Chống ùn tắc giao thông, bắt đầu từ những “điểm đen”

Tắc trên mọi nẻo đường trong giờ tan tầm, từ đường lớn đến đường nhỏ, dù trời mưa hay trời nắng là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Thủ đô.
Tài xế ô tô lấn làn vượt ùn tắc gặp ngay CSGT Đường vành đai 2 đã thông xe, nhưng Ngã Tư Sở vẫn tắc nguyên như cũ

Bài 1: Thủ phạm gây ùn tắc giao thông Thủ đô?

Tắc trên mọi nẻo đường trong giờ tan tầm, từ đường lớn đến đường nhỏ, luôn là nỗi ám ảnh của rất nhiều người dân Thủ đô. Mặc dù, các ban, ngành của thành phố đã nỗ lực trong nhiều năm qua nhưng vẫn còn những điểm nghẽn cần thúc đẩy, đặc biệt là việc xóa bỏ những “điểm đen” về ùn tắc giao thông.

Ám ảnh ùn tắc giao thông

Hơn 3 năm sau khi “tậu” được căn nhà mới tại tòa chung cư CT13A, khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ (quận Hoàng Mai), nỗi ám ảnh thường trực của anh Trần Hoàng Nam cũng là nỗi “thống khổ” của nhiều người dân đang hằng ngày đi lại tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến là: Ùn tắc giao thông.

Để vượt qua quãng đường 10km từ nhà tới cơ quan đúng giờ yêu cầu, mỗi ngày anh Nam phải đi từ nhà lúc 6 giờ 30 phút sáng và thường xuyên trở về nhà khi vợ mệt mỏi vì chờ chồng về ăn cơm và cậu con trai gần 3 tuổi có nhiều hôm ngủ gật. Thậm chí, có những lần trời mưa, anh phải “nếm” cảm giác đói lả sau tay lái, nhìn thấy nhà mình nhưng phải đứng chôn chân, nhích từng centimet giữa "biển" xe chật cứng với những luồng giao thông xung đột tưởng chừng không có lối thoát.

Điều đáng nói, chẳng phải trong giờ cao điểm, thời gian gần đây ngay cả những hôm anh có việc đi sớm hơn một chút nhưng tình trạng đông đúc, ùn ứ tại nút giao Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến vẫn thường xuyên xảy ra. Có hôm ùn tắc kéo dài trên cung đường anh đi, xe ô tô chiếm 2/3 làn đường, xe máy đi 1/3 còn lại và lao hết lên vỉa hè chật cứng.

“Thực sự sau gần 3 năm trải nghiệm tôi bắt đầu cảm thấy không thể cứu vãn nổi tình trạng đi ngày càng sớm, về ngày càng muộn. Giải pháp mà vợ, chồng tôi nghĩ tới bây giờ là phải bán nhà chuyển nơi khác để tránh tắc đường”, anh Nam ngao ngán.

Nhiều tháng nay, vào các khung giờ cao điểm, nút giao thông Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu (quận Bắc Từ Liêm) thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài, đặc biệt là đoạn từ khu đô thị Goldmark City đến đường Hồ Tùng Mậu.

Đường Nguyễn Trãi một trong những điểm đen về un tắc giao thông ở Hà Nội
Đường Nguyễn Trãi một trong những "điểm đen "về un tắc giao thông ở Hà Nội

Ông Trương Việt Anh (tòa nhà R3, khu đô thị Ruby TNR Goldmark City) cho biết, có buổi sáng, ô tô lưu thông chiếm hết 4 làn đường, thậm chí leo cả lên vỉa hè khiến các phương tiện khác không còn lối đi. Ùn tắc khiến nhiều người phải chờ 4 - 5 nhịp đèn mới có thể lưu thông qua nút. Trong khi đó, thời lượng pha đèn xanh từ phía đường Nguyễn Cơ Thạch kéo dài chỉ có 20 giây khiến cho các phương tiện đi từ khu đô thị ra đường Hồ Tùng Mậu không kịp di chuyển. Hơn nữa, đoạn đường này có trường học, nhiều xe đưa đón học sinh nên tình trạng ùn tắc càng nghiêm trọng.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Văn Điều (huyện Thanh Trì) chuyên lái xe tải không ngày nào không chứng kiến cảnh ùn tắc trên các tuyến đường mình đi qua. Anh phải ghi nhớ thật kỹ những “điểm đen” như: Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo, đường Nguyễn Xiển, đại lộ Thăng Long - đường trên cao vành đai 3, cầu Định Công, cầu Tó, ngã tư Canh, dốc Vĩnh Hưng… để chủ động “né” cho an toàn. Dù vậy, anh vẫn không ít lần phải ngán ngẩm khi đứng giữa "biển" xe khổng lồ, không thể nhúc nhích. Đó là cầu Chương Dương ùn tắc kéo dài đến phố Nguyễn Sơn; Nút giao Ngã Tư Sở kẹt cứng qua khu đô thị Royal City, kéo đến tận Công ty Thuốc lá Thăng Long... Hay bốn, năm dãy xe ô tô xếp dàn hàng ngang tràn kín đường Trần Duy Hưng khiến các phương tiện muốn sang đường tại các điểm quay đầu không thể vượt qua.

Tắc cứng, đứng chôn chân giữa đường đã khiến nhiều người bị lỡ các cuộc họp của cơ quan, muộn những buổi học của con hay về nhà quá muộn… nhưng đáng ngại hơn đó là những chiếc xe cứu thương 115 chịu chung cảnh đứng im không nhúc nhích, dù ở nơi nào đó có bệnh nhân đang chờ đợi từng giây, phút để được cứu sống. Đó là những ánh mắt bất lực của lực lượng cứu hỏa khi tại một tuyến phố hay con ngõ nhỏ có những đám cháy cần được dập tắt. Đó cũng là sự mỏi mệt, hay bất lực của lực lượng Cảnh sát giao thông tại các nút giao thường xuyên xảy ra ùn tắc.

Có lần, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội Trần Anh Thắng chia sẻ với báo chí rằng, có những tình huống đáng buồn khi lực lượng cứu thương buộc phải đi trái đường để đến nơi xảy ra tai nạn giao thông nhưng không giúp được gì cho bệnh nhân. Ví dụ như, hồi 17h18 ngày 29/9/2020, khi xảy ra tai nạn giao thông ở 321 phố Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai), người dân đã gọi xe cấp cứu 115. Tuy nhiên, do tắc đường cục bộ tại cây xăng Lương Yên (quận Hai Bà Trưng), dù còi xe cấp cứu liên tục xin nhường đường nhưng vẫn không có tác dụng. Cảm thấy bất lực, lái xe Đào Tuấn Anh đã xin tín hiệu đi trái đường nhưng 40 phút sau khi xe đến thì bệnh nhân không chờ được nữa. Lúc này, tâm trạng của các y tá, bác sĩ hay lái xe đều cảm giác trĩu nặng...

Thực tế tình hình ùn tắc giao thông đang gây khó khăn nếu xảy ra sự cố cháy nổ hay xe cứu thương làm nhiệm vụ. Theo thông tin từ phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, trong vụ cháy xe Range Rover trên cầu Chương Dương xảy ra chiều 27/9/2020, Thượng úy Phan Đức Hùng và Nguyễn Quang Vinh, Đội Cảnh sát giao thông số 5 đã phải hỗ trợ chặn xe từ hai phía, đồng thời liên tục cảnh báo để 2 xe cứu hỏa của Công an quận Long Biên chạy ngược chiều nhanh chóng tiếp cận hiện trường làm nhiệm vụ.

Hà Nội còn 26 “điểm đen” về ùn tắc giao thông

Theo đại diện Sở Giao thông vận tải Hà Nội, các điểm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố đang giảm dần qua các năm. Năm 2017, thành phố còn 37 điểm ùn tắc (xử lý được 17 điểm, phát sinh mới 13 điểm); Năm 2018, còn 33 điểm sau khi đã xử lý được 12 điểm và để phát sinh thêm 8 điểm. Trong năm 2020, liên ngành Giao thông vận tải và Công an TP Hà Nội đã xử lý được 8/34 điểm ùn tắc trên địa bàn Thủ đô, còn 26 điểm chờ được xử lý. Đáng lưu ý, trong 26 điểm ùn tắc còn tồn tại, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đặt mục tiêu xử lý nhiều điểm ùn tắc nghiêm trọng như Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt; Nút giao cầu 361 - Nguyễn Khang; Điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu; Đường vành đai 3 đoạn nút giao Big C; Nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ; Nút giao Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.

Hiện nay, Hà Nội quản lý tổng số 7.160.052 phương tiện giao thông, trong đó có 6.122.936 xe máy, 167.211 xe máy điện, 869.905 ô tô, chưa tính khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành phố cùng tham gia giao thông tại Thủ đô. Tốc độ tăng trưởng ô tô là 10,2%/năm, của xe máy là 5,5%/năm.

Chống ùn tắc giao thông, bắt đầu từ những “điểm đen”
Trong năm 2020, toàn TP Hà Nội đã xóa 8 "điểm đen" ùn tắc, hiện còn tồn tại 26 điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm

Hiện nay, tỷ lệ đất dành cho giao thông của thành phố Hà Nội khoảng 10,07%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh mới được gần 1% trong khi đó theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy hoạch phát triển giao thông vận tải thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 519/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 thì đất dành cho giao thông phải đạt từ 20 - 26%, trong đó giao thông tĩnh đạt 3% - 4%.

Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, với hiện trạng này, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố là điều khó tránh khỏi và dự báo sẽ ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Những câu chuyện buồn, tình huống khó xử lý, tâm trạng mệt mỏi luôn thường trực với mỗi người dân khi ra đường bị nhấn “chìm” trong dòng phương tiện tại các điểm ùn tắc giao thông. Câu hỏi chung của mỗi người khi tham gia giao thông lúc này là: Bao giờ thì mới hết khổ do tắc đường?

(Còn nữa)

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động