CSGT có trách nhiệm thế nào khi xử lý vụ TNGT đường bộ?
Tổng Cục đường bộ kiểm tra vị trí hằn lún trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi Sẽ đóng cửa BOT Hà Nội – Bắc Giang nếu chậm lắp đặt thu phí tự động Công nghệ thu phí đường bộ bằng vệ tinh |
Câu hỏi: Bố tôi bị bị một xe khách hất văng 10m khi ông đang đứng đúng ở mép đường (giữa phần ngoài đường không rải nhựa và phần được rải nhựa) của quốc lộ để bắt xe ô tô chiều đi ngược lại. Xe khách này băng qua cả phần đường dành riêng cho xe thô sơ và xe máy. Hậu quả, bố tôi bị vỡ xương sọ vùng thái dương bên trái.
Tài xế xe khách sau đó đã cùng người dân đưa bố tôi vào cấp cứu sau đó trình diện công an. Cảnh sát giao thông (CSGT) cũng xuống hiện trường ghi nhận và lập hồ sơ, tạm giữ người và ô tô, nhưng biên bản vụ tai nạn lại không đưa người nhà tôi kí. Vị trí bố tôi nằm cũng không được đánh dấu mà chỉ đánh dấu vị trí gây tai nạn.
Người nhà em có lên công an huyện hỏi thì được trả lời bố tôi sai nhưng không cho biết lí do sai thế nào?
Như vậy luật sư cho tôi hỏi gia đình tôi có cần làm đơn yêu cầu điều tra hình sự không? CSGT làm việc như vậy đã đúng chưa khi hiện trường không được vẽ đầy đủ?
CSGT có trách nhiệm thế nào khi xử lý vụ TNGT đường bộ? Ảnh minh họa |
Luật sư tư vấn:
Với trường hợp của bạn đọc, luật sư Văn phòng Luật Minh Khuê đưa ra ý kiến như sau:
Căn cứ quy định tại khoản 4, Điều 38 Luật giao thông đường bộ năm 2008 về Trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức khi xảy ra tai nạn giao thông thì:
"Cơ quan công an khi nhận được tin về vụ tai nạn có trách nhiệm cử người tới ngay hiện trường để điều tra vụ tai nạn, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và Ủy ban nhân dân địa phương bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn."
Nhận tin:
Khi nhận được tin báo có vụ tai nạn giao thông đường bộ xảy ra, cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải hỏi rõ và ghi vào sổ nhận tin các thông tin sau:
a) Họ tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo tin;
b) Thời gian, địa điểm xảy ra tai nạn (ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm, tại km, đường, thuộc thôn (phố), xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố thuộc tỉnh), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương);
c) Phương tiện giao thông có liên quan đến tai nạn (biển số xe, loại xe, màu sơn);
d) Họ tên, địa chỉ của người điều khiển phương tiện giao thông liên quan đến tai nạn;
đ) Họ tên, địa chỉ những người liên quan hoặc người biết vụ tai nạn xảy ra;
e) Thiệt hại ban đầu về người, tài sản (số người chết, bị thương và phương tiện bị phá hủy hoặc hư hỏng);
g) Những thông tin khác về vụ tai nạn giao thông.
Xử lý tin:
Cán bộ, chiến sỹ nhận tin phải báo cáo ngay vụ tai nạn giao thông đường bộ cho lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị biết. Lãnh đạo trực chỉ huy đơn vị khi nhận được báo cáo phải xử lý nhaư sau:
a) Tổ chức lực lượng cấp cứu người bị nạn, bảo vệ hiện trường, giải tỏa ùn tắc giao thông:
- Trường hợp Cục C26 nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thì điện cho Phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra tai nạn để giải quyết;
- Trường hợp PC26 hoặc Đội, Trạm thuộc PC26 nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông xảy ra trên tuyến giao thông được phân công tuần tra kiểm soát hoặc gần trụ sở cơ quan thì cử cán bộ đến hiện trường giải quyết;
- Trường hợp Công an quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh nhận được tin báo vụ tai nạn giao thông thuộc địa bàn của mình thì cử cán bộ, chiến sĩ đến hiện trường giải quyết;
b) Khi nhận được báo cáo hoặc khi Cảnh sát giao thông xác định:
- Vụ tai nạn giao thông có người chết tại hiện trường (kể cả chết trên đường đi cấp cứu) thì phải báo ngay cho đơn vị Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thụ lý điều tra;
- Vụ tai nạn giao không có người chết tại hiện trường thì phải cử ngay cán bộ, chiến sỹ hoặc báo ngay cho đơn vị Cảnh sát giao thông thụ lý điều tra;
- Trường hợp liên quan đến người nước ngoài, thì thông báo cho Sở Ngoại vụ; liên quan đến người, phương tiện của Quân đội thì thông báo cho cơ quan điều tra hình sự có thẩm quyền trong Quân đội để biết và phối hợp với lực lượng Cảnh sát thực hiện công tác điều tra ban đầu.
c) Trường hợp vụ tai nạn giao thông đường bộ liên quan đến phương tiện giao thông đường sắt thì giải quyết theo Quy trình điều tra, giải quyết tai nạn giao thông đường sắt;
d) Thông báo cho doanh nghiệp bảo hiểm có liên quan đến hiện trường để phối hợp giải quyết hậu quả vụ tai nạn.
Như vậy, khi nhận tin CSGT phải đảm bảo thực hiện được những nhiệm vụ nêu trên.
Cảnh sát giao thông hoặc các lực lượng Cảnh sát khác khi đến nơi xảy ra tai nạn giao thông cần làm ngay những việc sau:
- Tổ chức cấp cứu người bị nạn:
a) Đánh dấu vị trí người bị nạn trước khi đưa đi cấp cứu
Trường hợp sử dụng phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông để đưa người bị nạn đi cấp cứu phải đánh dấu vị trí của phương tiện, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện, tạm giữ giấy tờ của phương tiện và giấy tờ của người điều khiển phương tiện;
b) Đánh dấu vị trí người bị nạn đã chết và che đậy nạn nhân;
Trường hợp người bị nạn đã chết có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến sự đi lại, thì đánh dấu vị trí người bị nạn rồi đưa vào lề đường che đậy lại.
- Kiểm tra, tạm giữ giấy tờ của người và phương tiện liên quan đến vụ tai nạn giao thông; trường hợp phương tiện giao thông liên quan đến vụ tai nạn giao thông có thể gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng sự đi lại thì đánh dấu vị trí phương tiện giao thông, sơ bộ ghi nhận các dấu vết trên phương tiện rồi đưa vào vị trí thích hợp để bảo quản.
- Tổ chức bảo vệ hiện trường:
a) Khoanh vùng bảo vệ hiện trường, có biện pháp bảo quản tài sản, tư trang của người bị nạn, hàng hóa trên phương tiện liên quan đến tai nạn (khi bảo vệ hiện trường chú ý không làm xáo trộn hiện trường);
b) Quan sát để phát hiện và ghi nhận sơ bộ các dấu vết, đồ vật để lại trên hiện trường, trên các phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông; ghi nhận những thay đổi ở hiện trường trong quá trình tổ chức cấp cứu người bị nạn;
c) Tìm những người biết vụ tai nạn xảy ra; ghi rõ họ tên, số chứng minh nhân dân, địa chỉ thường trú, số điện thoại (nếu có) của người biết vụ tai nạn hoặc đề nghị người biết vụ tai nạn giao thông viết bản tường trình phục vụ công tác điều tra;
- Tổ chức giao thông:
a) Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông không ảnh hưởng nhiều đến việc lưu thông của các phương tiện giao thông thì tổ chức hướng dẫn giao thông không để xảy ra ùn tắc;
b) Trường hợp hiện trường vụ tai nạn giao thông gây ùn tắc thì báo cáo lãnh đạo chỉ huy đơn vị của mình, phòng Cảnh sát giao thông nơi xảy ra tai nạn có phương án tăng cường lực lượng, phương tiện, phân luồng giao thông để giải quyết.
- Trường hợp người gây tai nạn giao thông bỏ chạy thì vẫn phải thực hiện theo trình tự như trên
- Khi bộ phận khám nghiệm đến hiện trường, thì bàn giao lại những công việc đã làm ở hiện trường cho bộ phận khám nghiệm, đồng thời tiếp tục bảo vệ hiện trường cho đến khi khám nghiệm xong.
Trong trường hợp của bạn: thì việc công an chỉ đánh dấu vị trí gây tai nạn mà không dánh dấu vị trí của bố bạn nằm trước khi đưa đi cấp cứu là sai quy trình. Ngoài ra, việc ghi lại lời khai, lập biên bản được quy định như sau:
Dựng lại hiện trường:
- Trong quá trình điều tra vụ tai nạn giao thông nếu có căn cứ xác định hiện trường bị xáo trộn, hiện trường giả hoặc xét thấy cần thiết thì tổ chức dựng lại hiện trường. Khi dựng lại hiện trường nhất thiết phải có người chứng kiến, có thể mời người liên quan cùng tham gia.
- Nội dung dựng lại hiện trường là phải xác định lại vị trí dấu vết, người bị nạn, phương tiện để lại ở hiện trường, xem xét lại những tình huống, hành vi và những tình tiết khi xảy ra vụ tai nạn giao thông; đo đạc và vẽ lại sơ đồ hiện trường; chụp ảnh để làm cơ sở so sánh đối chiếu.
- Kết thúc việc dựng lại hiện trường phải lập biên bản, những người tham gia dựng lại hiện trường ký, ghi rõ họ, tên vào biên bản.
Ghi lời khai:
+ Ghi lời khai của những người điều khiển phương tiện giao thông có liên quan:
Nội dung lời khai phải làm rõ vị trí của phương tiện giao thông trên mặt đường, hướng chuyển động, tốc độ, các thao tác kỹ thuật, những nhận biết trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn... Nếu phát hiện người điều khiển phương tiện khai chưa đúng, mâu thuẫn với dấu vết ở hiện trường, ở phương tiện, mâu thuẫn với lời khai của người bị nạn, người làm chứng... thì phải kiểm tra, xác minh, nghiên cứu đặt câu hỏi cho phù hợp để làm rõ sự thật về vụ tai nạn giao thông.
+ Ghi lời khai của người bị nạn và người có liên quan khác trong vụ tai nạn giao thông:
a) Trường hợp người bị thương nặng thì chỉ lấy lời khai khi được cán bộ y tế điều trị và người đó đồng ý; cần đặt câu hỏi ngắn gọn;
Nếu người đó có thể tử vong thì phải lấy sinh cung ngay. Trường hợp người bị nạn không thể nói được thì phải lập biên bản về việc đó và có xác nhận của cán bộ y tế điều trị;
b) Nội dung lời khai của người có liên quan phải bảo đảm khách quan, tỉ mỉ phản ánh tính hình trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn giao thông. Sau cùng phải hỏi họ nhận thức về vụ tai nạn gian thông đã xảy ra như thế nào.
+ Ghi lời khai của những người làm chứng:
a) Trường hợp có nhiều người làm chứng thì lấy lời khai của từng người;
Nội dung lời khai phải thể hiện được:
- Vị trí của người làm chứng (hướng nhìn, tầm nhìn xa, khoảng cách giữa người làm chứng đến nơi xảy ra tai nạn), họ có chú ý đến sự việc hay không, do đâu mà họ biết về vụ tai nạn;
- Hướng chuyển động của các bên liên quan đến tai nạn (người và phương tiện);
- Phần đường và tốc độ, thao tác xử lý của người điều khiển phương tiện trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, những tiếng động do va chạm giữa các phương tiện;
- Phản ứng của những người có liên quan trước khi xảy ra tai nạn;
- Vị trí của các phương tiện, người, đồ vật sau khi xảy ra tai nạn, vị trí đó có bị thay đổi không, nếu có thay đổi, xê dịch thì ai làm điều đó, vì sao;
- Trạng thái tâm lý của người gây tai nạn biểu hiện ra bên ngoài (ảnh hưởng của chất kích thích rượu, bia...);
- Các vấn đề khác có liên quan đến vụ tai nạn mà họ biết, còn ai biết về vụ tai nạn xảy ra;
- Tổ chức cho người làm chứng thực nghiệm xác định tính khách quan, xác thực về lời khai (nếu thấy có mâu thuẫn trong lời khai của người làm chứng).
b) Cảnh sát giao thông có thế đến nơi ở, nơi làm việc của người làm chứng để lấy lời khai. Đối với trẻ em dưới 16 tuổi khi ghi lời khai phải mời cha, mẹ, người đại diện hợp pháp hoặc thầy, cô giáo của người đó tham dự và ký tên vào biên bản.
+ Việc ghi lời khai của người liên quan và người làm chứng trong vụ tai nạn giao thông phải được lập biên bản theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trong biên bản vụ tai nạn phải có chữ kí của những người tham gia dựng lại hiện trường; người có liên quan đến tai nạn và những người làm chứng. Trong trường hợp có người nhà của bạn thuộc các trường hợp trên mà công an không lấy chữ kí của người đó thì là sai quy định.
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp thì CSGT đã không thực hiện đầy đủ thủ tục điều tra, xử lý tai nạn giao thông theo quy định. Bạn có thể thực hiện thủ tục khiếu nại nếu không đồng ý với quyết định hoặc hành vi hành chính này. Thủ tục khiếu nại được quy định cụ thể trong Luật khiếu nại năm 2011 như sau:
Về trình tự khiếu nại
"Điều 7. Trình tự khiếu nại
1. Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật tố tụng hành chính."
Về hình thức khiếu nại
"Điều 8. Hình thức khiếu nại
1. Việc khiếu nại được thực hiện bằng đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp.
2. Trường hợp khiếu nại được thực hiện bằng đơn thì trong đơn khiếu nại phải ghi rõ ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu giải quyết của người khiếu nại. Đơn khiếu nại phải do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ.
3. Trường hợp người khiếu nại đến khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản và yêu cầu người khiếu nại ký hoặc điểm chỉ xác nhận vào văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện như sau:
a) Trường hợp nhiều người đến khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và hướng dẫn người khiếu nại cử đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại việc khiếu nại bằng văn bản, trong đó ghi rõ nội dung theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc tiếp nhiều người cùng khiếu nại thực hiện theo quy định tại Chương V của Luật này;
b) Trường hợp nhiều người khiếu nại bằng đơn thì trong đơn phải ghi rõ nội dung quy định tại khoản 2 Điều này, có chữ ký của những người khiếu nại và phải cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;
c) Chính phủ quy định chi tiết khoản này.
5. Trường hợp khiếu nại được thực hiện thông qua người đại diện thì người đại diện phải là một trong những người khiếu nại, có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của việc đại diện và thực hiện khiếu nại theo quy định của Luật này."
Về thời hiệu khiếu nại
"Điều 9. Thời hiệu khiếu nại
Thời hiệu khiếu nại là 90 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.
Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại."
Mức và loại hình phạt còn tùy thuộc vào tính chất của vụ tai nạn bao gồm: hành vi, lỗi...của người gây tai nạn và nạn nhân căn cứ vào kết quả điều tra, khám nghiệm hiện trường, thêm vào đó là tình trạng sức khỏe của nạn nhân. Cụ thể:
- Nếu hành vi gây tai nạn được xác định có dấu hiệu tội phạm quy định tại Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì sẽ bị xử lý theo quy định của luật này tùy vào tội phạm.
- Nếu hành vi gây tai nạn được xác định không có dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Nghị định 171/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.