Chơi hụi, họ có vi phạm pháp luật không?
Theo Luật sư của Văn phòng Luật Dương Gia, chơi hụi, họ không phải là một hình thức bị pháp luật ngăn cấm nhưng để tránh trường hợp vi phạm pháp luật cũng như để tránh trường hợp quyền và lợi ích bị ảnh hưởng thì người dân tham gia hình thức này cần phải nắm rõ những quy định mới nhất của pháp luật.
Cụ thể, Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: họ, hụi, biêu, phường được xác định là một hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán được thực hiện dựa trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người cùng tập hợp lại với nhau để định ra số người chơi, thời gian tham gia, số tiền hoặc tài sản khác, phương thức góp, cách thức lĩnh hụi cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên.
Căn cứ Điều 3 Nghị định 19/2019/NĐ-CP thì việc tổ chức hụi phải tuân theo các nguyên tắc sau:
+ Đảm bảo việc tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự;
+ Mục đích của việc tổ chức hụi là nhằm tương trợ lẫn nhau giữa những người cùng tham gia;
+ Nghiêm cấm thực hiện hành vi lợi dụng việc tổ chức hụi để cho vay lãi nặng, có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động nguồn vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Hụi, họ có phải giao dịch vi phạm pháp luật? Ảnh minh họa |
Điều kiện tham gia hụi:
+ Điều kiện để trở thành thành viên của hụi:
Cá nhân muốn là thành viên của hụi thì phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự. Tuy nhiên đối với trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà có tài sản riêng thì có thể là tham gia chơi hụi, thành viên của dây họ, nếu tài sản là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu thì phải được người đại diện theo pháp luật của mình đồng ý. Ngoài ra cần đảm bảo các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây họ.
+ Điều kiện để thành viên của hụi làm chủ hụi là: phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự. Nếu các thành viên của hụi tự tổ chức dây hụi thì chủ hụi pahir đảm bảo điều kiện là người được hơn 1/2 thành viên trong hụi bầu, trừ trường hợp các thành viên trong hụi có thỏa thuận khác so với quy định này và chủ hụi phải đảm bảo các điều kiện khác theo thỏa thuận của những người tham gia dây hụi.
Thỏa thuận về dây hụi:
Các thỏa thuận về dây hụi phải được lập thành văn bản, kể cả việc sửa đổi, bổ sung sau khi đã ban hành văn bản thỏa thuận. Theo quy định của pháp luật thì văn bản thỏa thuận về dây hụi không cần công chứng, chứng thực nhưng nếu các bên có yêu cầu thì vẫn có thể thực hiện.
– Trong văn bản thỏa thuận về dây hụi phải đảm bảo các nội dung bắt buộc phải có như sau:
+ Thông tin cá nhân của chủ họ bao gồm: họ và tên, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân/số hộ chiếu; ngày, tháng, năm sinh; nơi cư trú;
+ Số lượng thành viên, họ, tên, số chứng minh nhân dân hoặc số căn cước công dân hoặc số hộ chiếu, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của từng thành viên;
+ Phần đóng góp hụi; phương thức góp, lĩnh hụi.
+ Thời gian diễn ra dây họ, thời gian của kỳ mở hụi;
– Các nội dung có thể thỏa thuận thêm:
+ Lãi suất (chỉ áp dụng đối với hụi có lãi); mức hoa hồng của chủ họ được hưởng (áp dụng với hụi có hưởng hoa hồng);
+ Giao phần hụi cho thành viên;
+ Việc ký quỹ hoặc các biện pháp bảo đảm việc thực hiện các nghĩa vụ khác của chủ hụi;
+ Thỏa thuuận về phương thức, điều kiện, thời điểm gia nhập, rút khỏi dây hụi, chấm dứt dây hụi;
+ Trách nhiệm của chủ hụi, thành viên khi vi phạm nghĩa vụ và các nội dung khác.
Việc gia nhập, rút khỏi, chấm dứt dây hụi:
– Gia nhập dây hụi:
Mội cá nhân có thể được tham gia dây hụi khi:
+ Nhận được sự đồng ý của người chủ hụi và tất cả các thành viên của dây hụi;
+ Có tài sản đủ để góp phần hụi theo thỏa thuận của các bên tính đến thời điểm tham gia.
Tuy nhiên nếu trong văn bản thỏa thuận về dây hụi có các quy định về điều kiện khác thì cá nhân cũng phải tuân theo.
– Rút khỏi dây hụi:
Khi một thành viên của dây hụi muốn rút ra khỏi dây thì phải thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Đối với thành viên đã được lĩnh hụi: được rút khỏi dây hụi khi đã đóng đầy đủ các phần hụi chưa góp và tiến hành giao cho chủ hụi hoặc giao cho thành viên giữ sổ hụi.
+ Đối với thành viên đã thực hiện việc góp hụi nhưng chưa được lĩnh thì sẽ được lĩnh các phần họ theo văn bản thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì được nhận lại các phần đã góp tại thời điểm kết thúc dây hụi hoặc phần hụi đã góp tại thời điểm rút khỏi dây hụi. Đồng thời phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả một phần tiền lãi đã được nhận (nếu hụi có lãi) và phải thực hiện các nghĩa vụ khác nếu có; ngoài ra thành viên mà gây thiệt hại cho hụi thì phải bồi thường.
+ Đối với người tham gia dây hụi chết thì các quyền và nghĩa vụ của người đó được giải quyết và thực hiện theo quy định của pháp luật về thừa kế. Đối với việc tham gia dây hụi của người thừa kế thực hiện theo thỏa thuận giữa người thừa kế và những người tham gia dây hụi.
– Chấm dứt dây hụi:
Dây hụi sẽ bị chấm dứt nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Sau khi mục đích chơi hụi của các thành viên đã đạt được;
+ Dựa theo thoả thuận trong văn bản thỏa thuận của những người tham gia;
+ Hoặc các trường hợp khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Đối với trường hợp dây hụi khi chấm dứt thì quyền và nghĩa vụ của những người tham gia sẽ được thực hiện theo thỏa thuận và theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy ta thấy đối với hình thức tham gia họ, hụi, biêu, phường mặc dù chỉ là một hình thức tổ chức tài chính của người dân giữa các cá nhân với nhau tuy nhiên hiện nay theo Nghị định 19/2019/NĐ-CP và Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định khác chi tiết và chặt chẽ về vấn đề tham gia họ, hụi, biêu, phường. Khi các cá nhân tham gia tổ chức, chơi hụi thì nên nắm vững và cập nhật những quy định mới nhất của pháp luật để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh trường hợp quyền lợi bị xâm phạm.