Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019
“Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” chính là ấn phẩm đầu tiên được công bố công khai ra toàn xã hội. Để biên soạn cuốn sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành để khai thác và sử dụng các nguồn thông tin gồm: Cơ sở dữ liệu doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; Cơ sở dữ liệu thuế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nội dung “Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019” là bức tranh đầy đủ về bối cảnh, tổng quan sự phát triển của tất cả các loại hình doanh nghiệp tại Việt Nam: Doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong năm 2018. Cuốn sách cũng đề xuất một số giải pháp và bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp tại Việt Nam. Thông tin doanh nghiệp cũng được cung cấp và phân tích ở các góc độ khác nhau theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp, theo địa bàn,…
Đặc biệt, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 sẽ giúp các cơ quan hoạch định chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển bền vững và hiệu quả khối doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương. Đồng thời, cũng sẽ là các tài liệu quan trọng cho các cơ quan nghiên cứu, tài liệu tham khảo cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong phân tích thị trường, tìm hiểu cơ hội đầu tư…
Nội dung Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển DN cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018, gồm 4 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp năm 2018; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Các giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Toàn quốc); Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 (Địa phương). Đồng thời Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cũng tôn vinh những doanh nghiệp có đóng góp tích cực nhất vào phát triển kinh tế của cả nước và các địa phương.
![]() |
Quang cảnh buổi Lễ công bố. |
Chia sẻ về những nội dung chính của Sách trắng doanh nghiệp 2019, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống Kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, tính đến ngày 31/12/2018, cả nước có 714.755 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 9,2% so với cùng thời điểm năm 2017.
Mật độ doanh nghiệp đang hoạt động bình quân trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động, năm 2018, bình quân cả nước có 14,7 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên 1 nghìn dân số trong độ tuổi lao động. Có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước… 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1 nghìn dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước
Về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, tổng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (SXKD) do ngành Thống kê điều tra, cập nhật vào thời điểm 31/12/2017 trên phạm vi cả nước là 560.417 DN, tăng 11% so với thời điểm 31/12/2016. Khu vực DN nhà nước có 2.486 DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước có 1.204), chiếm 0,4% số DN cả nước, giảm 6,6% so với cùng thời điểm năm 2016; khu vực DN ngoài nhà nước có 541.753 DN, chiếm 96,7% số DN cả nước, tăng 10,9%; khu vực FDI có 16.178 DN, chiếm 2,9% số DN cả nước, tăng 15,5%.
Về doanh thu của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, năm 2017, tổng doanh thu thuần của toàn bộ DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 20,66 triệu tỷ đồng, tăng 18,5% so với năm 2016, tăng cao hơn tốc độ tăng nguồn vốn của DN (tăng 17,5%).
Theo khu vực kinh tế: Khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ có quy mô lớn nhất về doanh thu thuần với khối lượng doanh thu thuần năm 2017 lần lượt là 10,46 triệu tỷ đồng, tăng 17,6% và 10,1 triệu tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm 2016. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt gần 113 nghìn tỷ đồng, chỉ chiếm 0,55% doanh thu thuần của toàn bộ khu vực DN, tăng 32,4% so với năm 2016.
Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2017 đạt 876,7 nghìn tỷ đồng, tăng 23,1% so với năm 2016. Theo khu vực kinh tế: Năm 2017 khu vực công nghiệp và xây dựng có lợi nhuận chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ khu vực DN với 519,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 59,3% lợi nhuận của toàn bộ khu vực DN, tăng 16,4% so với năm 2016; khu vực dịch vụ tạo ra 352,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,1%, tăng 35%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tạo ra 4,96 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,6%, tăng 2,9%.
Theo loại hình DN: Năm 2017 khu vực DN nhà nước tạo ra 200,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 22,9%, tăng 1,8% (trong đó khu vực DN 100% vốn nhà nước tạo ra 124,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 14,2%, tăng 10,1%). Khu vực DN ngoài nhà nước tạo ra 291,6 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 33,3%, tăng 55%; khu vực DN FDI tạo ra 384,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 43,8%, tăng 17,6% so với năm 2016.
Sách trắng cũng đưa ra một số chỉ tiêu phản ánh hiệu quả của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh về Hiệu suất sử dụng lao động; Thu nhập của người lao động; Chỉ số nợ; Chỉ số quay vòng vốn; Hiệu suất sinh lợi.
Trong những năm qua, cùng với chủ trương, chính sách khuyến khích mọi loại hình doanh nghiệp cùng phát triển bình đẳng, đã tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực doanh nghiệp FDI phát triển nhanh và hiệu quả, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, thu hút nhiều lao động, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển bền vững. Khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước liên tục phát triển, từ chỗ chỉ chiếm tỷ lệ thấp, đến nay đã có quy mô và tỷ lệ cao nhất trong toàn bộ doanh nghiệp ở hầu hết các chỉ tiêu.
Sách trắng doanh nghiệp năm 2019 đưa ra 2 nhóm giải pháp. Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cơ chế chính sách; Tăng cường thực thi thể chế, pháp luật; Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, làm tiền đề cho tăng trưởng kinh tế bền vững trong dài hạn; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp; Nhanh chóng triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được Quốc hội thông qua; Cần khai thác cơ hội của Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng chuyển dịch dòng vốn quốc tế, các hình thức đầu tư mới để tạo dựng tối đa lợi thế của Việt Nam, chủ động thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; Các địa phương chậm phát triển doanh nghiệp, hiệu quả thấp, có số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, giải thể tăng cao cần tìm hiểu nguyên nhân, thực trạng, đề xuất giải pháp hiệu quả để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tốt hơn.
Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực về tài chính, nguồn nhân lực cũng như đổi mới sáng tạo là yêu cầu căn bản, sống còn đối với sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay; Chú trọng đổi mới quản trị doanh nghiệp, nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân, cạnh tranh lành mạnh và phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp; Trong bối cảnh nền kinh tế số, với những sáng tạo mới nền tảng công nghệ tiến tiến, mỗi doanh nghiệp thay đổi một cách linh hoạt, nhanh chóng nắm bắt được những xu thế mới sẽ tạo được lợi thế cạnh tranh.
Tại buổi Lễ, đánh giá về tại liệu này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 cung cấp bức tranh khá đầy đủ, toàn diện về sự phát triển của doanh nghiệp nước ta năm 2018 và giai đoạn 2016-2018. Đây là ấn phẩm quan trọng và cần thiết giúp Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương có được thông tin phong phú với độ tin cậy cao để đánh giá sự phát triển doanh nghiệp theo ngành kinh tế, theo loại hình doanh nghiệp và theo địa phương, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển bền vững và hiệu quả doanh nghiệp trên phạm vi cả nước và từng địa phương.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các bộ, ngành sử dụng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hằng năm, trước mắt là năm 2019 là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách để phát triển doanh nghiệp bền vững với mục tiêu trước mắt là đạt 1 triệu doanh nghiệp hoạt động vào năm 2020. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật để phục vụ phát triển doanh nghiệp. Tại Kỳ họp Quốc hội sắp tới, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đầu tư; Luật PPP; Luật chứng khoán và nhiều văn bản pháp luật khác như Nghị quyết của Quốc hội về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp hiệu quả và bền vững. Các bộ, ngành, địa phương phải thường xuyên phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc cung cấp, chia sẻ thông tin phục vụ biên soạn và hoàn thiện Sách trắng doanh nghiệp hàng năm.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu sử dụng Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam hằng năm là nguồn thông tin chủ yếu phục vụ cho việc hoạch định chiến lược, kế hoạch, chính sách phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Nghiêm túc đánh giá đúng thực chất những điểm mạnh, điểm yếu trong phát triển doanh nghiệp trên địa bàn, đề xuất các giải pháp, chính sách, chiến lược phát triển doanh nghiệp của địa phương hiệu quả và bền vững...