Có dấu hiệu găm hàng, đẩy giá thịt lợn
Xử lý nghiêm các trường hợp găm hàng, đẩy giá thịt lợn Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bị phê bình vì giá thịt lợn |
Sáng 25/12, tại cuộc họp đánh giá kết quả công tác quản lý, điều hành giá quý 4/2019 và cả năm 2019, định hướng công tác điều hành giá năm 2020 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã cung cấp thêm thông tin về tình hình cung ứng thịt lợn.
Theo đó, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, trong năm 2019, hầu hết các mặt hàng đều nằm trong kịch bản tính toán của Ban Chỉ đạo, chỉ có giá thịt lợn vào cuối năm có sự tăng đột biến.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại Hội nghị. |
Mặc dù Trưởng ban Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có chỉ đạo nhưng do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, đặc biệt là tâm lý lo ngại chưa tái đàn ở nhiều vùng chăn nuôi và đang có dấu hiệu đẩy mạnh thu mua lợn sống xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay tổng đàn và cơ cấu đàn lợn chưa bị mất cân đối quá lớn.
Cụ thể, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con, trong đó đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con. Cơ số giống vẫn đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn phát triển sản xuất.
Với quy mô và cơ cấu đàn lợn như trên, nếu có các biện pháp quản lý dịch bệnh và tái đàn an toàn sinh học để có thể khôi phục nhanh nguồn cung thịt lợn đáp ứng đủ nhu cầu cho tiêu dùng trong nước.
Tuy nhiên, đánh giá tình hình cung cầu trong quý 4/2019, đặc biệt là nhu cầu về thịt lợn trong dịp Tết Nguyên đán thì trên cơ sở thống nhất với Tổng cục Thống kê và Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định nguồn cung thịt lợn thiếu hụt khoảng 200 ngàn tấn trên cả nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá giao Bộ Công thương chỉ đạo ngành công thương và các địa phương cần tập trung nguồn lực nhiều hơn cho công tác bình ổn mặt hàng thịt lợn so với các nhóm thực phẩm khác trong dịp Tết Canh Tý tới đây.
Đặc biệt, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cần có kế hoạch cho nhập khẩu thịt lợn từ các quốc gia có Hiệp định song phương về xuất, nhập khẩu thịt lọn để cân đối việc thiếu hụt thịt lọn trong nước và hài hòa lợi ích giữa các bên.
Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, năm 2019, Bộ này đã hết sức quyết liệt trong chống dịch tả lợn châu Phi, dịch đã giảm rất nhanh, 25 tỉnh đã có 85% số xã hết dịch trong 30 ngày; hiện trong điều kiện tốt để tái đàn. Nếu giữ an toàn dịch bệnh thì gia cầm tiếp tục tăng; đại gia súc tăng nhanh hơn; thủy sản tăng tiếp. Riêng thịt lợn từ đầu tháng 1 có sản phẩm tái đàn, tăng dần trong quý I/2020.
“Trong dịp Tết Nguyên đán Canh Tý, dự kiến ở Hà Nội sẽ thiếu khoảng 7.000 tấn thịt lợn. Qua kiểm tra ở một số địa phương như Bắc Giang, tình trạng găm hàng là rất rõ. Tính theo số liệu các tỉnh báo cáo thì Phú Thọ, Bắc Giang sẽ không thiếu thịt lợn trong dịp Tết”, ông Tiến cho biết.
Về bảo đảm nguồn cung thịt lợn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện đúng yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ và đáp ứng nhu cầu nhân dân: “Không để thiếu thịt lợn. Nếu thiếu thì phải nhập khẩu ngay”.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm soát dịch bệnh, tái đàn lợn an toàn sinh học, tạo điều kiện thuận lợi trong kiểm soát để lưu thông tốt thịt lợn giữa các địa phương, kiểm soát chặt buôn bán lợn, thịt lợn qua biên giới; có giải pháp dự phòng cung ứng thịt cho Tết Canh Tý và cả sau Tết; kiểm tra xử lý nghiêm hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng cường thêm cung cấp thông tin từ cơ sở.