Căn cứ nào xử phạt người ra đường không vì mục đích thiết yếu?
| |
Tổ công tác ở đầu cầu Thanh Trì chưa kiểm tra người ra đường có vì mục đích thiết yếu hay không, ngày 4/4. Ảnh: Bá Đô |
- Chủ tịch Hà Nội nói sẽ thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội bằng việc xử phạt người ra đường với mục đích không thiết yếu. Theo ông, điều này căn cứ quy định nào?
- Khi dịch bệnh bùng phát, việc cách ly xã hội là yếu tố cần thiết để ngăn chặn lây lan. Ngày 31/3, Thủ tướng ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg, trong đó yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ một số trường hợp cần thiết.
Theo khoản 9 điều 22 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Chủ tịch UBND cấp tỉnh có quyền "chỉ đạo và áp dụng các biện pháp để giải quyết các công việc đột xuất, khẩn cấp trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật".
Như vậy, Chủ tịch UBND Hà Nội có quyền ban hành văn bản quy định cấm người ra đường với mục đích không thiết yếu; từ đó tạo cơ sở pháp lý cho xử phạt vi phạm hành chính.
- Việc chứng minh một người ra đường vì mục đích thiết yếu sẽ thế nào?
- Công văn 2601 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg cho hay: Người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ trường hợp cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; hay các trường hợp khẩn cấp như đi cấp cứu, khám chữa bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; làm việc tại các cơ quan, đơn vị Nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao...
Căn cứ hướng dẫn này, Hà Nội có thể yêu cầu người dân chứng minh mình ra đường có phải vì mục đích thiết yếu hay không. Song cái khó là làm sao chứng minh? Nếu ai ra đường khi bị hỏi cũng đều trả lời "mua lương thực, thực phẩm" thì giải quyết thế nào?
Theo tôi, chính quyền nên tập trung giải tán nơi tụ tập đông người; xử phạt những người không tuân thủ khoảng cách 2 m, không đeo khẩu trang, tụ tập ăn nhậu ngoài đường, hàng quán, đua xe, cờ bạc....
Nhà chức trách không nên chặn, hỏi những người đi đường để buộc họ phải chứng minh "ra ngoài vì mục đích thiết yếu" và xử phạt nếu không chứng minh được.
- Chế tài xử phạt căn cứ vào đâu, thưa ông?
- Điểm a khoản 1 điều 11 Nghị định 176/2013 cho phép phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 cho đến 300.000 đồng với hành vi "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người tham gia chống dịch hoặc là người có nguy cơ mắc bệnh dịch theo hướng dẫn của các cơ quan y tế".
Theo đó, hành vi "ra đường không đúng mục đích thiết yếu" khi cả nước đang thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg sẽ được hiểu là "không thực hiện biện pháp để bảo vệ cá nhân đối với người có nguy cơ mắc bệnh dịch", tương tự xử phạt không đeo khẩu trang nơi công cộng mà các địa phương đã thực hiện vừa qua.
Nếu UBND Hà Nội ra văn bản xử phạt vi phạm với hành vi này, mức phạt không thể vượt quá quy định trên.
- Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của biện pháp này?
- Chỉ thị 05 của UBND Hà Nội nêu rõ yêu cầu toàn thể nhân dân tự giác chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng.Việc áp dụng các biện pháp mạnh tay của Hà Nội (nếu có) là phù hợp với thực tế dịch bệnh phức tạp hiện nay, không trái thẩm quyền và phù hợp với quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế lại là vấn đề không đơn giản vì không phải cấp trên yêu cầu phạt là cấp dưới phạt được ngay.
Theo thông tin được công bố, Hà Nội cũng chưa có văn bản quy định "phạt những trường hợp nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường" mà mới chỉ là ý kiến của Chủ tịch thành phố tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 vào chiều 3/4.
| |
Trưa 4/4, nhiều tài xế, xe máy, ôtô đi từ Bắc Giang, Bắc Ninh vào Hà Nội bị yêu cầu dừng lại nhưng chủ yếu để đo thân nhiệt. Ảnh. Bá Đô |
- Người dân cần đi lại như thế nào để không bị xử phạt?
- Khi Thủ tướng đã ban hành lệnh cách ly xã hội và nêu rõ các trường hợp cần thiết được ra đường, vì chính sức khỏe của bản thân và cộng đồng, người dân cần đề cao ý thức, nghiêm chỉnh chấp hành.
Chính phủ vẫn cho phép duy trì sản xuất và hoạt động của nhiều lĩnh vực nên chỉ cần người dân khai báo mình có lý do chính đáng cần phải ra đường vẫn sẽ được tiếp tục di chuyển, hoạt động bình thường.
Nếu bị lực lượng chức năng yêu cầu, người dân có thể khai báo đúng lý do ra đường, chẳng hạn đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh... Nếu đi làm việc ở các cơ quan, đơn vị được phép hoạt động, bạn xuất trình giấy tờ tùy thân để chứng minh.
Mặt khác, nhà chức trách cũng cần tăng cường giám sát những người đang thực thi nhiệm vụ, tránh tình trạng lợi dụng chỉ thị của UBND thành phố để gây khó khăn, cản trở người được phép ra ngoài.