng chuyển 2,3 tỷ đồng vào tài khoản đối tượng. Sau đó, bà N phát hiện mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.
Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần cảnh giác, tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu nhất là người lớn tuổi.
Để làm việc với người dân, cơ quan công an sẽ trực tiếp gửi giấy mời, giấy triệu tập hoặc gửi qua công an địa phương; tuyệt đối không yêu cầu công dân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng.
Ảnh minh họa. |
Khi phát hiện các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo như trên, Nhân dân cần báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất.
Cũng trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội xuất hiện các trường hợp người dân bị các đối tượng giả danh nhân viên điện lực gọi điện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhiều người dân thiếu cảnh giác đã bị mất hàng trăm triệu đồng.
Thủ đoạn của các đối tượng là gọi điện tới các hộ gia đình thông báo sắp bị cắt điện vì chưa thanh toán tiền điện. Khi người dân trao đổi là đã thanh toán tiền điện, sẽ có đối tượng mạo danh là nhân viên phòng kĩ thuật gọi điện lại để điều chỉnh dữ liệu trên hệ thống.
Sau đó, các đối tượng sẽ gợi ý người dân truy cập các đường link, app giả mạo có giao diện giống với trang web chính thức của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Khi cài đặt các app giả mạo này người dân có nguy cơ sẽ bị chiếm quyền điều khiển toàn bộ điện thoại và tài khoản ngân hàng.
Ngày 5/1/2025, chị D (trú tại Hà Nội) có nhận được cuộc gọi của đối tượng giả mạo nhân viên điện lực thông báo thu tiền điện. Đối tượng gửi cho chị D mã QR và yêu cầu chị quét mã thanh toán tiền điện. Sau khi thực hiện các hướng dẫn của đối tượng, chị D bị mất 500 triệu đồng trong tài khoản nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Do đó, để phòng tránh lừa đảo, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác trước thủ đoạn trên, không thanh toán tiền điện vào tài khoản ngân hàng hoặc đường link lạ, tài khoản cá nhân khi chưa được xác minh.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về điện năng hoặc các dịch vụ liên quan, người dân có thể liên hệ trực tiếp tổng đài chăm sóc khách hàng của cơ quan điện lực. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.