Chế tài xử lý chiếm dụng quỹ bảo trì chung cư: TP HCM đề xuất công an vào cuộc
Cải tạo chung cư cũ quá chậm: Sửa quy định để gỡ khó Khẩn trương di dời người dân để xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm Lại "nóng" chuyện pháp nhân cho condotel, officetel, hometel… |
Theo Sở Xây dựng TP HCM, Luật Nhà ở 2014 và Luật Nhà ở 2015 quy định người mua căn hộ chung cư phải nộp phí bảo trì bằng 2% giá trị hợp đồng mua nhà tại thời điểm nhận bàn giao nhà. Chủ đầu tư có trách nhiệm bàn giao quỹ bảo trì nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư để quản lý, sử dụng sau hội nghị nhà chung cư lần đầu tiên, cùng với 2% kinh phí phần diện tích mà chủ đầu tư giữ lại, chưa bán được.
Nhiều lần có quyết định cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì từ UBND quận nhưng chủ đầu tư Athena Complex Phương Canh vẫn chây ì bởi chưa có biện pháp cưỡng chế cụ thể trong Luật (Ảnh: Các cư dân chăng biểu ngữ phản đối tại từng căn hộ) |
Tuy nhiên, thời gian vừa qua Sở Xây dựng TP đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh từ các Ban quản trị nhà chung cư trên địa bàn về việc chủ đầu tư chây ì, chậm bàn giao, bàn giao không đầy đủ, Ban quản trị nhập nhèm tiền quỹ bảo trì. Theo đó, Sở này đã lập Đoàn kiểm tra, tiến hành xử lý theo điều 66 Nghị định 139/2017/NĐ-CP đối với các trường hợp vi phạm trong việc bàn giao, sử dụng, quản lý kinh phí bảo trì.
Thế nhưng bởi Nghị định 139 không quy định chế tài đối với chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì không ít chủ đầu tư vẫn phớt lờ việc xử lý của Sở Xây dựng, không chịu trả quỹ bảo trì gây ra các bất đồng, tranh chấp, khiếu nại kéo dài tại các chung cư trên địa bàn.
Sở Xây dựng TP HCM đề xuất Đoàn đại biểu Quốc hội TP kiến nghị Quốc hội xem xét, hướng dẫn để thống nhất trong công tác triển khai, thực hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người dân. Đặc biệt, Sở này cũng đề xuất có thể chuyển sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý hành vi chiếm dụng tài sản của cư dân.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tranh chấp quỹ bảo trì đang leo thang không chỉ ở TP HCM mà còn xảy ra nghiêm trọng ở khắp các tỉnh thành, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội. Theo đó, để giải quyết các tranh chấp trên, Bộ Xây dựng hiện đang dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Nhà ở, trong đó có đề xuất sửa đổi quy định về quản lý 2% phí bảo trì nhà chung cư.
Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi quy định về 2% phí bảo trì
Thứ nhất, người mua, thuê mua nhà ở, chủ đầu tư phải đóng 2% phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại điều 108 của luật Nhà ở; khoản kinh phí này được tính trước thuế để nộp (Nhà nước không thu thuế đối với khoản kinh phí này). Chủ đầu tư phải mở một tài khoản vốn chuyên dùng có kỳ hạn tại một tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam để nhận tiền bảo trì do người mua, thuê mua, chủ đầu tư nộp theo quy định.
Thứ hai, chủ đầu tư phải ghi thống nhất tài khoản nhận phí bảo trì đã mở theo quy định tại khoản 1 điều này trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư ký với khách hàng (gồm số tài khoản, tên tài khoản và tên tổ chức tín chức tín dụng nơi mở tài khoản này); người mua, thuê mua trước khi nhận bàn giao nhà ở phải nộp 2% kinh phí bảo trì theo quy định vào tài khoản đã ghi trong hợp đồng này; nếu chủ đầu tư không thu kinh phí này mà vẫn bàn giao căn hộ hoặc diện tích khác trong nhà chung cư cho người mua, thuê mua, thì chủ đầu tư phải nộp khoản kinh phí 2% này.
Trao đổi với PV, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng, những đề xuất trong Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP là những kiến nghị mà nhiều năm qua HoREA đã đề xuất. Đây là những thay đổi chặt chẽ hơn để góp phần minh bạch quỹ bảo trì chung cư, giải pháp khả thi giảm tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân thời gian qua.
Đặc biệt, với chế tài “cưỡng chế thu hồi kinh phí bảo trì”, dự thảo của Bộ Xây dựng cũng đã giúp UBND cấp tỉnh có cơ sở cụ thể để thực hiện.