Công an bắt quả tang người chồng vũ phu đánh vợ
Vì sao người vợ bị gã 'võ sư' vũ phu đánh đập rút đơn tố cáo?Chồng đặt sẵn điện thoại quay lại cảnh đánh người vợ tàn nhẫn Chồng đánh vợ bất tỉnh, kéo lê ra cửa |
Người đàn ông đánh vợ dã man trong nhà. Nguồn video: 91.com.vn
Sáng 17/12, đoạn camera an ninh dài hơn 2 phút ghi lại cảnh người đàn ông đánh dã man một phụ nữ - người được cho là vợ anh ta, lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội.
Theo đó, sự việc xảy ra vào khoảng 10 giờ sáng ngày 16/12. Trong clip, người đàn ông cởi trần đang túm tóc, nạt nộ người phụ nữ trong góc bếp, ngay trước mặt con nhỏ. Người phụ nữ tỏ ra sợ hãi, liên tục quỳ gối chắp tay van xin nhưng người đàn ông vẫn hung hăng, tấn công liên tục vào đối phương.
Đỉnh điểm, người chồng còn mở ngăn tủ bếp cầm dao định đuổi theo vợ, nhưng may mắn là chị đã chạy thoát ra ngoài.
Người chồng túm tóc, hành hung người vợ. |
Khoảng hơn 10 phút sau, người phụ nữ trở về, bấm chuông cửa. Người chồng vừa mở cửa đã túm tóc nạt nộ chị, nhưng phía sau chị là 2 chiến sĩ công an. Người đàn ông đã bị khống chế ngay sau đó.
Những kẻ vũ phu trong gia đình
Trước đó, cũng có nhiều trường hợp chồng vũ phu đánh đập vợ khiến cộng đồng mạng dậy sóng. Mới đây nhất, vụ người chồng đặt sẵn điện thoại quay lại cảnh bạo lực với vợ mình và đăng tải lên mạng xã hội.
Dù người vợ khóc lóc van xin nhưng người đàn ông vẫn không chịu dừng lại mà vẫn liên tục dùng chân đạp vào đầu và mặt vợ.
Người chồng liên tục đánh đập người vợ. |
Sau mỗi câu mắng chửi, người chồng lại giơ chân lên đạp thẳng đầu vợ khiến người phụ nữ sợ hãi, co rúm người lại khóc nức nở. Vừa khóc, chị vợ vừa luôn miệng xin lỗi chồng rồi van xin "Anh ơi anh đừng đánh em nữa" nhưng những cú đánh trời giáng tiếp tục được giáng xuống.
Hay sự việc chồng đánh vợ xảy ra tại chung cư CT1B, Thạch Bàn, Long Biên, Hà Nội lúc 18h30 ngày 26/8. Hình ảnh võ sư N.X.V (1987) tung cước đánh vợ khi trên tay là đứa con còn đỏ hỏn và ngay trước mặt một em bé khác.
Cái tát như trời giáng khiến chị vợ ngã ra phía sau. |
Sự việc được cho là chị L muốn mang tivi từ phòng khách vào phòng cậu con trai lớn (6 tuổi) nhưng không hỏi ý kiến chồng nên bị chồng đánh tới tấp.
Chồng đánh vợ có thể bị phạt đến 14 năm tù
Điều 42 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
Điều 42. Xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình 1. Người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. |
Như vậy, sẽ tùy vào mức độ của hành vi và ý chí của người bị hại để xác định hình thức xử lý:
- Xử lý hành chính:
Người chồng có hành vi đánh vợ mà chưa đến mức xử lý hình sự thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt như sau:
Điều 49. Hành vi xâm hại sức khỏe thành viên gia đình 1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình. 2. Phạt tiền từ 1.500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: a) Sử dụng các công cụ, phương tiện hoặc các vật dụng khác gây thương tích cho thành viên gia đình; b) Không kịp thời đưa nạn nhân đi cấp cứu điều trị trong trường hợp nạn nhân cần được cấp cứu kịp thời hoặc không chăm sóc nạn nhân trong thời gian nạn nhân điều trị chấn thương do hành vi bạo lực gia đình, trừ trường hợp nạn nhân từ chối. 3. Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc xin lỗi công khai khi nạn nhân có yêu cầu đối với các hành vi quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này. |
- Xử lý hình sự:
Hành vi đánh vợ của người chồng sẽ bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo điều 134 Bộ luật hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017):
Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác 1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; đ) Có tổ chức; e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; i) Có tính chất côn đồ; k) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân. 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 06 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30%; c) Phạm tội 02 lần trở lên; d) Tái phạm nguy hiểm; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 14 năm: a) Làm chết người; b) Gây thương tích làm biến dạng vùng mặt của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này; đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này. |
Lưu ý:
- Đối với trường hợp xem xét xử lý hình sự được nêu tại Khoản 1 Điều 134 thì đây là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nên nếu bị hại (người vợ) không đứng ra yêu cầu thì công an không có thẩm quyền khởi tố.
- Những quy định nêu trên áp dụng chung cho cả trường hợp người chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình.