Chính phủ thấm thía vì hàng vạn doanh nghiệp giải thể, phá sản
Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp: Vì Việt Nam hùng cường! Thủ tướng sắp đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp |
Sáng nay 23/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp mang chủ đề "Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững".
Hội nghị có khoảng 1.000 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các địa phương, tổ chức, hiệp hội doanh nghiệp, và đại diện cho cộng đồng 700.000 doanh nghiệp tham dự. Đây là cuộc đối thoại lần thứ 3 với doanh nghiệp kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức năm 2016.
Bên lề Hộ nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp. Ảnh: Quang Hiếu. |
Mở đầu bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hôm qua Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có cuộc gặp mặt đoàn thể thao Việt Nam đã đạt thành tích xuất sắc tại SEA Games 30 với nhiều bộ môn lần đầu tiên đạt huy chương vàng, đặc biệt là bóng đá nam và nữ để nói về tinh thần xả thân. Với tinh thần này, người đứng đầu Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp sẽ có khát vọng để đưa Việt Nam cất cánh.
Theo người đứng đầu Chính phủ, sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp chắc chắn có phần trách nhiệm của Nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển sẽ phải không ngừng tìm cách giảm mức độ rủi ro và chi phí cho doanh nghiệp, đặc biệt là rủi ro do thể chế, chính sách và nhũng nhiễu của bộ máy hành chính gây ra.
Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ hiểu rằng bên cạnh thành công, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. "Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản, đã có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, Thủ tướng chia sẻ.
Trên cơ sở đó, Thủ tướng cho rằng, chúng ta cần tiếp tục hành động và hành động gấp để tháo gỡ khó khăn, rào cản cho doanh nghiệp phát triển tốt hơn; đồng thời cần phải gỡ những nút thắt, làm cho doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn, bền vững hơn.
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Chính phủ đề nghị các doanh nghiệp nêu các khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước…
Đặc biệt, Thủ tướng cũng nhấn mạnh về vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách. “Về thanh tra, kiểm tra chồng lấn tôi đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ có tổng kết để tháo gỡ sớm nhất”, Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp. “Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cần phải thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng khẳng định Chính phủ cam kết sẽ cùng tham gia, đồng hành, đối thoại thẳng thắn, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, trở ngại để doanh nghiệp Việt Nam có thể bứt phá trong những năm tới.
Trước đó, bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã cùng các đại biểu đã tham quan trưng bày các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị… của một số tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 11/2019, cả nước có 2.119 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 1,6% và tăng 8,6%; 4.230 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,6% và tăng 67,4%; 1.486 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,4% và giảm 4,4%; 3.081 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 64,4% so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 11 tháng năm nay, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 27,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 38,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,8%, trong đó có 15,8 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, 12,5 nghìn doanh nghiệp thông báo giải thể và 9,8 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể với cơ quan thuế. Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 11 tháng năm 2019 là 15 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 13,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 0,4%. Theo thống kê, doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 6,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,6 nghìn doanh nghiệp, giảm 21%; xây dựng có 1,4 nghìn doanh nghiệp, giảm 15,8%; kinh doanh bất động sản có 603 doanh nghiệp, tăng 38%; tài chính ngân hàng có 182 doanh nghiệp, tăng 26,4%. Ngoài ra, trong 11 tháng, trên cả nước còn có gần 41,5 nghìn doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước. |