Chuyên gia lưu ý về "Cột sống học đường" cho học sinh và phụ huynh
"Sửa" cong vẹo cột sống cho bệnh nhi 3 tuổi “Vẹo học đường” tăng mạnh, cha mẹ có con gái càng cần lưu ý Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên phẫu thuật cột sống bằng robot |
Chương trình có sự tham gia của: TS, bác sĩ Hoàng Văn Dũng - Chuyên khoa Cơ Xương Khớp; Giám đốc Chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Hải Phòng; Bác sĩ Phạm Thị Minh Nhâm - Chuyên khoa Nội Cơ Xương Khớp, Giảng viên bộ môn Nội - Trường đại học Y Hà Nội.
Dẫn dắt, điều phối chương trình là bác sĩ Trần Nhật Quân - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần EcoHealth Vietnam, Giám đốc chuyên môn Trung tâm Y khoa EcoHealth.
Các chuyên gia mang đến những lưu ý hữu ích cho phụ huynh và học sinh về các bệnh cột sống học đường |
Bệnh đau lưng ở lứa tuổi học đường
Mở đầu chương trình, TS, BS Hoàng Văn Dũng đã chia sẻ với người tham gia chương trình các thông tin tổng quan liên quan đến triệu chứng đau lưng ở lứa tuổi học đường nhằm giúp phụ huynh có thêm kiến thức từ đó dự phòng bệnh lý cột sống con trẻ trong tương lai.
Từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành, con người có nhiều giai đoạn phát triển, trong đó đối với xương khớp, độ tuổi trong giai đoạn phát triển cơ xương mạnh mẽ nhất là nhóm 10 - 20 tuổi.
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất được cập nhật năm 2022 về tình trạng đau lưng ở lứa tuổi thanh thiếu niên, tỉ lệ đau cơ xương khớp không đặc hiệu chiếm tới trên 50% trong tổng số các trường hợp nghiên cứu. Đau cơ xương khớp không đặc hiệu là loại đau lưng thông thường, khởi phát sau yếu tố vận động của trẻ như đeo ba lô quá nặng, đeo cặp lệch một bên, ngồi sai tư thế… Bệnh lý lành tính này sẽ thường tự khỏi sau 1 - 2 tuần và không có dấu hiệu toàn thân (không sốt, mệt mỏi, chán ăn…), không ảnh hưởng tới thần kinh.
Bệnh lý thứ hai bác sĩ Dũng đề cập đến đó là đau cột sống ngực, nguyên nhân thường gặp mang tính chất di truyền đó là hư điểm cốt hóa thân đốt sống. Bệnh lý này chiếm 4 - 8% ở trẻ lớn, với tình trạng đau bán cấp, mãn tính kéo dài. Trẻ có dấu hiện mắc bệnh lý này cần được phát hiện kịp thời thông qua hình thức chụp X- quang.
Bác sĩ Hoàng Văn Dũng |
Một bệnh lý nữa được bác sĩ lưu ý với quý vị phụ huynh, đó là đau cột sống ngực thắt lưng cùng. Có nhiều tình trạng bệnh biểu hiện cho bệnh lý này, bao gồm: Trượt thân đốt sống - hẹp ống sống, xuất hiện ở bất kỳ tuổi nào với tỉ lệ gặp từ 12 - 16%, biểu hiện lâm sàng thường xuất hiện ở vùng eo lưng; Lưng trẻ bị ưỡn quá mức, biểu hiện cụ thể ở tình trạng cứng cơ cạnh cột sống thắt lưng thường gặp ở trẻ trên 10 tuổi; Thoát vị nội xốp cũng là một tình trạng bệnh lý song tương đối ít gặp, thường xuất hiện khi có sự tác động vật lý lâu dài khiến chèn ép thần kinh và tạo nên đau lưng cơ học mãn tính; Cùng hóa thắt lưng, tình trạng này có liên quan cùng hóa đốt sống L5, có thể xuất hiện ở bất cứ độ tuổi nào và cũng rất đáng lưu ý khi tỉ lệ gặp khá cao ở mức 12%.
Bác sĩ Dũng cũng cảnh báo một số bệnh lý đau lưng khác đến từ nguyên nhân nội tạng như viêm thận, viêm tụy cấp, viêm phổi… Mặc dù khá hiếm gặp, song không thể lơ là bệnh lý này.
Tổng kết lại phần trình bày của mình, TS. BS Hoàng Văn Dũng đưa ra các dấu hiệu cảnh giác nguyên nhân đau lưng nghiêm trọng. Có thể kể tới như triệu chứng đau nhiều về đêm, đau kéo dài trên 3 tháng, cứng khớp buổi sáng… Bác sĩ cũng đưa ra lời khuyên cho quý vị phụ huynh trong việc chú ý giai đoạn phát triển cơ xương khớp của con, và đưa con đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và điều trị khi có dấu hiệu bệnh.
Cẩn thận với bệnh vẹo cột sống
Trong phần tiếp theo, bác sĩ Phạm Thị Minh Nhâm đã làm rõ hơn các vấn đề xoay quanh vẹo cột sống trẻ vị thành niên nguyên phát - Adolescent idiopathic scoliosis (AIS).
Bác sĩ Nhâm cho biết, vẹo cột sống (AIS) là tình trạng vẹo các thân đốt sống theo trục của mặt phẳng ngang. Vẹo cột sống có thể xảy ra đơn thuần hoặc phối hợp với những biến dạng khác của cột sống như gù ở vùng ngực, hay ưỡn ở vùng thắt lưng (cột sống xoay). Tình trạng này có tỉ lệ mắc lên tới 3 - 5% dân số, với 80 - 85% phát bệnh không rõ nguyên nhân, và thông tin đặc biệt đó là tỉ lệ trẻ nữ gặp cao gấp 10 lần trẻ nam.
Dấu hiệu lâm sàng của AIS thể hiện ở tình trạng hai vai không đều hoặc bị lệch sang một bên, xương bả vai nhô cao, biến dạng xoay cột sống, vẹo kèm theo gù lưng, thậm chí có thể khó thở nếu mức độ vẹo nặng gây chèn ép lồng ngực.
Bác sĩ Nhâm cũng đưa ra lời khuyên nên thăm bác sĩ chuyên khoa nhằm phát hiện nguyên nhân, đánh giá mức độ vẹo và lựa chọn giải pháp can thiệp kịp thời và hiệu quả.
Bác sĩ Phạm Thị Minh Nhâm |
Việc điều trị cong vẹo cột sống có 3 mức độ tùy theo tiến triển của bệnh. Mức độ nhẹ: góc COBB ≤ 200: tập cột sống + khám 6 tháng/lần. Mức độ trung bình: góc COBB = 20- 400 : Nẹp cột sống + tập cột sống + khám 6 tháng/lần. Mức độ nặng: góc COBB > 400 tiến triển xấu nhanh (hoặc COBB > 500): phẫu thuật chỉnh hình cột sống.
Bác sĩ Nhâm nhấn mạnh: tốt nhất là phụ huynh nên quan sát và thực hiện một số giải pháp phòng ngừa căn bệnh cong vẹo căn bệnh cong vẹo cột sống cho trẻ bao gồm các việc: Nâng cao sức khỏe chung của cơ thể, rèn luyện thể dục thể thao cho các bắp thịt, các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp khỏe, làm tăng sự dẻo dai bền bỉ và phát triển cân đối; Dinh dưỡng hợp lý, phòng chống suy dinh dưỡng, còi xương ở trẻ nhỏ.
Phụ huynh cũng nên lưu ý bàn ghế ngồi học phải phù hợp với lứa tuổi và tư thế ngồi học phải đúng; (4) Học sinh không mang cặp quá nặng (<15% trọng lượng cơ thể), cặp phải có hai quai; Khám cột sống định kỳ nhằm phát hiện sớm các trường hợp cong vẹo cột sống để có thể có cách xử trí và điều trị kịp thời; Động viên tâm lý trẻ, đồng hành và giúp trẻ tham gia liệu trình can thiệp khi có bệnh lý xuất hiện.
Cuối chương trình, bác sĩ Dũng và bác sĩ Nhâm, cùng với sự dẫn dắt của bác sĩ Quân, đã giải đáp các câu hỏi thắc mắc của khán giả về chủ đề này.
Thông qua quá trình giải đáp, các bác sĩ nhấn mạnh rằng để có chẩn đoán chính xác nhất và cách thức điều trị đúng nhất cho tình trạng bệnh của con, cần đến cơ sở y tế uy tín. Đặc biệt, trong bối cảnh Internet bùng nổ, nhiều nguồn thông tin thất thiệt hay nhiều bác sĩ tự xưng trên mạng, các phụ huynh cần đặc biệt đề phòng.
Không chỉ về mặt thông tin mạng, ngay cả trên thị trường, tại các nhà sách lớn cũng xuất hiện các sản phẩm hỗ trợ chống gù lưng, chống đau lưng mà chưa có minh chứng khoa học. Phụ huynh cũng nên tìm hiểu kĩ về tác dụng và độ cần thiết của sản phẩm trước khi mua, để tránh lãng phí về mặt kinh tế.
Phụ huynh nên quan tâm và quan sát nhiều hơn tới con, động viên trẻ thường xuyên vận động và bổ sung dinh dưỡng đúng cách thúc đẩy quá trình phát triển cơ xương; lưu ý đến sức khỏe cột sống của con để phát hiện và điều trị kịp thời, không để bệnh tiến triển nặng vì việc chữa trị rất tốn kém, bất tiện; và chỉ nên tìm hiểu thông tin và thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa uy tín.
BS Dũng chia sẻ: “Mặc một chiếc áo chật trong 3 - 4 tiếng đã khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu, thì việc bắt trẻ phải mặc áo định hình chuyên dụng, bó chặt vào người trong 12 - 18 tiếng/ngày trong một thời gian dài để điều chỉnh cột sống, sẽ thấy trẻ phải vất vả như thế nào.
Vì vậy tốt nhất là cha mẹ nên lưu tâm đến sức khỏe cột sống của con và có những điều chỉnh kịp thời, đừng để đến khi bệnh nặng mới đưa đi can thiệp chữa trị”. Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, các bậc phụ huynh hãy quan tâm nhiều hơn đến con, để trẻ có thể được phát triển toàn diện về cả thể chất và tâm hồn.
"Sửa" cong vẹo cột sống cho bệnh nhi 3 tuổi |
“Vẹo học đường” tăng mạnh, cha mẹ có con gái càng cần lưu ý |
Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên phẫu thuật cột sống bằng robot |