Công an sẽ mặc thường phục lấy lời khai bị hại dưới 18 tuổi
Bộ Công an thông tin về vụ khởi tố Giảng viên đại học Tôn Đức Thắng và vụ án ở Bệnh viện Bạch Mai Bộ Công an: Chưa có căn cứ xác định Tập đoàn Asanzo lừa dối khách hàng |
Bộ Công an đang lấy ý kiến rộng rãi đối với dự thảo thông tư quy định trách nhiệm của lực lượng Công an nhân dân trong việc thực hiện một số trình tự, thủ tục tố tụng hình sự thân thiện trong quá trình điều tra vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Hành vi xâm hại người dưới 18 tuổi trong phạm vi thông tư này bao gồm việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe; dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, ép buộc, lôi kéo, dụ dỗ tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục. Ngoài ra còn là hành vi mua bán, chiếm đoạt người; hành hạ, ngược đãi, bắt lao động trái quy định đối với người dưới 18 tuổi.
Không nhất thiết phải mặc đồ công an
Theo dự thảo, Bộ Công an nhấn mạnh một trong những nguyên tắc tiếp nhận tin báo là ưu tiên giải quyết nhanh chóng, chính xác, kịp thời các vụ án xâm hại người dưới 18 tuổi.
Cùng với đó, điều tra viên, cán bộ điều tra được phân công thụ lý giải quyết cần được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hoặc có kinh nghiệm về khởi tố, điều tra đối với những vụ việc, vụ án hình sự xâm hại người dưới 18 tuổi hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục người dưới 18 tuổi.
Đối với việc lấy lời khai người bị hại dưới 18 tuổi, điều tra viên có thể thực hiện tại nơi tiến hành điều tra, nơi cư trú hoặc nơi học tập, nơi làm việc của người đó, trên cơ sở để họ cảm thấy an toàn, thoải mái. Nơi nào đã bố trí phòng điều tra thân thiện thì có thể lấy lời khai ở phòng điều tra thân thiện.
Đáng chú ý, điều tra viên phải có thái độ thân thiện, nhẹ nhàng, sử dụng ngôn ngữ phù hợp với độ tuổi, giới tính, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của người được lấy lời khai. “Điều tra viên, cán bộ điều tra mặc trang phục phù hợp, không nhất thiết phải mặc trang phục công an nhân dân” - Bộ Công an đề xuất.
Cũng theo dự thảo, quá trình lấy lời khai của người bị hại dưới 18 tuổi phải có mặt của người giám hộ, người bảo vệ quyền lợi, người đại diện hợp pháp khác hoặc thầy cô giáo của người đó. Ngoài ra, cơ quan điều tra có thể mời đại diện cơ quan LĐ-TB&XH, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nhà trường… để hỗ trợ cho họ.
Cơ quan điều tra cần dựa trên độ tuổi, tình trạng tâm lý, sức khỏe, khả năng nhận thức, mức độ trưởng thành của người bị hại dưới 18 tuổi để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp. Mục đích là nhằm giảm thấp nhất số lần phải lấy lời khai cũng như xác định thời lượng các lần lấy lời khai đối với họ. Việc lấy lời khai người bị hại, người làm chứng là người dưới 18 tuổi phải tạm dừng ngay khi họ có biểu hiện mệt mỏi, ảnh hưởng đến khả năng khai báo chính xác, đầy đủ.
“Phải hạn chế đến mức thấp nhất việc tiến hành đối chất giữa người bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để không làm tổn thương tâm lý, tinh thần của họ. Đối với các vụ án xâm phạm tình dục, hành hạ, mua bán, chiếm đoạt người dưới 18 tuổi thì chỉ tiến hành đối chất khi thấy việc đó là cần thiết để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án mà nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án” - Bộ Công an lưu ý.
Sau phiên tòa thân thiện, sắp tới đây khi điều tra, công an sẽ mặc thường phục và tạo tâm lý thoải mái cho người dưới 18 tuổi. Ảnh: Hoàng Giang |
Đề nghị báo chí gỡ bài về nhân thân bị hại
Một nội dung đáng chú ý khác của dự thảo là các biện pháp bảo vệ người bị hại dưới 18 tuổi. Bộ Công an đề xuất khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người bị hại dưới 18 tuổi hoặc người thân thích của họ bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại thì cơ quan điều tra phải áp dụng ngay các biện pháp theo quy định tại khoản 1 Điều 486 của BLTTHS để bảo vệ họ.
Ngoài ra, tùy tình hình thực tế, cơ quan điều tra có thể áp dụng thêm nhiều biện pháp đặc biệt khác. Trong đó, cơ quan điều tra đề nghị các cơ quan thông tin, truyền thông gỡ các bài báo, thông tin trên mạng xã hội về nhân thân của người dưới 18 tuổi là bị hại khi họ có yêu cầu hoặc xét thấy cần thiết phải bảo vệ thông tin nhân thân của họ.
Cơ quan điều tra cũng có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo vệ thông tin nhân thân, danh dự, nhân phẩm người dưới 18 tuổi là bị hại. Ngoài ra cần bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng bị xâm hại hoặc người làm chứng bị phát tán trên mạng Internet hoặc các mạng xã hội.
Trong trường hợp cấp bách, cần ngăn chặn ngay các hành vi đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người được bảo vệ, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ phải áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ cần thiết. Chẳng hạn, cử ngay lực lượng bảo vệ đến nơi ở, nơi làm việc, học tập của người được bảo vệ hoặc tạm thời đưa họ đến nơi an toàn.
Đặc biệt, cơ quan điều tra phải giữ bí mật việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu có liên quan trực tiếp đến hành vi phạm tội, người phạm tội của người được bảo vệ khi họ yêu cầu hoặc xét thấy họ có thể bị nguy hiểm do việc cung cấp chứng cứ, vật chứng, tài liệu đó.
Đối với người bào chữa, khi được tiếp xúc, nghiên cứu đơn thư tố giác, lời khai hoặc các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án có liên quan đến người đang được áp dụng các biện pháp bảo vệ phải cam kết giữ bí mật bằng văn bản và chịu trách nhiệm trước pháp luật về cam kết đó.
Trợ giúp bị hại dưới 18 tuổi lang thang, cơ nhỡ Theo dự thảo thông tư, ngoài các cá nhân tham gia tố tụng với tư cách là người giám hộ, người đại diện hợp pháp, cơ quan điều tra có thể đề nghị đại diện cơ quan LĐ-TB&XH, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, nhà trường trợ giúp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi. Các cơ quan trên cần chú ý giúp đỡ người dưới 18 tuổi không có gia đình, lang thang cơ nhỡ, không nơi nương tựa, bị buôn bán, đánh tráo, chiếm đoạt khi họ hoặc gia đình họ có yêu cầu hỗ trợ về chỗ ở, tham vấn, chăm sóc y tế, sức khỏe, trợ giúp về mặt pháp lý, tâm lý… |