Cần quy định chặt chẽ, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông
Quảng Nam: Thanh tra việc quản lý thông tin thuê bao di động Doanh nghiệp viễn thông để lộ thông tin của khách hàng có thể bị phạt tiền tới 50 triệu đồng |
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến vào dự án Luật |
Trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện bổ sung 2 điều; sửa đổi 15 điều; Bổ sung, thay thế, bãi bỏ một số cụm từ tại một số điều để bảo đảm tính thống nhất trong toàn bộ dự thảo.
Trong đó, sửa đổi quy định về chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện được cấp thông qua đấu giá để làm rõ doanh nghiệp nhận chuyển nhượng cũng phải bảo đảm tổng độ rộng băng tần sau khi nhận chuyển nhượng không vượt quá giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức được phép sử dụng. Dự án bổ sung quy định băng tần được sử dụng để thiết lập mạng viễn thông di động mặt đất công cộng thì đấu giá; chỉ thi tuyển trong trường hợp cần phủ sóng công nghệ mới trên diện rộng, trong thời gian nhất định hoặc cần thúc đẩy cạnh tranh.
Dự án Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được sử dụng tần số không phải tuân thủ các quy định về quy hoạch tần số và các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, dự án Luật bổ sung quy định trường hợp cần thiết, giao thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ quyết định việc sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh để kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội theo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động viễn thông.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long trình bày tờ trình |
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, việc gộp sử dụng tần số, băng tần cho hai mục đích an ninh - quốc phòng và kinh tế - xã hội là rất khó khăn, phức tạp trong việc thực hiện và có thể dẫn đến hệ quả không mong muốn.
Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường đề nghị trong giai đoạn hiện nay, chưa nên đặt vấn đề quy định sử dụng tần số vô tuyến điện phân bổ phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh theo hướng cho phép kết hợp với phát triển kinh tế - xã hội vào trong dự án Luật.
Về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, Thường trực Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cần quy định chặt chẽ, rõ ràng, cụ thể hơn để vừa bảo đảm lợi ích kinh tế, vừa bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh trong điều kiện hiện nay và sự phát triển lành mạnh về thị trường kinh doanh thông tin di động, khắc phục bất cập như luật hiện hành, tuy có quy định về đấu giá nhưng không thực hiện được.
Thảo luận về dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dự án luật tuy phạm vi sửa đổi không nhiều nhưng lại rất quan trọng vì liên quan đến tài sản quốc gia đặc biệt có ý nghĩa và ngày càng có giá trị trong bối cảnh phát triển xã hội số, kinh tế số cũng như hội nhập. Do đó cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, nhất là những quan điểm, tư tưởng, vấn đề lớn cần được đặt ra phù hợp.
Góp ý vào nội dung cụ thể, về vấn đề giới hạn tổng độ rộng băng tần mà một tổ chức, doanh nghiệp được phép sử dụng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, quy định cần khắc phục được việc doanh nghiệp có năng lực không được phân bổ hoặc phân bổ ít trong khi anh không có năng lực lại sở hữu, thậm chí sở hữu nhiều. Vì thế, cần nguyên tắc phân bổ.
“Nên chăng tính toán tỉ lệ xác định trên quy mô doanh nghiệp như năng lực, vốn đầu tư, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin và truyền thông, mức độ công nghệ đang sở hữu, rồi năng lực theo tiêu chuẩn ISO lĩnh vực này, để đảm bảo công bằng, minh bạch, công khai, thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao chất lượng, khắc phục tích tụ tần số gây lãng phí tài nguyên quốc gia”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề, đề nghị luật cần cụ thể hoá các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ cho minh bạch để tránh thêm các văn bản dưới luật.