Cảnh báo và can thiệp sớm để tránh khủng hoảng hệ thống ngân hàng
Cử tri đề nghị tăng tín dụng cho bất động sản: Ngân hàng Nhà nước nói gì? Doanh nghiệp xăng dầu gặp khó khăn không phải do tín dụng ngân hàng Ngân hàng ACB quản trị rủi ro tốt nhất Việt Nam |
Các chuyên gia của Ngân hàng Thế Giới (WB) cho rằng, cuộc khủng hoảng ngân hàng đang diễn ra ở Mỹ một lần nữa cho thấy một hệ thống pháp luật chặt chẽ quy định việc can thiệp sớm, phục hồi và xử lý ngân hàng là rất cần thiết trong bất kỳ hệ thống tài chính nào.
Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và dự kiến sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong năm 2024. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Ngân hàng Nhà nước thực hiện tốt chức năng giám sát và ứng phó hiệu quả với tình trạng căng thẳng hoặc sụp đổ tại các tổ chức tín dụng.
Tại hội thảo trao đổi về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam vừa tổ chức, các chuyên gia của WB nhấn mạnh 5 lĩnh vực cần được đẩy mạnh.
Theo đó, các chuyên gia của WB cho rằng cần phải có sự nhất quan giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như các luật liên quan; đồng thời cần có sự tích hợp các chuẩn mực quốc tế và thông lệ tốt ở mức độ đầy đủ nhất có thể.
Ảnh minh họa. |
Đồng thời, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và dự kiến sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần bổ sung các điều khoản cho phép triển khai cơ chế giám sát dựa trên rủi ro với phạm vi áp dụng cho các tập đoàn tài chính cũng như tăng cường nhiệm vụ giám sát an toàn vĩ mô.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng và dự kiến sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải tính được sự cần thiết phải có sự bảo vệ pháp lý đối với người giám sát. Đặc biệt là phải có một cơ chế cảnh báo và can thiệp sớm mạnh mẽ, hiệu quả và linh hoạt hơn đối với hệ thống ngân hàng.
Chia sẻ những bài học từ khủng hoàng tài chính toàn cầu liên quan đến việc quản lý, phục hồi và xử lý các ngân hàng, ông Geof Mortlock, Chuyên gia giám sát cao cấp WB cho biết, những cuộc khủng hoảng tài chính trong vài thập kỷ qua đã có ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng hiện tại và việc phát triển chính sách trên toàn cầu, đồng thời cũng để lại bài học quan trọng.
Ông Geof Mortlock nêu rõ, căng thẳng hệ thống tài chính có thể lan rộng nhanh chóng, những khó khăn của một ngân hàng sẽ ảnh hưởng đến các ngân hàng khác, căng thẳng ngân hàng sẽ nhanh chóng dẫn đến phá sản ngân hàng, việc rút tiền gửi diễn ra rất nhanh chóng, có thể gây ra sự phá sản của một hay nhiều ngân hàng.
Từ những bài học trên, ông Geof Mortlock cho rằng, các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính cần có những kế hoạch kỹ lưỡng để khôi phục trạng thái ổn định tài chính; các cơ quan giám sát cần có sự can thiệp sớm một cách hiệu quả để hỗ trợ các ngân hàng trong tình trạng căng thẳng tài chính.
Theo ông Geof Mortlock, nếu môt ngân hàng không thể khôi phục tình trạng ổn định tài chính, ngân hàng đó cần được xử lý một cách kịp thời, việc phục hồi và giải quyết này cần dựa trên các mục tiêu rõ ràng được đề ra trong luật, chủ yếu liên quan đến duy trì ổn định tài chính, bảo vệ người gửi tiền qua các cơ chế bảo hiểm tiền gửi, tránh hoặc giảm đến mức tối thiểu nhu cầu đối với sự hỗ trợ của Chính phủ, duy trì kỷ luật thị trường mạnh mẽ với các ngân hàng.
Các chuyên gia cũng cho rằng, một khung đối phó hiệu quả với căng thẳng hay phá sản ngân hàng đòi hỏi các yếu tố: can thiệp sớm; các kế hoạch hồi phục ngân hàng; các chính sách, quyền hạn và kế hoạch giải quyết ngân hàng; nguồn hỗ trợ giải quyết; hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng có khả năng thanh toán.
Trong đó, việc giải quyết các ngân hàng đòi hỏi cần lập kế hoạch kỹ lưỡng, cơ quan giải quyết cần chuẩn bị các kế hoạch giải quyết toàn diện cho tất cả các ngân hàng lớn, mục đích là giảm thiểu tác động đến ổn định tài chính, giảm chi phí cho Chính phủ, tránh gây bất ổn cho người gửi tiền và những người cho vay khác. Cùng với đó, các kế hoạch giải quyết phải được kiểm tra thường xuyên.
Nhiều ý kiến cho rằng, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu phục hồi và giải quyết ngân hàng một cách hiệu quả. Luật Các tổ chức tín dụng còn thiếu hệ thống các mục tiêu rõ ràng về giải quyết ngân hàng, không định rõ thẩm quyền pháp lý đầy đủ trong vấn đề này.
Bên cạnh đó, Luật Ngân hàng Nhà nước còn chưa đầy đủ, thiếu các quy định về thẩm quyền cần thiết và các biện pháp bảo vệ trong hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp hoặc trong việc chỉ định Ngân hàng Nhà nước là cơ quan giải quyết.
Theo các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là cần thiết để Việt Nam đối phó hiệu quả với tình trạng căng thẳng và phá sản ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường chính sách và quy trình đối với việc can thiệp sớm, phục hồi và giải quyết ngân hàng, đồng thời cần củng cố chính sách, quy trình hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp.
Đóng góp ý kiến vào việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Giáo sư Andrew Godwin, Cố vấn của WB cho rằng, mục tiêu của việc sửa đổi luật là nhằm định rõ quyền hạn để tăng cường hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm giải trình và tính minh bạch của các cơ quan quản lý, bao gồm cả ngân hàng Trung ương, duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính, bảo vệ người gửi tiền trong phạm vi cơ chế bảo hiểm tiền gửi và ưu tiên người gửi tiền, giảm thiểu các rủi ro tài chính công.
Các chuyên gia cho rằng, những yếu tố chính để các ngân hàng Trung ương thực hiện hiệu quả quyền hạn của mình là sự độc lập về hoạt động, trách nhiệm giải trình, nguồn lực và sự bảo vệ về mặt pháp lý đối với bộ phận giám sát, từ đó, Ngân hàng Nhà nước cần tận dụng tốt sự độc lập về hoạt động trong thực thi các thẩm quyền giải quyết.