Cán bộ dám nghĩ dám làm, có động cơ trong sáng sẽ được bảo vệ
Siết chặt kỷ cương, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ với người dân Thần tốc" xây dựng dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức |
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Theo đó, cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, quyết định cho thực hiện, có kết quả đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, của ngành, lĩnh vực, địa phương, cơ quan, đơn vị được ghi nhận, tôn vinh, khen thưởng xứng đáng
Việc khuyến khích và bảo vệ cán bộ phải được thực hiện kịp thời, dân chủ, công khai, minh bạch; đúng đối tượng, trình tự, thủ tục theo quy định và pháp luật có liên quan.
Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung có thể không bị xử lý trách nhiệm, được loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm theo quy định.
Ảnh minh họa |
Nghị định quy định các trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo đáp ứng các điều kiện như: có khả năng tháo gỡ, giải quyết điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.
Cán bộ vì lợi ích chung, đem lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến; không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý.
Trong trường hợp đề xuất đổi mới, sáng tạo mà không hoàn thành hoặc chỉ hoàn thành một phần mục tiêu đề ra, gây ra thiệt hại nhưng được cơ quan sử dụng cán bộ xem xét, đánh giá đã thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung sẽ được áp dụng biện pháp bảo vệ cán bộ.
Nghị định cũng quy định rõ những việc các cơ quan, tổ chức, cá nhân không được làm như lợi dụng chính sách để thực hiện hoặc bao che hành vi tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vi phạm kỷ luật; cản trở, gây khó khăn, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cán bộ năng động, sáng tạo; né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong trình tự, thủ tục phê duyệt và triển khai thực hiện các đề xuất đổi mới, sáng tạo; xử lý trách nhiệm với cán bộ khi đã được đánh giá là hoàn thành...
Về trình tự, thủ tục phê duyệt, khi đề xuất đổi mới, sáng tạo được đưa ra, người đứng đầu cơ quan sẽ chủ trì họp tập thể lãnh đạo để xem xét, thảo luận và biểu quyết việc thực hiện và được thông qua khi đạt tỉ lệ trên 50% ý kiến biểu quyết.
Trường hợp không được tập thể lãnh đạo thông qua, người đứng đầu quyết định cho triển khai thực hiện nếu xét thấy đề xuất của cán bộ là cần thiết, có tính khả thi và chịu trách nhiệm trước cơ quan sử dụng cán bộ cấp trên và trước pháp luật về quyết định của mình.
Với đề xuất đổi mới sáng tạo có phạm vi rộng, nội dung phức tạp, trường hợp cần thiết người đứng đầu cơ quan sử dụng cán bộ thành lập hội đồng đánh giá đề xuất để quyết định.
Cán bộ đề xuất đổi mới, sáng tạo được khuyến khích bằng các hình thức như: tuyên dương, biểu dương và khen thưởng; được lấy làm căn cứ để đánh giá trước khi xếp loại, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, quy hoạch, điều động, luân chuyển theo hướng ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ; được đánh giá là có thành tích xuất sắc để xét nâng ngạch, nâng lương trước 12 tháng; được động viên, khuyến khích bằng các hình thức khác phù hợp.