Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu

Trong buổi họp báo Chính phủ ngày 4/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, hiện còn tới 97 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chiếm 76% kế hoạch được giao.
Doanh nghiệp tư nhân dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế Hai doanh nghiệp bị phạt tiền vì vi phạm công bố thông tin

Tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/5, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong tháng 4, số doanh nghiệp thành lập mới và vốn đăng ký tiếp tục tăng, với trên 43.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký trên 540 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% về số doanh nghiệp và tăng 31,7% vốn đăng ký. Ngoài ra, còn có trên 17.000 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 52,6% so với cùng kỳ.

Cùng với đó, vốn FDI đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5%. Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt gần 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 7,14 tỷ USD, gấp 3,2 lần so với cùng kỳ. Đây là những chỉ dấu cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của chúng ta tiếp tục được cải thiện tốt hơn.

Tuy nhiên, việc chậm cổ phần hóa các doanh nghiệp lại đang là vấn đề lớn với sự phát triển chung của nền kinh tế.

co phan hoa doanh nghiep nha nuoc chua dat yeu cau
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết còn 97 doanh nghiệp Nhà nước chưa cổ phần hóa. Ảnh Thời báo Tài chính

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, 4 tháng đầu năm 2019 mới có 2 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp 295 tỷ đồng. Như vậy từ giai đoạn 2016 hết tháng 4/2019 mới có 161 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 442.000 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn Nhà nước là 206.000 tỷ đồng.

Thứ trưởng nhận định, tiến độ cổ phần hóa của các doanh nghiệp là chậm, chưa đạt tiến độ đề ra theo chỉ đạo của Thủ tướng. Hiện còn tới 97 doanh nghiệp phải cổ phần hóa, chiếm 76% kế hoạch được giao.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai lý giải: "Việc chậm cổ phần hóa có cả lý do chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan là việc một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty Nhà nước chưa thực sự tích cực và nghiêm túc trong triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Nguyên nhân khách quan do cổ phần hóa còn có vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động nên bị kéo dài thời gian so với kế hoạch".

Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, chỉ đạo chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương và tập đoàn kinh tế tập trung một số nhiệm vụ. Về thể chế, các bộ như Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư phải khẩn trương sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật, cụ thể là nghị định liên quan cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo quán triệt chỉ đạo của Thủ tướng để thúc đẩy nhanh hơn tiến trình cổ phần hóa. Thủ trưởng và người đứng đầu địa phương, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đôn đốc, triển khai thực hiện các mục tiêu, tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước cũng như doanh nghiệp có vốn Nhà nước, thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng kế hoạch.

Cùng với đó, bản thân các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa cần rà soát toàn bộ quỹ đất đang quản lý, sử dụng, để lập phương án sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai để trình UBND cấp tỉnh có ý kiến về phương án và giá đất để cấp có thẩm quyền xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo đúng quy định.

Linh Anh
Phiên bản di động