Chính phủ cho phép huy động tạm thời các dự án điện tái tạo chuyển tiếp

Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương rà soát các quy định để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành...
Bộ Công thương yêu cầu thống nhất giá điện gió, điện mặt trời trước ngày 31/3 EVN đối thoại với chủ đầu tư các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Trước đó, ngày 16/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về xây dựng khung khổ pháp lý liên quan đến năng lượng tái tạo và dự thảo cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA).

Sau khi nghe đại diện Bộ Công thương báo cáo, ý kiến của đại biểu tham gia cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã có kết luận, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 55).

Chính phủ cũng đã có Nghị quyết số 140/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 55. Trong đó giao nhiệm vụ Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo, thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025.

Trên cơ sở đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Năng lượng Tái tạo theo nhiệm vụ Chính phủ giao và theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2023.

Chính phủ cho phép huy động tạm thời các dự án điện tái tạo chuyển tiếp
Ảnh minh họa.

Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương nghiên cứu toàn diện kinh nghiệm quốc tế và trong khu vực để rà soát nội dung dự thảo cơ chế thí điểm DPPA áp dụng ở nước ta bảo đảm phù hợp với khung khổ pháp lý hiện hành, tính khả thi và hiệu quả chung.

Trên cơ sở đó, Bộ Công thương tổ chức hội thảo rộng rãi vào đầu tháng 4/2023 để tham vấn ý kiến các bộ, ngành, tổ chức (trong và ngoài nước) và một số chuyên gia, nhà khoa học có liên quan để hoàn thiện cơ chế thí điểm DPPA.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương rà soát, xử lý theo thẩm quyền các vấn đề liên quan đến xử lý chuyển tiếp đối với các dự án điện gió, điện mặt trời đã hoàn thành đầu tư xây dựng song chưa được vận hành.

Cụ thể, Bộ Công thương phải có hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đàm phán/thỏa thuận về giá phát điện giữa các bên theo các quy định đã được bộ ban hành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này trước ngày 31/3/2023.

Đặc biệt, Bộ Công thương rà soát các quy định hiện hành về hoạt động điện lực và pháp luật có liên quan để xem xét, hướng dẫn về việc huy động tạm thời phát điện các dự án chuyển tiếp đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật vận hành trong thời gian các bên mua bán điện thực hiện đàm phán/thỏa thuận giá phát điện theo các quy định.

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Công thương cũng vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thoả thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo Bộ Công thương, ngày 7/1/2023, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Ngày 9/1/2023, Bộ Công thương đã có văn bản số 107/BCT-ĐTĐL đề nghị EVN và các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp khẩn trương phối hợp thỏa thuận, thống nhất giá phát điện đảm bảo không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành.

Ngày 2/3/2023, Bộ Công thương có Văn bản số 1094/BCT-ĐTĐL hướng dẫn EVN căn cứ theo quy định tại Luật Điện lực, các nội dung phù hợp thực tế của nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp để thỏa thuận, thống nhất giá phát điện.

Căn cứ vào các hướng dẫn nêu trên, Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.

Hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.676MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch.

Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm. Số dự án này không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây.

Trong văn bản gửi Thủ tướng mới đây, 36 nhà đầu tư điện gió, mặt trời cho biết, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng.

Các nhà đầu tư đã phải chờ đợi trong thời gian dài để Chính phủ ban hành cơ chế giá phát điện mới, làm tiền đề cho việc thỏa thuận giá bán điện với EVN. Sau thời gian dài chờ đợi, các chính sách áp dụng cho các dự án chuyển tiếp gần đây đã được Bộ Công thương ban hành, với các văn bản như Thông tư 15, Quyết định 21 và Thông tư 01.

Tuy nhiên, các quy định tại Quyết định 21 và Thông tư 01 đã khiến nhà đầu tư lo lắng và quan ngại sâu sắc do các điểm bất cập về pháp lý cũng như về hiệu quả tài chính, làm nhà đầu tư có thể lâm vào tình trạng thua lỗ và phá sản.

Hậu Lộc
Phiên bản di động