e magazine
14/01/2025 11:32
Hai “cuộc đại cách mạng” của đất nước

14/01/2025 11:32

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển, thịnh vượng của dân tộc.
Hai “cuộc cách mạng” của đất nước

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy và cách mạng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển, thịnh vượng của dân tộc.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả"; đẩy mạnh sắp xếp, triển khai tinh gọn tổ chức bộ máy theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Hàng loạt văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, cũng như các phát biểu quyết liệt của cán bộ lãnh đạo cấp cao đã được chuyển hóa thành những kế hoạch hành động dứt khoát, thần tốc của cả hệ thống chính trị, được công khai với người dân cả nước.

Cho đến hiện nay, những gì đang diễn ra cho thấy hệ thống chính trị ở nước ta đã và đang quyết tâm cùng nỗ lực thay đổi toàn diện và triệt để về mô hình tổ chức bộ máy.

Không tinh gọn thì không phát triển được

Vấn đề tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đã được đề cập trong nhiều nhiệm kỳ Đại hội Đảng. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". Đến nay, việc triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả bước đầu, tạo chuyển biến tích cực trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong hệ thống chính trị.

Tuy nhiên, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chưa đồng bộ, tổng thể; tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, quan hệ công tác giữa nhiều cơ quan, bộ phận còn trùng lắp, chồng chéo, chưa rõ ràng, phân cấp, phân quyền chưa đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa cao.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước
Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Do vậy, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và Nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng tinh gọn về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị.

Theo yêu cầu của Tổng Bí thư Tô Lâm, các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện; phải thật khẩn trương triển khai các công việc theo tinh thần “vừa chạy vừa xếp hàng”, Trung ương không chờ cấp tỉnh; cấp tỉnh không chờ cấp huyện; cấp huyện không chờ cơ sở.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thừa nhận, do công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy là công việc rất khó khăn, nhạy cảm, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến mỗi con người trong từng tổ chức, nhất là trong việc đề xuất giải thể, sáp nhập một số cơ quan, tổ chức, nên cần phải có sự đoàn kết, quyết tâm cao, dũng cảm và cả sự hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của từng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Muốn vậy, phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tăng cường công tác tuyên truyền trong toàn hệ thống chính trị và xã hội về chủ trương, yêu cầu, nhiệm vụ tinh gọn bộ máy trong tình hình mới.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, phải thực hiện đồng bộ việc tinh gọn tổ chức bộ máy gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, Trung ương phải gương mẫu, các ban của Đảng phải gương mẫu, Quốc hội gương mẫu, Chính phủ gương mẫu, bởi không tinh gọn bộ máy không phát triển được.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đặt vấn đề: “Hiện nay đã là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả hay chưa? Câu trả lời là: Không thể chậm trễ hơn được nữa”.

Theo Tổng Bí thư, đây là vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm, càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước, vì đã nhiều Đại hội của Đảng từ các nhiệm kỳ trước từng đặt ra vấn đề này, đặc biệt là từ Đại hội XII đến nay.

Điều đó cho thấy, Đảng đã nhìn ra và thấy cần phải thực hiện nhưng quá trình triển khai chưa đạt mục tiêu đề ra. Đây thực sự là vấn đề khó, thậm chí rất khó, vì khi tiến hành tinh gọn bộ máy sẽ liên quan đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và đụng chạm tới lợi ích của một số cá nhân, tổ chức.

“Công việc phía trước rất bộn bề, khẩn trương. Thời gian không chờ đợi chúng ta. Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử bước vào kỷ nguyên vươn mình. Những công việc chúng ta làm hôm nay, sẽ quyết định tương lai. Chậm trễ là có lỗi với Nhân dân”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đề nghị từ Trung ương đến cơ sở phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm cao nhất để hoàn thành sớm việc tinh gọn tổ chức, bộ máy hệ thống chính trị.

Khoa học, công nghệ cũng phải cách mạng

Với người đứng đầu Đảng ta, đất nước không chỉ cần cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà cần cả cuộc cách mạng về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển, thịnh vượng của dân tộc.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, ngày 13/1, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là "chìa khóa vàng", là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta.

Tuy nhiên, phát triển khoa học, công nghệ và chuyển đổi số mới chỉ là "Phương tiện quan trọng" để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật.

Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đã chỉ ra những định hướng chiến lược và được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đồng thuận, xem đây như một "khoán 10" trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Sự ủng hộ này thể hiện khát vọng phát triển mãnh liệt và quyết tâm vươn lên của dân tộc.

"Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta có niềm tin mạnh mẽ rằng đột phá trong khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ là chìa khóa đưa đất nước tiến xa trên con đường hiện thực hóa khát vọng phát triển", Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học - công nghệ.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh luôn quán triệt xem đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là chiến lược lâu dài, chấp nhận độ trễ và rủi ro trong triển khai. Xem đây là khoản đầu tư, mà đầu tư thì chấp nhận có thắng có thua. Xem dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là "không khí và ánh sáng" của kỷ nguyên mới, là tư liệu sản xuất mới; chuyển đổi số là công cụ đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh, đổi mới lực lượng sản xuất. Đổi mới sáng tạo chính là "cây gậy thần" đạt tới thịnh vượng bền vững, với nhà khoa học giữ vị trí trung tâm.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, đột phá phải tiến hành ở cả lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, đó là những khoảng không gian vô tận, có nhiều miền hoang vu, có nhiều cơ hội để các trí thức, các nhà khoa học, người lao động biến"sỏi đá thành cơm". Nhưng hiện nay nên tập trung trên các lĩnh vực: Vật lý và năng lượng (cơ học lượng tử để có những sản phẩn ứng dụng như vi xử lý, laser, nano...) ; công nghệ thông tin và truyền thông; y học và sinh học (DNA, Gene, Vaccine, 3D..); công nghệ không gian; Công nghệ vật liệu, năng lượng và môi trường (năng lượng tái tạo, Pin Lithium-Ion, thu giữu và lưu trữ Carbon..); phát minh trong đời sống (3D, robot và tự động hóa, công nghệ thực tế ảo - VR và thực tế tăng cường - AR); công nghệ Blockchain, Internet vạn vật (IoT); thông tin địa lý; phân tích văn hóa số; giáo dục và đào tạo trực tuyến...

Đồng thời cần chuyển từ ứng dụng và làm chủ công nghệ sang xây dựng năng lực sáng tạo đột phá, tận dụng cơ hội từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 để "đi tắt, đón đầu" làm chủ tương lai. Triển khai Nghị quyết phải hướng vào những vấn đề thực tiễn đất nước đang đòi hỏi, thị trường và nền kinh tế đang cần. Những sản phẩm nghiên cứu phải được thương mại hóa, đăng ký được bản quyền.

Về hành động, cần xác định làm rõ Nhà nước làm gì? Doanh nghiệp làm gì? Trí thức, nhà khoa học làm gì? Toàn dân làm gì? Thụ hưởng như thế nào? Nhà nước cần tập trung 4 việc: Hoàn thiện thể chế, pháp lý để thực hiện đột phá, phát triển; xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ đột phá; tạo nguồn nhân lực phong phú, trí tuệ đủ năng lực để đột phá; đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu thông tin, bí mật, bí quyết, bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, bảo mật chủ quyền quốc gia, phát triển độc lập.

Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đưa ra nhiều nhóm nhiệm vụ, giải pháp, nhất là những nhiệm vụ đột phá. Trong đó, xác định phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ chiến lược của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Trung ương đã gương mẫu hành động, với chương trình hành động kèm theo được quán triệt ngay hôm nay. Các cấp ủy, chính quyền cần cụ thể hóa Nghị quyết bằng các kế hoạch sát thực tiễn, lấy kết quả triển khai làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng. Mọi nhiệm vụ sẽ được giám sát, đánh giá thường xuyên; làm tốt được khen thưởng, làm chậm hoặc sai phạm sẽ bị phê bình, xử lý. Lãnh đạo yếu kém, thiếu trách nhiệm sẽ bị thay thế ngay, không để đất nước lỡ cơ hội phát triển.

"Các cấp ủy, chính quyền, đơn vị cần lập kế hoạch cụ thể, bám sát mục tiêu Nghị quyết 57, với nhiệm vụ rõ ràng, phân công cụ thể, thời gian hoàn thành và kết quả đo lường được. Ngay trong năm 2025 này, cần phải lựa chọn và giải quyết những vấn đề rất căn cơ, tạo nền tảng cho giai đoạn 2026-2030, tạo cú hích cho năng xuất lao động mới, tạo niềm tin cho xã hội", Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Đồng thời phải rất khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách. Trong năm 2025, càng sớm càng tốt phải hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật, cơ chế chính sách, tháo gỡ hết các điểm nghẽn, rào cản để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giải phóng tối đa sức sáng tạo, khuyến khích dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm (những quy định nào cần loại bỏ thì bỏ luôn, luật nào phải sửa thì sửa luôn, đồng bộ, thống nhất, tinh thần là thông thoáng, 1 nội dung chỉ quy định ở 1 luật. Cần có tư duy mới, cách tiếp cận trong sửa đổi Luật công nghệ thông tin, Luật khoa học và công nghệ, Luật ngân sách Nhà nước, Luật Quản lý sử dụng tài sản công và Luật Viên chức đồng bộ hóa các qui định pháp luật có liên quan). Chúng ta khuyến khích người năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trước hết phải bằng chính các quy định của pháp luật, tạo không gian cho người quản lý quyết định và chịu trách nhiệm.

Theo Tổng Bí thư, Bộ Chính trị đã định hướng đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, đảm bảo linh hoạt, hiệu quả, và tinh thần này sẽ được thể chế hóa trong Luật sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến được Quốc hội thông qua sớm. Ban cán sự đảng Chính phủ cần phối hợp với Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ xây dựng 27 luật và 19 nghị định trong năm 2025, đảm bảo thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và ban hành sớm văn bản hướng dẫn để các quy định mới sớm đi vào thực tiễn. Hoàn thiện thể chế phải đi đôi với tổ chức thực hiện hiệu quả, có cơ chế giám sát và đánh giá chặt chẽ, nhất là với đội ngũ cán bộ thực thi. Loại bỏ ngay tình trạng "trên rải thảm, dưới rải đinh" và loại bỏ tư duy nhiệm kỳ, đố kỵ, hay bình quân chủ nghĩa.

"Chúng ta phải biết cách "đứng trên vai của những người khổng lồ". Thu hút đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn, tạo cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực học hỏi, tiếp thu, làm chủ, cải tiến tri thức, công nghệ của thế giới", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Bước chuyển mình quan trọng của đất nước

Cũng phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong kỷ nguyên mới, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn chặt với chuyển đổi số, đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu. Trong đó, khoa học công nghệ là nền tảng, đổi mới sáng tạo là động lực, huyển đổi số là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể. Những tư tưởng này thể hiện rất rõ Nghị quyết số 57-NQ/TW. Để thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW, thì có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.

Thủ tướng khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghị quyết số 57-NQ/TW có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững. Nghị quyết giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững.

Đây cũng là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước; thúc đẩy phát triên kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới; góp phần đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.

"Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu, to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được. Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới", Thủ tướng nói.

Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".

Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW được xây dựng tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.

Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng cho biết, Chính phủ xác định 7 nhóm nhiệm vụ chủ yếu trong Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Trong đó, trước hết là nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Đồng thời, Chính phủ cũng quyết liệt hoàn thiện thể chế, xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển, đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hạ tầng cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số sẽ được tăng cường đầu tư. Nhân lực chất lượng cao, nhân tài sẽ được trọng dụng đáp ứng yêu cầu phát triển lĩnh vực này.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước.

Theo người đứng đầu Chính phủ, các cơ quan Nhà nước sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, quản lý nhà nước, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Bên cạnh đó, hoạt động khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong doanh nghiệp sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Việt Nam cũng sẽ tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Hợp tác quốc tế là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến. Chính phủ đặt mục tiêu xây dựng các chiến lược hợp tác quốc tế toàn diện, nâng cao vị thế của Việt Nam trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế", Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đề nghị các cơ quan trong hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương cần đặc biệt chú trọng tổ chức triển khai thực hiện, bảo đảm chủ động, kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào ra việc đấy, làm việc nào dứt việc đó"; chú trọng phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả", "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung" và phương châm "Đảng chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi"; thường xuyên kiểm tra, đánh giá, giám sát thực hiện; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, từng tổ chức, cơ quan, đơn vị và từng cá nhân liên quan.

Vuột mất cơ hội, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và Nhân dân

Ở góc độ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá 15 đến nay, qua rà soát bước đầu cho thấy pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn 2 nghị định chưa được sửa đổi hoặc thay thế, 1 thông tư chưa được ban hành; pháp luật về chuyển đổi số cũng còn 4 nghị định và 1 Thông tư chưa ban hành theo tiến độ.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước

Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với Nhân dân.

Trên cơ sở Chính phủ trình và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Quốc hội sẽ cho ý kiến, xem xét thông qua các dự án luật trong 6 lĩnh vực trọng tâm: Về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, công nghệ số: hoàn thiện 8 luật.

Về đầu tư và tài chính sẽ rà soát, hoàn thiện 12 luật. Về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực rà soát, sửa đổi, hoàn thiện 11 luật. Về doanh nghiệp, thương mại: rà soát, hoàn thiện 3 luật. Về bảo đảm an ninh, an toàn trên không gian mạng, môi trường số, rà soát hoàn thiện 3 luật.

Về chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh xây dựng, vận hành Quốc hội số, Chính phủ số, Chính quyền số. Ngoài ra, tiếp tục rà soát, xây dựng mới các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Trên tinh thần đó, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức rà soát hệ thống pháp luật có liên quan; thể chế đầy đủ, kịp thời, đồng bộ theo đúng yêu cầu của Nghị quyết 57. Tổ chức phân công theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo việc thực hiện Nghị quyết; chỉ rõ những kết quả đã làm được, việc chưa làm được, việc chưa đạt yêu cầu, giải pháp khắc phục và cá thể hoá trách nhiệm. Trước mắt là khẩn trương phối hợp chuẩn bị, tích cực triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị HĐND các cấp căn cứ tình hình thực tiễn, phối hợp ban hành cơ chế, chính sách theo thẩm quyền để khuyến khích, thúc đẩy phát triển nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Bên cạnh đó, trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổ chức giám sát việc thực hiện.

Theo Chủ tịch Quốc hội thực tiễn của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, Nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước.

Trên tinh thần đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương là: thời điểm hiện nay đất nước đã có đủ thế và lực, đủ ý chí và quyết tâm để bước vào kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

"Mọi cơ hội đang đến với chúng ta phải được nắm bắt kịp thời, bởi nếu để vuột mất, chúng ta sẽ có lỗi với lịch sử và với Nhân dân", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Hai “cuộc cách mạng” của đất nước

Thực hiện: VĂN HUY

Hậu Lộc