Công an TP Hà Nội sáng ngời phẩm chất người chiến sĩ công an nhân dân
Năm 2018, lực lượng Công an TP Hà Nội có nhiều thay đổi lớn. Đáng chú ý nhất có lẽ là sự kiện tháng 8/2018, Công an TP Hà Nội tổ chức Lễ công bố Quyết định sáp nhập Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội vào Công an TP Hà Nội và triển khai các quyết định về công tác tổ chức, cán bộ của lực lượng Cảnh sát PCCC – Công an TP Hà Nội theo các Quyết định đã được Bộ trưởng Bộ Công an ký trước đó.
CATP Hà Nội tặng hoa, chúc mừng các đồng chí Phó Giám đốc CA TP vừa được điều động, bổ nhiệm. Ảnh: Cổng TTĐT Công an TP Hà Nội
Sau khi sáp nhập, Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội gồm 1 Giám đốc và 8 Phó Giám đốc. Công an TP Hà Nội cũng sắp xếp lại bộ máy gồm Ban Giám đốc và 35 phòng trực thuộc, giảm 11 phòng so với mô hình cũ. Lực lượng Cảnh sát PCCC có 1916 CBCS được bố trí về Phòng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ, Đội Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ thuộc Công an các quận, huyện, thị xã…
Những biến chuyển trong nội bộ các cấp của Công an TP Hà Nội chỉ mang tính chất phân cấp quản lý, không làm ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của người chiến sĩ công an nhân dân.
Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, phẩm chất của người chiến sĩ công an nhân dân vẫn luôn được phát huy. Câu chuyện về chiến sĩ cảnh sát giao thông cứu tài xế gặp nạn trên Đại lộ Thăng Long vẫn được nhiều người nhắc lại trong xúc động. Ngày 1/3 tại tuyến đường Đại lộ Thăng Long, Hà Nội, Tổ tuần tra Đội Cảnh sát giao thông số 11 (Phòng CSGT Công an Hà Nội) gồm Đại úy Lã Sơn Tùng, thượng úy Nguyễn Duy Linh, trung úy Phùng Thế Bình trong quá trình tuần tra kiểm soát, kiểm soát thì phát hiện ôtô tải mang biển kiểm soát 30P - 9956 di chuyển có biểu hiện chệch choạc rồi dừng hẳn.
Trung úy Phùng Thế Bình và tài xế tại bệnh viện
Nhận thấy chiếc ôtô có nhiều biển hiện lạ, trung úy Phùng Thế Bình đi tới kiểm tra. Lúc tới gần chiếc xe, trung úy Bình thấy một nam thanh niên ngồi trên xe có biểu hiện co giật, mặt mũi tái nhợt, có biểu hiện ngột thở, tức lồng ngực. Tình hình cấp bách, trung úy Bình lập tức lái xe tải đưa người trên xe đi cấp cứu tại bệnh viện Thể thao, sau đó liên hệ với người nhà của nam thanh niên trên. Sau khi được sơ cứu, người đàn ông bị nạn qua cơn nguy kịch và nay đã hồi phục.
Hẳn người dân vẫn chưa quên sự việc Trung úy Nguyễn Văn Tiến, Đội CSGT số 12 (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP. Hà Nội, lao vào biển lửa giải cứu 5 người bị mắc kẹt. Vào ngày xảy ra hỏa hoạn, Tổ công tác gồm Đại úy Trương Việt Sơn - Tổ trưởng tổ công tác, Đại úy Lê Kế Hiệp, Đại úy Trần Duy Hưng, Đại úy Cao Văn Hồng và Trung úy Nguyễn Văn Tiến đang tuần tra kiểm soát trên Quốc lộ 6 thì phát hiện có khói lửa bốc ra từ một ngôi nhà ở thị trấn Xuân Mai, Chương Mỹ, Hà Nội. Cùng với đó là tiếng người phụ nữ ở bên đường hô hoán cháy nhà. Ngay lập tức, các cán bộ, chiến sỹ trong tổ công tác chia nhau ra gọi cửa cảnh báo các hộ gia đình gần đó, sơ tán người dân và tổ chức cứu hộ, đồng thời gọi điện cho Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Trung úy Nguyễn Văn Tiến, Đội CSGT số 12 (Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt, Công an TP. Hà Nội) người trực tiếp lao vào giải cứu 5 người bị mắc kẹt trong đám cháy
Tiếp cận đám cháy, biết được vợ chồng gia chủ và người thân tập trung ở khu vực phía sau tầng 3 nhưng đang bị mắc kẹt lại bởi khung sắt "chuồng cọp" kiên cố, Trung úy Nguyễn Văn Tiến đã nhanh chóng cùng anh Nguyễn Hà Phương - hàng xóm của gia đình bị nạn tìm cách leo lên để cứu người. Trung úy Tiến nhớ lại "Khói nóng phả vào mặt và không tìm được điểm bám khiến tôi cảm thấy mình sắp bị rơi xuống, nhưng rồi tiếng hô động viên của đồng đội và bà con nhân dân đã tiếp cho tôi thêm sức mạnh.” Cuối cùng anh và đồng đội đã đưa được 3 nạn nhân ra ngoài, còn 2 cháu nhỏ không qua khỏi.
Hay gần đây hơn là vụ việc các chiến sĩ CSGT Hà Nội kịp thời ngăn người phụ nữ nhảy cầu Long Biên tự tử. Cụ thể, ngày 19/10, Tổ công tác Đại úy Trịnh Phi Hùng, Trung tá Nguyễn Văn Nam, Thượng úy Nguyễn Văn Huy, Trung úy Nguyễn Hoàng Quân - Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) được thông báo có phụ nữ định nhảy cầu tại cầu Long Biên đã tổ chức lực lượng tiếp cận.
Người phụ nữ trẻ đã được các chiến sĩ CSGT khuyên nhủ bỏ ý định nhảy cầu
Thời điểm tổ công tác có mặt, người phụ nữ đang đứng khóc khu vực chiếu nghỉ giữa cầu, nhiệt độ xuống thấp và trời mưa lạnh. Thấy càng nhiều người quan tâm, người phụ nữ càng khóc to và luôn có ý định bất cần đòi gieo mình xuống dòng nước. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, tổ công tác vừa giải tỏa đám đông, đồng thời tiếp cận đưa người phụ nữ về khu vực an toàn.
Bên cạnh việc đảm bảo an toàn xã hội, các chiến sĩ Công an TP Hà Nội còn luôn phải đối mặt với những tội phạm nguy hiểm. Gần cuối năm là cao điểm phòng chống buôn lậu, ngày 20/11 Công an TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh với các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thuốc pháo, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trên địa bàn TP Hà Nội từ nay cho đến dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi.
Một vụ vận chuyển bị công an TP Hà Nội phát hiện, bắt giữ
Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ tháng 12 năm ngoái đến nay, cơ quan Công an đã phát hiện, bắt giữ 38 vụ, 39 đối tượng liên quan đến hành vi mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép, thu giữ hơn 1 tấn pháo các loại; khởi tố, xét xử 10 vụ, 10 đối tượng, xử phạt hành chính 15 vụ, 15 đối tượng với tổng số tiền gần 46 triệu đồng.
Không trực tiếp đương đầu với tội phạm như lực lượng Cảnh sát hình sự, Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Cảnh sát truy nã… nhưng trong công tác bảo vệ mục tiêu, các chiến sĩ Cảnh sát bảo vệ mục tiêu đã nhiều lần lập công, thể hiện được tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công, trấn áp tội phạm vì sự an toàn tuyệt đối của những mục tiêu.
Không thể quên nói tới chiến công của chiến sĩ Nguyễn Ngọc Đức, đơn vị Đội 4, Phòng Cảnh sát bảo vệ Công an TP Hà Nội. Vào đêm chiến sĩ Đức đứng gác tại khu vực ngân hàng có địa chỉ 45 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội thì thấy một nam thanh niên đang có hành vi đập phá cây rút tiền tự động ATM nên anh yêu cầu đối tượng ra khỏi khu vực bảo vệ. Thế nhưng khi đến gần, bất ngờ đối tượng lao thẳng vào tấn công chiến sĩ Nguyễn Ngọc Đức hòng cướp khẩu súng AK.
Các chiến sỹ canh giữ vọng gác sẵn sàng xả thân bảo vệ người dân
Trong tích tắc, bằng sự mưu trí dũng cảm, sự nhanh nhạy của Cảnh sát, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Đức đã gạt được tay đối tượng ra. Không cướp được súng, đối tượng rút dao thủ sẵn đâm nhiều nhát vào người chiến sĩ Nguyễn Ngọc Đức.
Mặc dù bị trọng thương, máu chảy thấm đẫm bộ quân phục nhưng với sự dũng cảm, đấu tranh đến cùng với tội phạm, anh đã ghì chặt, quật ngã được đối tượng để đồng đội đến hỗ trợ còng tay bắt giữ, thu hồi hung khí chuyển giao đối tượng và tang vật cho Công an phường Hàng Bài xử lý.
Với chiến công quả cảm này, chiến sĩ Nguyễn Ngọc Đức đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, được Trung ương Đoàn trao tặng huy hiệu Tuổi trẻ Dũng cảm và được công nhận thương binh.
Nhìn vào những gì các chiến sĩ của lực lượng Công an TP Hà Nội đã làm được, người dân Thủ đô tin tưởng an ninh trật tự, an toàn xã hội sẽ luôn được đảm bảo, đặc biệt là trong dịp Tết Kỷ Hợi sắp tới.