Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang: Điểm đen giao thông “không ngờ” tới
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang có chiều dài khoảng 45,8 km, điểm đầu tại lý trình Km113+985, Quốc lộ 1 cũ (nút giao Quốc lộ 31) thuộc địa phận TP. Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang và điểm cuối dự án tại lý trình Km159+100, Quốc lộ 1 (vị trí trạm thu phí Phù Đồng cũ) thuộc địa phận Huyện Gia Lâm, Hà Nội. Chủ đầu tư ban đầu là liên danh: Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú - Invest, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương, Tổng công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam, Công ty cổ phần Đầu tư và thương mại 319. Hiện, Công ty CP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang là đơn vị quản lý, vận hành. Giám đốc, ông Ngô Thành Long.
Cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã góp phần thúc đẩy sự phát triển công nghiệp, lưu thông hàng hóa, du lịch... cho những địa phương mà nó chạy qua. |
Dự án được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc có vận tốc thiết kế 100 km/h. Có 3 cầu vượt ngang trên tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ là cầu vượt Quốc lộ 37 (cầu vượt Đình Trám), cầu vượt tỉnh lộ 398, cầu vượt Hùng Vương được thiết kế với quy mô vĩnh cửu. Để hoàn vốn, dự án xây dựng 1 trạm thu phí hở tại lý trình Km 152+080 Quốc lộ 1 thuộc xã Phù Chẩn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh với 8 làn xe công nghệ 1 dừng có thể nâng cấp lên không dừng. Dự án đi vào hoạt động từ tháng 1/2016 và chính thức thu phí vào ngày 25/5/2016.
Mộ đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang chạy qua Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang |
Kể từ khi đi vào hoạt động, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã trở thành tuyến huyết mạch quan trọng bậc nhất đối với 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nói riêng, các doanh nghiệp và người dân ở các địa phương khác nói chung trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp, du lịch, đô thị, đặc biệt là tỉnh Bắc Giang.
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích to lớn về nhiều mặt mà tuyến cao tốc này mang lại thì vẫn còn đó một số vấn đề phát sinh “ngoài mong muốn” của chủ đầu tư cũng như chính quyền tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt là câu chuyện thiếu hàng rào ngăn cách giữa đường cao tốc và đường gom tại địa phận huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Điều này khiến nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do người dân, công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung… “thiếu ý thức” trèo qua dải lan can hiện tại để băng qua đường cũng như tình trạng xe khách ngang nhiên dừng đỗ đón trả khách tại chân cầu vượt Đình Trám (cầu vượt QL37).
Cảnh công nhân làm việc trong Khu công nghiệp Vân Trung trèo qua dải lan can ngăn cách đường cao tốc với đường gom khi tan giờ làm diễn ra thường xuyên |
Có mặt tại cổng Khu công nghiệp Vân Trung vào những ngày đầu tháng 4/2020, nhóm phóng viên ghi nhận hình ảnh rất nhiều công nhân chạy bộ băng qua đường cao tốc. N.T.M.A, hiện đang làm cho một công ty trong Khu công nghiệp Vân Trung, cho biết do ở trọ ngay bên kia đường nên thỉnh thoảng “mệt” và “lười” đi bộ qua cầu vượt nên chọn phương án như vậy mặc dù biết có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đã xảy ra ngay tại đoạn đường này.
Một nữ công nhân khác là H.T.Y.O cũng đang làm trong Khu công nghiệp Vân Trung giải thích, việc hay trèo qua dải lan can trên đường cao tốc để về nhà vì đó là con đường ngắn nhất về nhà trọ sau ca làm việc mệt mỏi.
Trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc sở GTVT Bắc Giang là ông Hoàng Văn Thanh cho biết: Dự án Cải tạo nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang (hay còn gọi là Cao tốc Hà Nội – Bắc Giang) sau khi hoàn thành đưa vào khai thác đã góp phần nâng cao năng lực vận tải và giảm thiểu nguy cơ tai nạn giao thông trên tuyến QL1. Tuy nhiên, đoạn từ cầu Xương Giang (TP Bắc Giang) đến cầu Như Nguyệt (TP Bắc Ninh) có rất nhiều Khu công nghiệp quy mô lớn nằm hai bên đường với số lượng công nhân mỗi khi tan ca lên tới hàng nghìn người dẫn tới tình trạng công nhân thường xuyên băng qua đường, gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông, đã có nhiều vụ tai nạn làm chết nhiều người xảy ra trên đoạn đường này.
Các công nhân đi bộ dọc đường cao tốc và chờ thời điểm "ít xe" ô tô để sang bên kia đường. Hàng chục vụ tai nạn giao thông thương tâm đã xảy ra. |
“Chúng tôi với đơn vị quản lý, vận hành đường cao tốc là Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang đã nhiều lần trao đổi, trực tiếp có, bằng văn bản có, thậm chí là họp cùng với tỉnh cũng như các đơn vị liên quan về vấn đề này. Gần nhất là ngày 16/1/2020, tôi ký công văn gửi công ty đề nghị lắp dựng hàng rào trên tuyến cao tốc cũng như lắp đặt bổ sung các biển báo, biển chỉ dẫn giao thông trên đường gom, gương cầu lồi tại cửa hầm giao thông dân sinh, đồng thời xem xét lắp đặt biển cấm ô tô qua một số hầm giao thông dân sinh vào giờ cao điểm….”
Chia sẻ thêm với phóng viên, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên trăn trở: Đối diện các Khu công nghiệp là nơi công nhân thuê ở trọ nên hàng ngày, cứ vào khoảng từ 17h trở ra là hàng nghìn công nhân sẽ về nhà bằng cách đi qua hầm chui, cầu vượt nhưng cũng có khá nhiều người lựa chọn phương án “băng qua đường” rất nguy hiểm bởi phương tiện di chuyển trên đường cao tốc đa phần chạy tốc độ cao, nếu xảy ra va chạm với người đi bộ sang đường trái luật thì hậu quả rất nặng nề. Vì vậy, huyện Việt Yên cũng đã kiến nghị nhiều lần với tỉnh, sở ngành và công ty là phải lắp hàng rào chắn giữa đường gom và đường cao tốc để giải quyết dứt điểm câu chuyện này.
Còn ông Nguyễn Văn Phương, PCT huyện Việt Yên phụ trách lĩnh vực giao thông nêu quan điểm: Để giảm tải ùn tắc giao thông và hạn chế tối đa tai nạn giao thông giữa người đi bộ và xe cơ giới trên "đường cao tốc", song song với việc kiến nghị làm hàng rào ngăn cách (theo ông Phương thì vị trí tốt nhất là điểm đầu từ cây xăng Khoa Giang (cách cầu vượt Đình Trám khoảng 800m) đến cầu vượt tỉnh lộ 398, đoạn ngã tư Tử thần) thì vừa qua, huyện đã phối hợp với sở GTVT cùng với các bên liên quan, thống nhất làm thêm một cây cầu vượt dành cho công nhân sang đường, cách cổng chính của Khu công nghiệp Vân Trung khoảng 800m về phía TP Bắc Giang.
Luật sư Thanh Phương, Giám đốc Công ty luật Tâm Minh (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng về thẩm quyền, chỉ có Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang mới có quyền duy tu, bảo trì, lắp đặt các biển báo, hàng rào chắn... trên đường cao tốc. Chính vì vậy, tỉnh Bắc Giang chỉ có thể đề nghị công ty này triển khai trên cơ sở hài hòa lợi ích của doanh nghiệp cũng như quy định của pháp luật.
"Theo tôi, mấu chốt của việc này đó là Công ty CP BOT Hà Nội - Bắc Giang phải nhanh chóng thống nhất được phương án với Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), là đơn vị quản lý về mặt nhà nước đối với các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc để xin chủ trương khảo sát, lập dự toán làm hàng rào ngăn cách, lắp đặt biển báo... như đề nghị của Sở GTVT tỉnh Bắc Giang. Sau khi được phê duyệt phương án thì nguồn kinh phí có thể dùng quỹ bảo trì hàng năm để chi trả", luật sư Phương nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.