Cảnh báo sạt lở đất: Kinh nghiệm từ Nhật Bản

Để nhận biết và phát hiện các trận sạt lở đất, Nhật Bản triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống này sẽ đưa ra cảnh báo về sạt lở đất cho người dân trong một bán kính nhất định.
Sạt lở "liên hoàn" ở Quảng Nam: 33 người thoát nạn Quảng Nam: Cứu sống được 33 người, tìm thấy 6 thi thể, còn 13 người mất tích trong vụ sạt lở ở Trà Leng

Để nhận biết và phát hiện các trận sạt lở đất, Nhật Bản triển khai hệ thống cảnh báo sớm. Hệ thống này sẽ đưa ra cảnh báo về sạt lở đất cho người dân trong một bán kính nhất định. Khi có nguy cơ sạt lở đất xảy ra, người dân trong các phạm vi này sẽ được thông báo đi sơ tán.

Đó là chia sẻ của ông Yasuhiro Tanka, chuyên gia JICA, Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản, hiện là cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT).

Cảnh báo sạt lở đất: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Ông Yasuhiro Tanka, chuyên gia JICA, Cố vấn Quản lý rủi ro thiên tai của Nhật Bản. Ảnh: Bích Nguyên

3 ý tưởng ứng phó sạt lở đất

Thống kê của Chính phủ Nhật Bản cho thấy, trong 10 năm qua ở nước này xảy ra 1.200 trận sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng; trong khi đó, cách đây một thập niên, con số thống kê xảy ra 770 vụ. Số liệu này cho thấy các vụ sạt lở đất tăng rất nhiều so với thập niên trước đây ở quốc gia mặt trời mọc.

Theo ông Yasuhiro Taraka, hiện nay Nhật Bản đang sử dụng 3 yếu tố để ứng phó với sạt lở đất, đó là: dữ liệu lịch sử ở khu vực; mạng lưới quan trắc lượng mưa tại một khu vực (tính được độ bão hòa trong đất); sau đó kết hợp với phân tích địa chất, địa hình để đưa ra cảnh báo, từ đó có phương án di dời dân ngay lập tức.

Ông Taraka phân tích, do Nhật Bản có độ dốc lớn, 70% diện tích trên độ cao nên thường xuyên xảy ra sạt lở đất. Vấn đề khó khăn là rất khó nhận biết khi nào và ở đâu có thể xảy ra sạt lở đất.

“Có nhiều yếu tố gây ra sạt lở đất, phụ thuộc vào sự phân bổ mưa tại thời điểm đó và đặc điểm địa chất của từng vùng. Đầu tiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề sử dụng đất, tìm hiểu xem lượng mưa tại các vùng như thế nào, sau đó chia thành các vùng “xanh” là vùng an toàn; vùng “đỏ” là vùng có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất; và vùng “vàng” là vùng cận nguy hiểm. Dựa trên đó, với những vùng an toàn, địa phương có thể cho người dân sống tại đó.

Ở vùng “xanh”, người dân được bố trí sinh sống ở đó. Nhưng những hộ dân sống gần vùng có nguy cơ cao thì sẽ có thông báo sơ tán khi có nguy cơ xảy ra lũ lụt, sạt lở đất.

“Mỗi hộ dân ở Nhật Bản đều phải biết rõ họ nằm ở vùng nguy cơ nào, như "đỏ" là nguy hiểm, "vàng" là cận nguy hiểm, "xanh" là an toàn”, ông Yasuhiro Taraka nói.

Cảnh báo sạt lở đất: Kinh nghiệm từ Nhật Bản
Sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng ở Quảng Nam

Bên cạnh đó, Nhật Bản xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, các trạm quan trắc lượng mưa được xây dựng nhiều để đo lượng mưa hằng giờ. Các trung tâm thủy văn có một hệ thống máy tính rất hiện đại để tính toán lượng mưa lũy tích và dựa trên đó ban hành các dự báo, cảnh báo. Hệ thống này sẽ cảnh báo cho người dân trong phạm vi 10.000 m2. Người dân trong phạm vi này sẽ được thông báo để di chuyển tới nơi an toàn.

Cũng theo vị chuyên gia Nhật Bản, họ chú trọng tới các công trình để ngăn ngừa sạt lở đất đã, lũ bùn, lũ đá. Dựa vào bản đồ cảnh báo nguy cơ để xây dựng các công trình, cơ sở hạ tầng để ngăn chặn hiện tượng sạt lở, giảm thiểu sự tác động trực tiếp vào các khu dân cư.

Việt Nam đã cảnh báo nguy cơ sạt lở diện rộng

Liên quan vấn đề sạt lở đất, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho hay, theo kinh nghiệm quốc tế, muốn cảnh báo được đầu tiên phải dựa vào nghiên cứu đánh giá diện mạo địa hình, địa chất mới ra được bản đồ nguy cơ sạt lở. Trên bản đồ này, có thể thấy được cả huyện, xã đó có cấu trúc đứt gãy khi có yếu tố kích hoạt thì nó có thể xảy ra sạt lở đất. Nhưng khi mưa lũ xảy ra, sạt lở ở chỗ nào thì điều này còn rất khó để có thể biết trước.

Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, ngay cả những quốc gia có nhiều kinh nghiệm ứng phó thiên tai, công nghệ cao như Nhật Bản, trong năm 2017 cũng đã xảy ra một trận sạt lở đất kinh hoàng nằm ngoài mọi sự tính toán từ trước đó. Còn ở Hàn Quốc, Đài Loan, sạt lở đất vẫn xảy ra hàng năm.

Đến nay, Viện Khoa học Địa chất & Khoáng sản (Bộ TN&MT) đã làm được bản đồ phân vùng nguy cơ sạt lở đất đến cấp huyện với tỷ lệ 1:50.000. Nhưng bản đồ này chỉ cảnh báo nguy cơ diện rộng. Dựa trên bản đồ này, cộng với lượng mưa, Bộ TN&MT đã có cảnh báo sớm gửi về các Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các địa phương.

“Nhưng việc phải làm tiếp theo là làm bản đồ nguy cơ sạt lở chi tiết, cụ thể hơn. Trước đã làm đến cấp huyện rồi thì bây giờ phải cảnh báo đến cấp xã”, Thứ trưởng nhấn mạnh.

Thứ trưởng cho biết thêm, trên thế giới, để cảnh báo sạt lở, nhiều nước lắp các trạm cảnh báo, song Việt Nam cũng không thể lắp các trạm cảnh báo phủ trùm được toàn bộ khu vực miền núi; mà chỉ ở những khu vực có nguy cơ cao, ở dưới là khu vực dân cư sinh sống, các công trình hạ tầng... mới tập trung làm cảnh báo.

Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường
baotainguyenmoitruong.vn
Phiên bản di động