"Cặp bài trùng" giám đốc và kế toán mua bán hóa đơn khống

Kinh doanh gặp khó khăn, Tuấn chỉ đạo kế toán bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho đối tác với số tiền hơn 6,5 tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế: Xuất khống hàng trăm hóa đơn cho doanh nghiệp Quảng Nam: Khởi tố 2 giám đốc mua bán hóa đơn khống hàng chục tỷ đồng Công ty Pin Hà Nội sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
cap bai trung giam doc va ke toan mua ban hoa don khong

Từ kết quả điều tra, TAND TP Hà Nội đã tiếp nhận hồ sơ để tới đây sẽ đưa vụ án mua bán hóa đơn GTGT ra xét xử sơ thẩm. Các bị cáo trong vụ án này là Dương Văn Tuấn (SN 1964, trú tại xã La Phù, Hoài Đức, Hà Nội) - Giám đốc và Nguyễn Thị Mai Hương (SN 1984, ở phường Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội) – Kế toán Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Vico (gọi tắt là Vico).

“Căp bài trùng” nêu trên cùng bị VKSND TP Hà Nội ra cáo trạng truy tố về tội “Mua bán trái phép hóa đơn”, theo khoản 1, Điều 203-BLHS.

Cáo trạng truy tố các bị cáo xác định, Dương Văn Tuấn làm Giám đốc và Nguyễn Thị Mai Hương là Kế toán Công ty Vico. Năm 2013, Tuấn và Vũ Việt Hà – Giám đốc Công ty Đồng Việt Phú (tại Biên Hòa, Đồng Nai) ký hợp đồng nguyên tắc về việc Công ty Vico cung cấp hạt Vical phụ gia để sản xuất vải không dệt cho Công ty Đồng Việt Phú và chi nhánh doanh nghiệp này tại Bắc Ninh.

Quá trình kinh doanh, Vũ Việt Hà chỉ đạo Nguyễn Thị Hoàn (Kế toán Công ty Đồng Việt Phú) liên hệ mua hóa đơn GTGT khống của Công ty Vico để kê khai tăng thuế VAT hàng hóa đầu vào nhằm mục đích trốn thuế.

Cũng vào thời điểm này, Công ty Vico mới vận hành dây chuyền sản xuất hạt Vical, chất lượng sản phẩm không đồng đều, sai hỏng nhiều phải tiêu hủy và thừa hóa đơn GTGT đầu ra nên Tuấn đồng ý bán hóa đơn khống cho Công ty Đồng Việt Phú.

Theo đó, mỗi lần Hoàn liên hệ đặt mua hóa đơn GTGT khống thì Tuấn lại chỉ đạo Hương “alo” cho đối tác để thống nhất số tiền và loại mặt hàng cần ghi trong hóa đơn. Tiếp đến, Hà chỉ đạo nhân viên kế toán chuyển tiền cho Công ty Vico.

Khi nhận được tiền của Công ty Đồng Việt Phú, Tuấn đi rút ra, rồi giữ lại 10% số tiền ghi trên hóa đơn (tương ứng với số tiền thuế VAT phải nộp). Tuấn cũng chỉ đạo nhân viên dưới quyền gửi phát nhanh hóa đơn GTGT khống cho Công ty Đồng Việt Phú, đồng thời chuyển trả số tiền giao dịch giả tạo (sau khi đã giữ lại 10% VAT) qua tài khoản cá nhân của nhân viên doanh nghiệp đối tác.

Với thủ đoạn nêu trên, từ tháng 9/2013 đến tháng 10/2014, Tuấn đã bán 23 hóa đơn GTGT khống (không có hàng hóa) cho Công ty Đồng Việt Phú với tổng số tiền ghi trên hóa đơn khống gần 6,6 tỷ đồng. Trong đó, thuế VAT là hơn 598 triệu đồng.

Thực hiện hành vi phạm tội, Tuấn đã chỉ đạo kế toán của doanh nghiệp viết 20 hóa đơn GTGT khống cho đối tác với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng. Hương biết rõ các hóa đơn đó đều là khống, không có hàng hóa. Ngoài ra, Tuấn còn chỉ đạo một nhân viên khác viết 3 hóa đơn GTGT khống cho Công ty Đồng Việt Phú, số tiền 840 triệu đồng.

Mua được hóa đơn khống của Tuấn và đồng phạm, Hà đã sử dụng 14 hóa đơn GTGT để báo cáo quyết toán thuế cho Công ty Đồng Việt Phú tại tỉnh Đồng Nam và 9 hóa đơn còn lại, người này gửi ra chi nhánh tại Bắc Ninh. Những người có trách nhiệm tại chi nhánh Bắc Ninh của Công ty Đồng Việt Phú cũng đã sử dụng cả 9 hóa đơn khống đó để quyết toán thuế tại địa phương này.

Trước khi vụ án này bị cơ quan tố tụng Hà Nội điều tra, xử lý trước pháp luật, Vũ Việt Hà, Nguyễn Thị Hoàn và một số đối tượng liên quan đã bị Tòa án tỉnh Đồng Nai xử lý trong một vụ án khác về tội danh “Trốn thuế”. Do đó, cơ quan tố tụng không đề cập xử lý Hà, Hoàn ở vụ án mua bán trái phép hóa đơn này.

Nguồn: ANTĐ
m.anninhthudo.vn
Phiên bản di động