Chuyển đổi số ở Hà Nội: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả

Năm 2024, công cuộc chuyển đổi số (CĐS) của Hà Nội để lại nhiều dấu ấn rõ nét, đặc biệt là trong công tác điều hành, chỉ đạo của Thành ủy, UBND TP Hà Nội, HĐND TP. Trong đó, phải kể đến vai trò tham mưu của Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội. Sự quyết liệt đó đã để lại nhiều thành quả, dấu ấn nổi bật, đem đến sự hài lòng cho doanh nghiệp và người dân.
Hai “cuộc đại cách mạng” của đất nước Cách mạng chuyển đổi số tạo xung lực mới, đột phá về đổi mới sáng tạo Hà Nội phải tiên phong trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4

Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng chia sẻ với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô về vấn đề này.

- PV: Thưa đồng chí, một trong những từ khóa gắn với TP Hà Nội khi nhìn lại năm 2024 là “chuyển đổi số”. Ông có nghĩ như vậy không?

- Đồng chí Nguyễn Việt Hùng: Đúng vậy, có thể nói, năm 2024 là một năm ghi dấu sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ của chính quyền cấp ủy các cấp, đoàn thể, Nhân dân và doanh nghiệp tại Hà Nội trong quá trình CĐS.

CĐS là việc vừa mới, vừa khó, đòi hỏi quá trình chuyển đổi về cách thức quản trị, điều hành dựa trên khai thác tối ưu, thông minh, nguồn lực mới về công nghệ. TP Hà Nội đang tập trung vào 3 trụ cột, đó là: Chính phủ số, chính quyền số, thúc đẩy phát triển: Kinh tế số, Xã hội số, Công dân số. Cả 3 trụ cột đó đã được Hà Nội quan tâm, tiến hành triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII đã đặt ra nhiệm vụ rất lớn về CĐS. Thường vụ Thành ủy cũng ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về CĐS, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nêu bật vai trò của người đứng đầu cấp ủy trong nhiệm vụ này.

Chuyển đổi số ở Hà Nội: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả
Lãnh đạo TP Hà Nội khai trương Trung tâm Dữ liệu Hà Nội

Để có kết quả ban đầu đáng khích lệ như thời gian qua, Sở TT&TT đã tham mưu thành phố ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng TP Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Bên cạnh đó, Sở cũng trình TP ban hành Kế hoạch 310/KH-UBND về triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số điển hình tại các cơ quan nhà nước TP Hà Nội, để khuyến khích những mô hình về CĐS cấp huyện, thị xã, thị trấn, để chính quyền các cấp có giải pháp, mang lại lợi ích cho người dân trên địa bàn. Đó là cách làm đúng hướng vì bài toán CĐS cần có trách nhiệm cơ quan Nhà nước, đòi hỏi triển khai bài bản, khoa học và căn cơ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Bộ TT&TT.

Vừa qua, với việc triển khai Đề án 06, Hà Nội góp phần thành công cho đề án và được Chính phủ ghi nhận. Chúng ta đã hoàn thành giải quyết thủ tục hành chính liên thông 3 cấp trên cơ sở cung cấp những dịch vụ công trực tuyến đầy đủ được thực hiện hoàn chỉnh.

Hà Nội là một trong những thành phố được Ban Chỉ đạo Đề án 06 giao thí điểm cấp lý lịch tư pháp qua phần mềm VneID rất thành công. Bây giờ, trung bình một ngày có 700 - 800 trường hợp đề nghị cấp lý lịch tư pháp qua VNeID.

Trên cơ sở thành công của Hà Nội và Thừa Thiên - Huế, Thủ tướng Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai cấp lý lịch tư pháp qua VneID trên quy mô toàn quốc. Có thể thấy, Hà Nội rất chủ động và thành công với Đề án 06 rất rõ rệt, trong đó có vai trò tham mưu của Sở TT&TT, các Sở, ngành và Văn phòng UBND, quận, huyên, thị xã…

Chuyển đổi số ở Hà Nội: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả

Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng

Từ Kế hoạch 310, rất nhiều quận, huyện đã chủ động kêu gọi, phát huy, thúc đẩy sự sáng tạo của các đơn vị CĐS. Ví dụ: Các quận, huyện hỗ trợ người dân tiếp cận với mô hình TMĐT để bán sản phẩm OCOP; khai báo, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; khai thuế, nộp thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc kinh doanh….

Trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, Kinh tế số, Xã hội số, Hà Nội đã làm “đều tay”. Và kết quả là chỉ số CĐS của Hà Nội tăng rất mạnh trong năm qua. Năm 2022: tăng 16 bậc so với 2021; Năm 2023 tiếp tục được ghi nhận.

Có thể khẳng định, Hà Nội đã đạt được những thành công ban đầu trong CĐS. Đó là tín hiệu đáng mừng, đáng khích lệ. Điều đó chứng tỏ rằng, cách đặt vấn đề, cách đi của thành phố là đúng hướng, đã lan tỏa được sự quan tâm tới tất cả các tầng lớp, từ chính quyền, cơ quan đoàn thể, xã hội và người dân.

- PV: Thưa đồng chí, Hà Nội có địa bàn rộng, đông dân, lại mang đặc thù là Thủ đô, vậy công cuộc CĐS của thành phố gặp những thách thức gì?

- Đồng chí Nguyễn Việt Hùng: Hà Nội không nằm ngoại lệ thách thức về nguồn nhân lực khi CĐS. Vì con người cần thời gian đào tạo, trưởng thành nhưng nếu không làm thì không bao giờ có kết quả. Chúng ta làm từng bước, chắc chắn. Để có thành công, Hà Nội vừa làm căn cơ nhưng cũng phải có sáng kiến, kết quả tức thời.

Đến thời điểm này, tôi cho rằng Kế hoạch 310 thành công, đã khuyến khích, động viên sự quan tâm của các quận, huyện, thị xã, phường, xã… các cấp chính quyền hưởng ứng mạnh mẽ, đem lại kết quả thiết thực cho người dân. Chuyển đổi số là một quá trình, là sự nỗ lực, là kiên trì, tập trung với mục đích duy nhất: Vì Nhân dân, doanh nghiệp, văn minh hơn, chính quyền phục vụ hiệu quả hơn, minh bạch hơn.

Chuyển đổi số ở Hà Nội: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả
Người dân Hà Nội đã quen với thanh toán không dùng tiền mặt

- PV: Với vai trò tham mưu cho thành phố, Sở TT&TT đã có kế hoạch như thế nào để giải quyết vấn đề về nhân lực số, một “điểm nghẽn” mà Hà Nội đang gặp phải, thưa đồng chí?

- Đồng chí Nguyễn Việt Hùng: Trong những kế hoạch trình thành phố, chúng tôi có kế hoạch về nhân lực chuyển đổi số, đặt ra nhiệm vụ với ngành Nội vụ và Thông tin truyền thông là phải có những giải pháp thu hút nhân lực tốt về công nghệ thông tin làm trong bộ máy chính quyền. Điều này không đơn giản. Chúng ta phải rà soát vị trí việc làm liên quan đến CĐS trong cơ quan Nhà nước, nhất là phường, xã.

Bởi lẽ, ở cấp phường, xã rất khó thu hút có người có trình độ chuyên môn về công nghệ vì thu nhập thấp hơn so với cùng vị trí ở ngoài khu vực tư nhân. Khó, song chúng ta vẫn quyết làm. Ngay cả trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đã có những chính sách thu hút, tăng thu nhập cho những nhân tài, công nghệ cao.

Tôi nghĩ rằng, bằng những giải pháp đồng bộ, chúng ta sẽ dần dần tháo gỡ khó khăn. Còn trước mắt, chúng ta có cách làm: Thuê dịch vụ công nghệ thông tin, khi đó thuê cả giải pháp, cả con người, phần cứng, vận hành và nguồn lực của doanh nghiệp trong phạm vi nhiệm vụ đó. Đó là sáng kiến hay để vượt qua khó khăn trước mắt.

Đơn cử như Trung tâm Dữ liệu mới của thành phố theo công nghệ điện toán đám mây, chúng ta áp dụng hình thức thuê dịch vụ, có nghĩa là thuê hạ tầng phần cứng, thuê cả quản trị vận hành và nguồn lực của hệ thống vì công chức nhà nước chưa thể đáp ứng yêu cầu vận hành hệ thống lớn và phức tạp như vậy. Khi triển khai dưới hình thức như vậy, thì chuyên gia vận hành hệ thống đó cung cấp cho cơ quan Nhà nước phương án vận hành tối ưu. Mô hình này của Hà Nội được Chính phủ đánh giá cao.

- PV: Nếu đánh giá về quá trình chuyển đổi số nói riêng và thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nói chung, đến nay, đồng chí có thể nói gì?

- Đồng chí Nguyễn Việt Hùng: Nổi trội nhất đó là sự thay đổi nhận thức của hệ thống chính quyền, cấp ủy các cấp về CĐS. Sự thay đổi nhận thức thông suốt đã biến thành sức mạnh tổng hợp của hành động. Kết quả là một số hệ thống thông tin của thành phố đã hoàn thành và phục vụ người dân, như hệ thống thông tin phục vụ hành chính, hệ thống chia sẻ dữ liệu thành phố, một số cơ sở chuyên ngành, hệ thống hồ sơ điện tử, học bạ điện tử, hệ thống ứng dụng công dân số IHanoi… đã được vận hành.

Sở TT&TT Hà Nội đang trình thành phố Đề án xây dựng thành phố thông minh, trong đó có chiến lược về dữ liệu. Muốn xây dựng TP thông minh thì dữ liệu số rất quan trọng. Khi chúng ta tạo lập tổng hợp, chia sẻ dữ liệu đầy đủ thì sẽ chúng ta ra quyết định sáng suốt nhất dựa vào dữ liệu thực tế. Kho dữ liệu đó là tài nguyên phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước; người dân, doanh nghiệp sẽ khai thác dữ liệu đó ở nhiều khía cạnh, từ đó xây dựng xã hội thông minh.

Bên cạnh đó, phải thấy rằng, quá trình CĐS của Hà Nội đánh dấu vai trò to lớn của Tổ công nghệ số cộng đồng. Uy tín của Tổ trưởng dân phố, lãnh đạo về hưu đã thu hút lực lượng các bạn trẻ, lực lượng công an địa phương… giúp bà con sử dụng, khai thác dữ liệu số, ứng dụng số.

Cách mạng số ở Hà Nội: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả
Trung tâm Dữ liệu TP Hà Nội

Sở TT& TT đã tham mưu cho thành phố kiện toàn mô hình Tổ chuyển đổi số cộng đồng và thiết lập kênh Zalo OA Tổ chuyển đổi số cộng đồng để thông tin về tình hình CĐS của TP. Thời gian qua, các thành viên của Tổ CĐS cộng đồng đã hoạt động tích cực. Về lâu dài, chúng ta cần có chế độ đãi ngộ cho lực lượng này.

Nếu chỉ có thể nói một câu ngắn gọn về dấu ấn chuyển đổi số của Hà Nội trong năm qua, tôi xin kết bằng 4 cụm từ: Quyết tâm, thiết thực, lan tỏa và hiệu quả.

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

Thái Sơn (thực hiện)

Bình luận

Phiên bản di động