Tổng Cục Phòng, chống thiên tai:

Chủ động, quyết liệt trong công tác phòng chống thiên tai

Trong năm 2019 vừa qua, mặc dù thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt như những năm trước nhưng lại mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường. Thống kê của Tổng Cục Phòng, chống thiên tai cho thấy, năm vừa qua nước ta phải hứng chịu 16/21 loại hình thiên tai gây ảnh hưởng nặng nề tới tình hình sản xuất nông lâm thủy sản và đời sống của bà con nhân dân tại khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Không để bị động với công tác ứng phó sự cố, thiên tai Khủng hoảng khí hậu liên quan đến ít nhất 15 thảm họa có mức thiệt hại từ 1 tỷ USD trở lên Mùa khô 2019-2020: Khô hạn, thiếu nước sẽ diễn ra trên diện rộng

Triển khai toàn diện công tác phòng chống thiên tai

Theo thống kê của Tổng Cục Phòng, chống thiên tai, trong năm vừa qua nước ta phải hứng chịu 16/21 loại hình thiên tai, trong đó có 7 cơn bão và 4 cơn áp thấp nhiệt đới, 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; 8 đợt nắng nóng; 63 trận mưa lớn, ngập lụt; 13 trận động đất; sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển nghiêm trọng tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long…

chu dong quyet liet trong cong tac phong chong thien tai
TS. Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai tại bản Poong, tỉnh Thanh Hóa

Trong đó, đặc biệt nghiêm trọng là Bão số 3 gây mưa rất lớn cục bộ Mường Lát (Thanh Hóa) 454mm, Quan Sơn (Thanh Hóa) 358mm, gây lũ quét đặc biệt nghiêm trọng tại Quan Sơn, Thanh Hoá, làm 16 người chết và mất tích; thiệt hại riêng tại tỉnh Thanh Hoá ước tính 924 tỷ đồng. Gió mùa Tây Nam kết hợp triều cường gây nước dâng tràn đỉnh và thiệt hại nghiêm trọng đê biển Tây, tỉnh Cà Mau; gây mưa lũ lớn ở Tây nguyên giữa tháng 9/2019 làm 12 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất trên 1.155 tỷ đồng.

Hay như trận mưa lớn lịch sử tại Nghệ An, đặc biệt là TP Vinh với tổng lượng 700mm/24h vượt mức lịch sử năm 1989 (597mm/24h), gây ngập lụt nghiêm trọng tại thành phố Vinh và các huyện lân cận.Hoàn lưu áp thấp nhiệt đới gây mưa rất lớn từ 900-1.000mm và lũ, ngập lụt nghiêm trọng trên BĐ3 + 1m tại các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị; mưa lũ làm 09 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất trên 1.766 tỷ đồng.Sạt lở nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu long với 564 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 834 km…

chu dong quyet liet trong cong tac phong chong thien tai
TS. Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai kiểm tra đê hữu trà lý tỉnh thái bình

Nhận định về công tác phòng chống thiên tai của nước ta trong những năm vừa qua, TS. Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Với sự chủ động, quyết liệt triển khai toàn diện công tác phòng chống thiên tai, thiệt hại do thiên tai năm 2019 đã giảm thiểu so với trung bình nhiều năm, nhất là những năm gần đây.

Cụ thể, trong năm vừa qua, cả nước có 131 người chết và mất tích (41 người do lốc sét, mưa đá; 43 người do mưa lũ; 34 người do lũ quét, sạt lở đất; 14 người do các thiên tai khác; giảm 40% so với năm 2018(224 người chết và mất tích)); 1.319 nhà bị đổ, trôi; 40.276 nhà bị hư hỏng và di dời khẩn cấp; 100.000 ha lúa và hoa màu bị ngập, thiệt hại; 24.000 ha cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ, gãy. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 7.000 tỷ đồng.

Có được những kết quả khả quan trong công tác phòng chống thiên tai nêu trên là do thời gian vừa qua, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục phòng chống thiên tai cùng các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện nhiều phương án nhằm ứng phó và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo đã tham mưu xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1270/QĐ-TTg ngày 3/10/2019 ban hành kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 76/NQ-CP của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai. Xây dựng tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai tại Thừa Thiên Huế; hỗ trợ nâng cao năng lực Văn phòng thường trực cấp tỉnh tại Nam Định; hướng dẫn nâng cao năng lực cho lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban chỉ huy cấp tỉnh cho 3 vùng miền cả nước…

chu dong quyet liet trong cong tac phong chong thien tai
TS. Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về phòng chống thiên tai cho lãnh đạo văn phòng thường trực BCH PCTT – TKCN cấp tỉnh khu vực miền Bắc

Cũng trong năm 2019, Ban Chỉ đạo đã ban hành 35 công điện, công văn và tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 công điện chỉ đạo. Đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại nặng (3 đợt với kinh phí đề xuất là 980 tỷ đồng cho 24 tỉnh); Nâng cấp cơ sở dữ liệu, hiện đại hóa công cụ hỗ trợ điều hành theo thời gian thực, hệ thống cảnh báo đa thiên tai, kết nối thông tin, dữ liệu, camera trực tuyến tới các vị trí trọng điểm phòng chống thiên tai.

Đặc biệt, công tác thông tin truyền thông trong phòng chống thiên tai đến tận người dân qua các phương tiện thông tin đại chúng, tin nhắn trên điện thoại di động, truyền thông qua mạng xã hội, qua câu chuyện truyền thanh, các tiểu phẩm ngắn, bài hát….Công tác truyền thông nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực cộng đồng, huy động nguồn lực, sự tham gia của toàn xã hội cũng được đẩy mạnh…

Dự kiến, sang năm 2020, Tổng cục Phòng chống thiên tai sẽ trình Phó Thủ tướng – Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành xây dựng hướng dẫn xây dựng và củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai cấp xã. Trong đó, xây dựng mô hình lực lượng xung kích phòng chống thiên tai tại cơ sở, thí điểm đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã ở các khu vực, trên cơ sở đó để nhân rộng.

chu dong quyet liet trong cong tac phong chong thien tai
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp báo ứng phó với bão số 4 (PODUL) vào ngày 28/8/2019

Mặc dù công tác phòng chống thiên tai trong những năm qua đã đạt được nhiều thành tích, tuy nhiên, theo nhận định của TS. Trần Quang Hoài, công tác chỉ đạo, điều hành của Ban Chỉ đạo, các thành viên Ban Chỉ đạo cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như một số nhiệm vụ phòng chống thiên tai cụ thể của từng bộ, ngành còn chưa được triển khai đồng bộ hoặc không đảm bảo tiến độ, nhất là việc xây dựng cơ chế, chính sách, lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào hoạt động của các ngành, các cấp, bảo hiểm rủi ro thiên tai triển khai còn hạn chế.

Bên cạnh đó qua việc kiểm tra tại một số địa phương thực hiện công tác phòng chống thiên tai còn hạn chế, mang nhiều tính hình thức do thời gian đi kiểm tra ít. Ngoài ra, một số hoạt động phòng chống thiên tai liên quan đến nhiều bộ, ngành còn chồng, chéo, phối hợp chưa được chặt chẽ, nhất là việc đào tạo, huấn luyện, tuyên truyền tại cơ sở.

Việc điều phối, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai của các bộ, ngành còn chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Nhiều bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ còn rời rạc, sự phối hợp, hiệp đồng chưa chặt chẽ; Việc hỗ trợ công cụ, trang thiết bị cho các thành viên để triển khai nhiệm vụ nhất là chỉ đạo tại cơ sở còn hạn chế,chưa có điện thoại vệ tinh, trang bị bảo hộ chuyên dụng… Những yếu tố này đã góp phần nảy sinh những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng chống thiên tai.

Sẵn sàng, chủ động ứng phó với mọi tình huống thiên tai

Trong những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi nhiệm vụ phòng chống thiên tai ngày càng cao. Để sẵn sàng chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra và giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản, đồng chí Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tổ chức thực hiện tốt các quy chế của Ban Chỉ đạo; tăng cường kiểm tra việc triển khai chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành, địa phương.

chu dong quyet liet trong cong tac phong chong thien tai
Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Cơ quan Hợp tác phát triển Đức (GIZ) phối hợp với UBND tỉnh Cà Mau tổ chức: “Lễ phát động phong trào trồng rừng ngập mặn và bảo vệ bãi ven biển ở một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 20/7/2019.

Cùng với đó là tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo trong các hoạt động phòng ngừa thiên tai, nhất là việc đôn đốc triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống thiên tai, xây dựng triển khai chính sách nhất là chính sách về huy động và triển khai nguồn lực khắc phục hậu quả, phục hồi, tái thiết sau thiên tai. Đồng thời nhân rộng mô hình tỉnh điển hình về phòng chống thiên tai và hoàn thành thành lập, hoạt động đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã.

Ngoài ra, trong giai đoạn tới, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Tổng Cục phòng chống thiên tai sẽ tăng cường tính chuyên nghiệp, bổ sung công cụ, trang thiết bị, phương tiện, nhất là trang thiết bị, phương tiện chuyên dùng đảm bảo hoạt động hiệu quả của Ban Chỉ đạo. Chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ việc xây dựng Trung tâm điều hành Quốc gia về phòng chống thiên tai…

Nếu làm tốt được các nhiệm vụ nêu trên, công tác phòng chống thiên tai của nước ta sẽ có những bước tiến mới giảm thiểu thiệt hại về người, tài sản. Đặc biệt là lực lượng, đội ngũ làm công tác phòng chống thiên tai ngày càng có nhiều kỹ năng ứng phó, xử lý các tình huống dị thường, cực đoan do thiên tai gây ra.

Thanh Hậu
Phiên bản di động