Chuyện về cô gái khiếm thị thắp lên ánh sáng cuộc đời

Từ khi còn nhỏ, ánh sáng đã trở thành thứ vô cùng xa xỉ với Vũ Thị Hải Anh. Thế nhưng, cô gái sinh năm 2000 vẫn không hề đầu hàng trước số phận, vượt qua bóng tối và truyền động lực cho người khuyết tật nói riêng cùng nhiều bạn trẻ nói chung.
Cô gái khiếm thị mang vinh quang về cho Tổ quốc

Tỏa sáng giữa bóng tối bao trùm

Từ nhỏ, Hải Anh cùng anh trai đều mắc dị tật bẩm sinh. Anh trai cô mang trong mình căn bệnh suy tuyến giáp phải dùng thuốc cả đời.

Còn Hải Anh, cô được bố mẹ đưa đi khám và phát hiện căn bệnh đục thủy tinh thể khi mới chỉ 1 tháng tuổi. Năm 1 tuổi, cô mổ một bên mắt trước. Tới năm 2 tuổi, bác sĩ tiến hành mổ bên còn lại. Tưởng rằng ánh sáng sẽ quay trở lại bên cạnh cô gái nhỏ, nhưng không may, bác sĩ tiếp tục phát hiện ra căn bệnh teo nhãn cầu, thị lực cũng sẽ mất dần đi.

“Nếu mình còn thị lực thì mới có thể quan sát được mọi thứ xung quanh nhưng tôi không có điều đó. Tôi hoàn toàn sống trong bóng tối và theo lời chỉ dẫn của mẹ. Mẹ đồng hành cùng tôi từ nhỏ, dạy cho tôi từ những điều nhỏ nhất như cầm đũa, cầm thìa, cầm dao gọt hoa quả.”

Hải Anh tâm niệm chỉ có thể là con đường học mới có thể theo đuổi được ước mơ của mình (Hải Anh ngồi thứ 2 bên trái)
Hải Anh tâm niệm chỉ có thể là con đường học mới có thể theo đuổi được ước mơ của mình (Hải Anh ngồi thứ 2 bên trái)

Tại cuộc thi viết thư quốc tế UPU năm 2019, với yêu cầu “Hãy viết người hùng của em”, Hải Anh đã viết về người mẹ, người phụ nữ bé nhỏ, hi sinh nhiều cho gia đình.

Qua bức thư, cô gái mong muốn mọi người thấu hiểu, rằng tình cảm gia đình, tình mẹ, luôn là tình cảm sâu sắc nhất. Một người mẹ có con bị khiếm thị sẽ có những bất hạnh như thế nào, chịu những thiệt thòi ra làm sao. Và mẹ cô đã tìm cách thoát khỏi số phận đó như thế nào, để giúp con có thể đứng được trên chính đôi chân của chính mình.

“Bố mẹ tôi là những người rất tuyệt vời. Bố vất vả cả đời đi làm để hỗ trợ cho gia đình. Mẹ đã hy sinh thời gian, công sức, ở nhà chăm sóc con cái. Con đường thành công ngày hôm nay của tôi có công lớn nhờ vào bố mẹ”.

Ngay từ nhỏ, mẹ Hải Anh đã trong vai trò người thầy dạy chữ đến cả các kỹ năng sống cho Hải Anh. Nhớ lại ngày bé, sau buổi đi học lớp mẫu giáo đầu tiên ở quê, cô gái bị từ chối nhận vào lớp vì là người khiếm thị. Khi ấy, chỉ có mẹ đồng hành cùng Hải Anh suốt thời thơ ấu. Đặc biệt, mẹ cô còn cùng Hải Anh đi học chữ nổi để giúp con nhanh chóng hòa nhập môi trường mới.

Để theo đổi ước mơ của mình, Hải Anh tâm niệm chỉ có thể là con đường học. Sau nhiều lần gõ cửa một số trường học nhưng không được nhận, cuối cùng, mẹ cô đã tìm đến tổ chức Hội người mù tỉnh Nam Định. Năm 2008, Hải Anh được kết nạp hội viên, em được hỗ trợ học chữ nổi. Năm 2013, Hải Anh khăn gói lên Hà Nội tham gia lớp học hòa nhập trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).

Do lớn tuổi nên Hải Anh thi vượt cấp, không học lớp tiền hòa nhập như các bạn đồng trang lứa. Dù bắt đầu tại điểm “xuất phát chậm” nhưng trong cô gái 10x vẫn cháy lên những nỗ lực. Bên cạnh 9 năm học đạt danh hiệu học sinh giỏi, Hải Anh còn thể hiện năng khiếu đàn, vẽ tranh, dẫn chương trình, viết báo, viết tập san, báo tường,…

Ngoài ra, Hải Anh cũng tham gia Câu lạc bộ Nhà báo tương lai, theo học khóa đào tạo kỹ năng nghề báo do Hội người mù Việt Nam tổ chức. Cô còn được biết tới là hội viên tích cực trong Hội người mù quận Hoàn Kiếm.

Hải Anh tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nghiện (Ảnh tư liệu)
Hải Anh tích cực tham gia nhiều chương trình thiện nghiện (Ảnh tư liệu)

The Eyes Project – Đứa con tinh thần

The Eyes Project là dự án bản thân Hải Anh đồng hành từ khi vẫn còn là một ý tưởng, chưa mục đích cũng như định hướng rõ ràng. Hải Anh đã cùng Nhật Linh – người đồng sáng lập dự án thảo luận để đưa dự án thành hiện thực.

Trong quá trình đó, The Eyes Project đã trở thành phương tiện, giúp truyền tải đến mọi người thông điệp, đó là người khuyết tật có đủ khả năng làm những công việc như người bình thường. Khi tham gia dự án, người khiếm thị sẽ được học hỏi cách làm việc trong một môi trường hòa nhập, những người bình thường sẽ học hỏi được sự cố gắng, cách giúp đỡ người khiếm thị.

Mùa 1 năm 2020, The Eyes Project – dự án nhằm xóa bỏ định kiến ngầm về người khiếm thị, đã nhận về trái ngọt. Nhiều buổi hướng dẫn người bình thường các kỹ năng đưa dắt, giao tiếp, làm việc cùng người khiếm thị,… được tổ chức thành công.

“Ban đầu, chúng mình chỉ mong muốn tạo môi trường kết nối, giúp các bạn không khiếm thị trải nghiệm cuộc sống người khiếm thị, nâng cao hiểu biết, xóa bỏ định kiến. Nhưng đến thời điểm hiện tại, giá trị của dự án đã vượt dự định của chúng mình, nhiều tình bạn đẹp ra đời, đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau.”, Hải Anh chia sẻ.

Ước mơ trở thành nhà báo

Từ bé, chiếc radio cũ của ông nội đã trở thành người bạn thân thiết của cô bé Hải Anh. “Ông bật từ 8 giờ sáng đến chiều. Tôi ở cùng ông bà, nghe nhiều, thuộc lòng giờ dẫn, giọng dẫn, thậm chí còn biết khi đó là mấy giờ. Tôi thích chiếc đài đó lắm. Tôi xin ông mang đài về nhà. Ở nhà một mình nên tôi học thuộc lời dẫn của phát thanh viên”, Hải Anh chia sẻ về lý do theo đuổi nghề báo.

Hải Anh luôn ước mơ trở thành nhà báo
Hải Anh (trái) luôn ước mơ trở thành nhà báo

“Văn nghệ thiếu nhi” phát trên sóng VOV2, với phát thanh viên Viết Duy, Thanh Phượng, Anh Thư, Thu Hà,… là chương trình ấn tượng nhất trong Hải Anh cho đến bây giờ. Khi đi học, đam mê đó vẫn nhen nhóm trong cô gái sinh năm 2000. Có ước mơ là một cô phát thanh viên cho một báo nổi tiếng, ngoài việc học tập chăm chỉ trên trường lớp, Hải Anh có đi học thêm những lớp đào tạo MC. “Có những lúc mẹ cũng không muốn mình vất vả, nhưng tôi quyết tâm theo đuổi đam mê của mình, dù cho khó khăn vất vả. Tự ti có nhưng tự tin là nhiều hơn”, Hải Anh tâm sự.

Cô gái trẻ quả quyết: “Tôi chọn nghề báo vì nghĩ rằng có thể làm cầu nối để kết nối mọi người với nhau, lan tỏa đến cộng đồng những điều tích cực, xóa đi những định kiến về cộng đồng người khuyết tật nói chung, người khiếm thị nói riêng”.

Hải Anh cũng vinh dự được chọn là 1 trong 50 gương mặt tiêu biểu của Chương trình “Tỏa sáng nghị lực Việt” năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tổ chức. Cô gái gửi gắm “Mong rằng các bạn khuyết tật sẽ cố gắng khẳng định bản thân mình ở bất cứ nơi đâu, đừng sợ, đừng ngại. Chúng ta có thể hòa nhập được!”.

Đình Trung
Phiên bản di động