Công an quận Bắc Từ Liêm thông tin rõ một phần tài sản bị hủy hoại của Trường Pascal
Đừng để công trình hàng chục tỷ đồng lãng phí trước thềm năm học mới Cần sớm giải quyết tranh chấp quyền lợi tại khu đất của Trường Pascal |
Báo Tuổi trẻ Thủ đô đã đưa tin về việc Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) ra quyết định tạm giữ Đỗ Văn Hà và Nguyễn Thị Hồng về hành vi chống người thi hành công vụ. Đối với Vũ Thị Liên và Nghiêm Nhật Anh, cơ quan điều tra đã ra quyết định trả tự do và tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo pháp luật.
Công an quận Bắc Từ Liêm định giá một phần tài sản bị hủy hoại của Trường Pascal |
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, các lực lượng đã tiến hành giải cứu 4 cán bộ, nhân viên Trường TH - THCS Pascal, đồng thời bắt giữ 4 đối tượng chống người thi hành công vụ, gồm: Đỗ Văn Hà (SN 1954, quê tỉnh Thái Bình); Nguyễn Thị Hồng (SN 1963, trú ở huyện Thường Tín, Hà Nội); Nghiêm Nhật Anh (SN 1993, trú quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) và Vũ Thị Liên (SN 1960, trú ở huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Qua tìm hiểu được biết, Nghiêm Nhật Anh là con gái bà Trần Thị Kim Phương và ông Nghiêm Vũ Khải - là đại biểu Quốc hội khóa XIV, thuộc đoàn đại biểu thành phố Hải Phòng.
Hình ảnh nhóm người đang có hành vi phá hủy camera tại Trường Pascal (Ảnh cắt từ clip) |
Theo Công an quận Bắc Từ Liêm, nguyên nhân ban đầu của vụ việc là do tranh chấp giữa các cổ đông của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục - TDS Việt Nam, đơn vị chủ đầu tư lô đất TH1. Từ đầu tháng 5/2018 đến nay đã xảy ra 20 vụ việc mất an ninh, trật tự liên quan tới địa điểm này.
Camera của Trường Pascal bị bẻ gẫy (ảnh NVCC) |
Trước đó, theo đơn Tố cáo gửi đến báo Tuổi trẻ Thủ Đô, đại diện Trường Pascal cho biết, số tài sản bị phá hoại bởi nhóm người nêu trên (một phần tài sản) được Công an quận Bắc Từ Liêm định giá. Theo đó, tường bên ngoài bị thiệt hại do sơn với giá trị là 13.735.000 đồng.
Tuy nhiên phần thiệt hại khó định lượng là phần sơn tường bên trong trường bị sơn đè màu khác lên đã làm mất hình ảnh thương hiệu của nhà trường. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng còn hàn hủy 3 bộ cửa, hệ thống camera bị bẻ gãy, 1 máy bơm nước bị phá hủy, 2 quạt công nghiệp bị mất.
Phần tường bên trong các phòng học bị sơn đè màu khác. |
Trong Bộ luật Hình sự hiện hành, tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản gồm hai hành vi phạm tội độc lập. Theo đó, người phạm tội có hành vi tác động vào tài sản thuộc sở hữu của người khác, làm cho tài sản đó bị mất giá trị sử dụng (hủy hoại tài sản) hoặc làm giảm đáng kể giá trị sử dụng của tài sản (làm hư hỏng tài sản) với giá trị thiệt hại từ 2 triệu đồng trở lên hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc các trường hợp được Bộ luật hình sự quy định.
Trước sự việc trên, các cấp lãnh đạo, ngành liên quan cần khẩn trương giải quyết dứt điểm vụ việc. Có như vậy mới đảm bảo điều kiện an toàn cho học sinh bước vào năm học mới để không làm ảnh hưởng đến năm học mới.
Theo Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015:“Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản 1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm; b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; đ) Tài sản là di vật, cổ vật. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm: a) Có tổ chức; b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng; c) Tài sản là bảo vật quốc gia; d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; đ) Để che giấu tội phạm khác; e) Vì lý do công vụ của người bị hại; g) Tái phạm nguy hiểm, 3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. 4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm. 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.” |
(Còn nữa...)