Chính phủ đặt mục tiêu có 11 triệu tài khoản chứng khoán vào năm 2030
Cấm công ty chứng khoán “biến tướng” huy động vốn từ nhà đầu tư Thủ tướng: Không để xảy ra rủi ro, mất an toàn thị trường chứng khoán |
Theo đó, mục tiêu tổng quát của chiến lược là phát triển thị trường chứng khoán ổn định, an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, hội nhập; nâng cao khả năng chống chịu rủi ro, có cơ cấu hợp lý giữa các cấu phần thị trường, trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng, chủ yếu cho nền kinh tế; tăng cường liên kết và hội nhập quốc tế, từng bước thu hẹp về khoảng cách phát triển giữa Việt Nam so với thị trường chứng khoán các nước phát triển.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và đạt 120% GDP vào năm 2030. Dư nợ thị trường trái phiếu đạt tối thiểu 47% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP) vào năm 2025 và đạt tối thiểu 58% GDP (trong đó dư nợ trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP) vào năm 2030; thị trường chứng khoán phái sinh tăng trưởng trung bình khoảng 20% - 30% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2030.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030, trong đó tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.
Ảnh minh họa. |
Hoàn thành việc phân bảng cổ phiếu niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán trong năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025 nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi theo tiêu chuẩn phân hạng thị trường chứng khoán của các tổ chức quốc tế.
Tích cực hội nhập thị trường tài chính, chứng khoán thế giới, đáp ứng yêu cầu về an ninh tài chính, nâng cao khả năng cạnh tranh, quản trị rủi ro, đưa vào áp dụng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; hướng tới đạt trình độ phát triển của nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025.
Một trong những giải pháp của chiến lược là tăng cường năng lực quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu tăng cường triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các vụ việc có ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán, tăng cường giám sát liên thông giữa các cấu phần của thị trường chứng khoán.
Cùng với đó là tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Tăng cường năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán vận hành ổn định, trật tự, an toàn và minh bạch, hướng tới áp dụng hệ thống quản lý, giám sát thông minh dựa trên ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động lưu trữ, thống kê, phân tích dữ liệu, dự báo và giám sát thị trường chứng khoán.
Chính phủ cũng yêu cầu xây dựng cơ chế phối hợp giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan để tuyên truyền, giám sát thực thi các quy định pháp luật, giám sát liên ngành nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.