Cộng đồng trách nhiệm trong giám sát bữa ăn học đường
Hiện thực hóa giấc mơ đến trường của học sinh, sinh viên Đẩy mạnh truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học Trường học hạnh phúc: Nơi cảm hoá, yêu thương và chia sẻ |
Phụ huynh bất an về bữa ăn bán trú
Mới đây, sau khi đi học về, một số học sinh Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) có biểu hiện nôn ói, đau bụng và phải nhập viện. Phụ huynh nghi ngờ do suất ăn bán trú của trường.
Theo báo cáo của Trường Tiểu học Thành Công B, khoảng 22 giờ Chủ nhật (ngày 15/10), nhà trường nhận được phản ánh của phụ huynh qua nhóm riêng của lớp về việc một số học sinh có biểu hiện bị đi ngoài. Ngay trong đêm nhà trường đã có rà soát, nắm bắt tình hình học sinh có hiện tượng như trên; Đồng thời, hướng dẫn phụ huynh theo dõi sức khỏe học sinh.
Cần đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú (Ảnh minh họa) |
Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B cho hay, có 10 học sinh vào viện thăm khám đến chiều 16/10 chỉ có 1 - 2 học sinh đang được theo dõi tại viện và hiện sức khỏe đã ổn định.
Ngay sau khi nhận được phản ánh, nhà trường đã mời đoàn kiểm tra của Trung tâm Y tế quận Ba Đình phối hợp cùng đơn vị cung cấp suất ăn làm rõ nguyên nhân.
Trước đó, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong trường học trên cả nước cũng đã khiến dư luận bất an, lo lắng, như vụ việc xảy ra vào ngày 28/9, 28 học sinh lớp 4, Trường Tiểu học thị trấn Tiền Hải (Thái Bình) bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh ngọt tại lớp.
Trước tình trạng trên, nhiều phụ huynh tỏ ra lo lắng, bất an về chất lượng bữa ăn bán trú. Chị Đoàn Thị Hiền (ở Việt Hưng, Long Biên, Hà Nội) chia sẻ: "Tôi có 2 con trong độ tuổi tiểu học. Do tính chất công việc không thể đón các cháu về nhà ăn trưa nên đã đăng kí ăn bán trú tại trường. Gần đây, nhiều vụ việc ngộ độc thực phẩm xảy ra, tôi rất lo lắng. Rất mong nhà trường cùng các cơ quan liên ngành kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm cho bữa ăn của các con".
Thực tế, vài năm trở lại đây, một số trường tiểu học và THCS trên địa bàn Hà Nội đã thành lập Tổ giám sát an toàn thực phẩm, có Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia. Ban Giám hiệu nhà trường sẽ phân công lịch trực nhận thực phẩm cho các lớp, đến lớp nào trực thì đại diện Ban phụ huynh lớp đó sẽ đến kiểm tra, giám sát. Thậm chí, có trường còn cẩn thận quản lý cả những người ra vào khu vực bếp, bảo đảm an toàn trong suốt quá trình chế biến.
Đơn cử như tại Trường Tiểu học Đoàn Khuê (phường Việt Hưng, quận Long Biên), nhờ sự phối hợp chặt chẽ và trách nhiệm giữa các bên liên quan, gồm: Nhà trường, phụ huynh học sinh và đơn vị cung cấp thực phẩm nên từ khi đi vào hoạt động cho đến nay, nhà trường chưa để xảy ra sự cố nào liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm.
Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Khuê Trần Thị Phương Dung, để bảo đảm sự khách quan và lựa chọn được nhà cung cấp tốt, trước khi ký hợp đồng với đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà trường đã tổ chức một đoàn giám sát, gồm lãnh đạo nhà trường, ban phụ huynh đến tận nơi để kiểm tra nguồn gốc thực phẩm. Việc giám sát này được nhà trường tiến hành thường xuyên.
Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Đoàn Khuê (quận Long Biên) cùng phụ huynh học sinh giám sát thực phẩm cung cấp cho bếp ăn trường học |
Theo các chuyên gia về ATVSTP, dù quy trình kiểm soát thực phẩm đầu vào được một số nhà trường thực hiện khá chặt chẽ nhưng trên thực tế, tình trạng học sinh bị ngộ độc thực phẩm vẫn có thể xảy ra. Lý do là ngoài kiểm soát nguồn thực phẩm đầu vào, nhiều bếp ăn tập thể chưa kiểm soát được các yếu tố khác có ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm như phương tiện, dụng cụ chế biến, cách bảo quản, thời gian vận chuyển…
Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc thực phẩm
Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng, quy định về đảm bảo ATVSTP cho các bếp ăn tập thể nói chung, trong đó có bếp ăn trường học đều đã được Cục ATVSTP của Bộ Y tế ban hành đầy đủ trong các văn bản. Tuy nhiên, có thể do việc kiểm tra, giám sát của các đơn vị chức năng tại các địa phương chưa được thực hiện thường xuyên nên có những nơi, những thời điểm, vấn đề này chưa thật sự được quan tâm, chú trọng.
Để phòng chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, thực phẩm nhà bếp nhập về phải có giấy kiểm định, thực phẩm phải tươi trước khi chế biến, bếp ăn phải đặt ở vị trí cách xa nguồn ô nhiễm, nhà vệ sinh. Bếp sạch sẽ, có đầy đủ các khu vực chế biến: Khu sơ chế, khu nấu nướng, khu bảo quản, khu rửa… Dụng cụ chế biến thức ăn (dao, thớt...) phải được phân loại sống, chín riêng biệt. Nguồn nước phải bảo đảm chất lượng. Nhân viên nhà bếp phải có đồ bảo hộ lao động đầy đủ, có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, các đơn vị cần bảo quản cẩn thận các thức ăn đã nấu chín. Muốn giữ thức ăn quá 5 giờ đồng hồ, cần phải giữ liên tục nóng trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C. Rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và sau mỗi lần gián đoạn để làm việc khác. Khăn lau bát đĩa cần phải được luộc nước sôi và thay thường xuyên trước khi sử dụng lại; Che đậy thực phẩm trong hộp kín, tủ kính, lồng bàn… để tránh bụi bẩn, côn trùng và các động vật khác.
Cục An toàn thực phẩm cũng khuyến cáo, hãy cho học sinh ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng nguy hiểm. Thầy, cô giáo và nhân viên nhà bếp cũng cần chú ý nhắc nhở học sinh vệ sinh sạch sẽ trước khi ăn để tránh bị nhiễm khuẩn.