COVID-19 tới 6h sáng 17/1: Trong 6 tuần, nửa triệu người đã tử vong; Mỹ vượt 24 triệu ca bệnh

Trong 6 tuần qua, nửa triệu người trên thế giới đã tử vong, trong khi phải mất 6 tháng, thế giới mới vượt ngưỡng nửa triệu ca tử vong đầu tiên.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 11/1/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Sao Paulo, Brazil ngày 11/1/2021 (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometer.info, trong vòng 24 giờ tính đến 6h ngày 17/1 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận 611.609 ca nhiễm mới và 12.270 ca tử vong do bệnh COVID-19.

Như vậy, thế giới đã ghi nhận tổng cộng 94.896.756 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 2.029.324 ca tử vong.

Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 67.703.134 người, 25.148.962 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 111.654 ca nguy kịch.

Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (183.488 ca), Brazil (60.806 ca) và Anh (41.346 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.969 ca), tiếp theo là Anh (1.295 ca) và Brazil (1.005 ca).

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 405.089 ca tử vong trong tổng số 24.272.648 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 152.311 ca tử vong trong số 10.558.710 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 209.296 ca tử vong trong số 8.455.059 bệnh nhân.

Nhân viên nghĩa trang khiêng thi thể nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở Manaus, Brazil ngày 15/1 (Ảnh: Getty Images)
Nhân viên nghĩa trang khiêng thi thể nạn nhân tử vong vì COVID-19 ở Manaus, Brazil ngày 15/1 (Ảnh: Getty Images)

Gần nửa triệu ca tử vong trong 6 tuần

Theo dữ liệu từ Đại học John Hopkins, thế giới chỉ mất 6 tuần gần đây nhất để ghi nhận 500.000 ca tử vong do COVID-19. Trong khi đó, phải mất hơn 6 tháng, thế giới mới ghi nhận mốc 500.000 ca tử vong đầu tiên.

Tỉ lệ tử vong đã tăng mạnh trong tháng 11/2020 ở cả châu Âu và khu vực Bắc Mỹ. Số ca tử vong trung bình mỗi ngày của hai khu vực này

Tại châu Mỹ, chính quyền bang Sao Paulo của Brazil, bang đông dân nhất và từng là tâm dịch COVID-19 tại quốc gia Nam Mỹ này, cho biết đã ban hành các lệnh hạn chế mới ở 8 thành phố cấp bang nhằm chặn đứng xu hướng các ca mắc mới tăng cao liên tục trong những tuần gần đây. Trong khi đó, Chính phủ Colombia thông báo kéo dài thời hạn đóng các cửa khẩu đường bộ và đường sông cho tới ngày 1/3 như một phần trong các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19 lây lan. Colombia là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất bởi đại dịch COVID-19 ở khu vực Mỹ Latinh. Đến nay nước này đã ghi nhận trên 1,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 47.491 trường hợp tử vong.

Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Corona, California, Mỹ, ngày 15/1/2021 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Corona, California, Mỹ, ngày 15/1/2021 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Argentina xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể ở Anh

Ngày 16/1, Argentina đã xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể virus phát hiện đầu tiên ở Anh. Bệnh nhân là người Argentina sống ở Anh, có lịch sử đi lại tới Áo và Đức.

Ngày 20/12/2020, Argentina đã ngừng toàn bộ các chuyến bay đến và đi từ Anh nhằm ngăn chặn lây lan biến thể mới.

Châu Âu: Áo đóng hơn 40 cửa khẩu vì ca bệnh tăng đột biến

Tại châu Âu, theo nhật báo Brno (Séc), Áo đã quyết định tạm thời đóng hơn 40 cửa khẩu với Séc và Slovakia từ ngày 14/1, do sự gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 ở cả hai nước này. Những người có nguyện vọng qua biên giới từ ngày 15/1 phải đăng ký trước bằng hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, Áo vẫn mở 8 cửa khẩu biên giới chính với Séc. Theo Bộ trưởng Nội vụ Áo Karl Nehammer, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Séc và Slovakia là ''cực kỳ căng thẳng'' và việc Áo phải áp dụng các biện pháp trên là nhằm "duy trì trật tự và an ninh công cộng".

Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Milan, Italy, ngày 27/12/2020 (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Milan, Italy, ngày 27/12/2020 (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hy Lạp bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trên toàn quốc, sau đợt tiêm đầu tiên cho hàng chục nghìn nhân viên trên tuyến đầu chống dịch. Trong khi đó, Sebia đã trở thành một trong những nước đầu tiên ở châu Âu tiếp nhận vaccine phòng COVID-19 do hãng Sinopharm của Trung Quốc sản xuất khi lô hàng chở 1 triệu liều vaccine của hãng này đã tới sân bay Belgrade. Như vậy, sau vaccine của Pfizer/BioNTech và vaccine Sputnik V của Nga, sản phẩm của Sinopharm là vaccine thứ 3 được quốc gia vùng Balkan này sử dụng. Dự kiến, việc tiêm phòng vaccine của Sinopharm có thể được bắt đầu vào ngày 17/1 hoặc 18/1 tới.

Thổ Nhĩ Kỳ tiêm phòng cho hơn 650.000 người bằng vaccine Trung Quốc

Thổ Nhĩ Kỳ đã chủng ngừa cho trên 650.000 người bằng vaccine Sinovac Biotech, do Trung Quốc cung cấp.

Chiến dịch tiêm chủng ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu trên khắp 81 tỉnh của nước này kể từ ngày 15/1, với đối tượng ưu tiên là các nhân viên tuyến đầu.

Một nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ được tiêm phòng COVID bằng vaccine Sinovac (Ảnh: CNN)
Một nhân viên y tế Thổ Nhĩ Kỳ được tiêm phòng COVID bằng vaccine Sinovac (Ảnh: CNN)

Ankara đã nhận 3 triệu liều vaccine Sinovac từ tháng 12/2020 và đã phê chuẩn sử dụng vaccine ngày hôm 14/1.

Châu Á: Ấn Độ mở chiến dịch tiêm chủng COVID-19 lớn nhất thế giới

Ngày 16/1, Ấn Độ bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc. Theo CNN, số liệu tính đến 17h30 giờ địa phương cùng ngày, có 165.714 nhân viên y tế đã được tiêm phòng trong ngày đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng lớn nhất thế giới này.

Tại New Delhi, chương trình được bắt đầu tại 3.006 địa điểm và kết nối trực tuyến trong ngày phát động. Mỗi điểm có năng lực tiêm vaccine cho 100 người/ngày. Trong thời gian tới, số lượng các địa điểm tiêm chủng sẽ tăng lên đến 5.000 và nhiều hơn trong các giai đoạn sau. Các lô vaccine đã được phân bổ cho các bang dựa trên dữ liệu về nhân viên y tế của từng bang.

Trước đó, ngày 3/1 vừa qua, Cơ quan Quản lý dược phẩm của Ấn Độ đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine Covaxin của Bharat Biotech (Ấn Độ) cũng như vaccine Covishield của Oxford/AstraZeneca (Anh). Hiện các lô Covishield và Covaxin đã được chuyển đến 12 thành phố để phục vụ đợt tiêm chủng đầu tiên.

Tiêm phòng COVID tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16/1 (Ảnh: AFP/Getty Images)
Tiêm phòng COVID tại Mumbai, Ấn Độ ngày 16/1 (Ảnh: AFP/Getty Images)

Theo kế hoạch, Chính phủ Ấn Độ sẽ ưu tiên tiêm chủng trước cho khoảng 10 triệu nhân viên y tế và khoảng 20 triệu nhân viên tuyến đầu, tiếp đến là những người trên 50 tuổi, những người dưới 50 tuổi có bệnh lý nền. Các quan chức cho biết chi phí tiêm chủng cho các nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu sẽ do chính quyền trung ương chi trả. Theo quy định về cấp phép sử dụng khẩn cấp, các vaccine ngừa COVID-19 nêu trên chỉ dành cho những người trên 18 tuổi. Hai mũi tiêm phải cách nhau ít nhất 14 ngày. Mũi thứ hai phải sử dụng cùng loại vaccine với mũi đầu tiên.

Trung Quốc: Người nhập cảnh vào Bắc Kinh phải cách ly 28 ngày

Thành phố Bắc Kinh đã yêu cầu những người nhập cảnh phải thực hiện cách ly thêm 7 ngày, nâng tổng số ngày phải cách ly lên con số 28 ngày. Quyết định được đưa ra sau khi Bắc Kinh và các thành phố khác đều xuất hiện các ca bệnh là người nhập cảnh đã thực hiện cách ly đủ 14 ngày. Trong khi đó, Cơ quan thông tin Đặc khu Hành chính Hong Kong (Trung Quốc) thông báo chính quyền Hong Kong sẽ hủy bắn pháo hoa Tết Nguyên đán 2021 và Lễ hội đèn lồng Tết Nguyên tiêu nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Xe buýt chở các chuyên gia thuộc phái đoàn điều tra của WHO sau khi họ tới Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 14/1/2021 (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Xe buýt chở các chuyên gia thuộc phái đoàn điều tra của WHO sau khi họ tới Vũ Hán, Trung Quốc, ngày 14/1/2021 (Ảnh: Kyodo/TTXVN)

Hàn Quốc kéo dài giãn cách xã hội

Chính phủ Hàn Quốc quyết định kéo dài thêm 2 tuần thời gian thực hiện giãn cách xã hội cấp độ 2,5 - mức cao thứ hai trong hệ thống 5 cấp - đối với khu vực thủ đô và áp dụng cấp độ 2 đối với các địa phương còn lại. Tuy nhiên, chính phủ sẽ nới lỏng một số hạn chế kinh doanh đối với quán cà phê, phòng tập thể dục và các cơ sở trong nhà khác.

Malaysia vượt ngưỡng 4.000 ca/ngày, lập kỷ lục mới

Malaysia ngày 16/1 ghi nhận 4.029 ca mắc mới, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 155.095 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng lên 594 ca, sau khi có thêm 8 người không qua khỏi.

COVID-19 tới 6h sáng 17/1: Trong 6 tuần, nửa triệu người đã tử vong; Mỹ vượt 24 triệu ca bệnh

Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 14.224 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng trong ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số người mắc bệnh lên 896.642 người. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 283 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 25.767 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia.

Indonesia có thể cho phép tư nhân mua và phân phối vaccine COVID-19

Theo Reuters, Indonesia có thể cho phép các công ty tư nhân tự mua vaccine COVID và phân phối cho nhân viên cũng như người dân.

Quốc gia này đã phát động một chiến dịch tiêm chủng đại trà, với mục tiêu chủng ngừa cho trên 80 triệu người dân, qua đó giải quyết một trong những điểm nóng dịch nghiêm trọng nhất tại Châu Á.

Các nhân viên y tế và an ninh là nhóm ưu tiên tiêm vaccine hàng đầu. Nhưng theo Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin, các công ty tư nhân có thể được phép tự mua vaccine và tiêm cho nhân viên của họ, qua đó giúp giảm gánh nặng tài chính cho nhà nước.

Một nhân viên ngành y tế được tiêm phòng COVID tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia ngày 14/1/2021 (Ảnh: EPA-EFE)
Một nhân viên ngành y tế được tiêm phòng COVID tại bệnh viện ở Bogor, Indonesia ngày 14/1/2021 (Ảnh: EPA-EFE)

"Kế hoạch đó không nên bắt đầu ngay lúc này, mà là sau khi chính phủ đã cung cấp vaccine cho lực lượng lao động ngành y tế và công cộng", ông Sadikin phát biểu trước Quốc hội.

Indonesia hiện mua và phân phối vaccine miễn phí, với chi phí ước tính khoảng 5,3 tỉ USD. Phòng Thương mại Indonesia cho biết họ đã đề nghị chính phủ cho phép một số công ty được nhập khẩu vaccine đã phê duyệt hoặc mua từ nguồn cung của chính phủ để tiêm phòng cho nhân viên hoặc để bán.

Châu Phi: Algeria mở rộng phong toả

Algeria tiếp tục mở rộng lệnh phong tỏa từng phần đối với 29 tỉnh thành để ngăn chặn đại dịch COVID-19. Theo đó, lệnh phong tỏa được mở rộng từ 20h ngày hôm trước đến 5h sáng hôm sau đối với 29 tỉnh, thành, đi kèm với nhiều biện pháp ngăn chặn khác để phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. Trong khi đó, nhiều hãng hàng không quốc tế như Emirates của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), KLM của Hà Lan và Lufthansa của Đức đã tạm dừng hoặc giảm tần suất chuyến bay đến Nam Phi do biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ nước này hiện đã lây lan tới hàng chục quốc gia trên thế giới.

Trước bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi giới chuyên gia tăng cường các nghiên cứu về virus trên quy mô toàn cầu nhằm ngăn chặn các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres kêu gọi thế giới đoàn kết hơn để ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nguồn: TTXVN
https://baotintuc.vn
Phiên bản di động