Cải thiện chất lượng sống, hướng tới phát triển đô thị thông minh
Hà Nội: Chuẩn bị xây dựng tháp tài chính và nhiều khu đô thị thông minh Để có một đô thị thông minh, Việt Nam vẫn còn cả chặng đường dài |
Sáng 17/12, tại Hà Nội, Thành ủy, UBND TP Hà Nội phối hợp với tạp chí Cộng sản tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại”.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản; TS Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội; Bùi Huyền Mai, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy... cùng nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực đô thị .
Các đồng chí lãnh đạo Tạp chí Cộng sản, thành phố Hà Nội chủ trì hội thảo |
Tại hội thảo, các đại biểu đã nêu ý kiến đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội; Làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại nhằm giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển bền vững, xây dựng và quản lý đô thị đồng bộ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, các công trình có xu hướng xanh được xem là những dự án ưu tiên thúc đẩy. Giai đoạn 2015-2020 có 10 công trình xây dựng được cấp chứng chỉ công trình xanh, riêng năm 2019 có 4 công trình. Diện tích cây xanh công cộng đến hết năm 2020 đạt 7,87m2/người. Tỷ lệ đường đô thị sử dụng thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo để chiếu sáng đã tăng từ 6,5% năm 2015 lên 8,1% năm 2019...
Về các nhiệm vụ ưu tiên giai đoạn 2021-2025, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, thành phố tiếp tục rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các quy hoạch đô thị và chương trình phát triển đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; Thực hiện quản lý phát triển đô thị xanh, với các hành động ưu tiên như hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, ban hành cơ chế, chính sách, đào tạo nguồn nhân lực; Huy động, bố trí các nguồn lực xây dựng đô thị tăng trưởng xanh...
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng tham luận tại hội thảo |
Tại hội thảo, PGS. TS Lưu Đức Cường, Viện trưởng Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) đánh giá, trong những năm qua, công tác quy hoạch và phát triển đô thị của Thủ đô Hà Nội đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông, kỷ cương xã hội được tăng cường.
Để Hà Nội thực hiện được mục tiêu phát triển đô thị “thông minh - xanh - bền vững”, mô hình phát triển thành phố thông minh của Hà Nội phải hướng đến các mục tiêu là đô thị đáng sống. Hà Nội trước hết phải là đô thị sống tốt, chất lượng sống đô thị luôn được cải thiện về mọi mặt, hướng tới phục vụ người dân.
Hà Nội là đô thị kết nối (có hệ thống giao thông thuận lợi, thông minh, kết cấu hạ tầng thông tin đô thị được chia sẻ, kết nối trong hệ thống các đô thị bảo đảm thuận lợi cho điều hành quản lý đô thị; Thuận lợi cho sự phát triển các ứng dụng thông minh, thuận lợi cho cộng đồng sử dụng...); Hà Nội là đô thị cạnh tranh (trong đó ưu tiên phát triển kinh tế thông minh, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp).
Hà Nội là đô thị hiện đại và có bản sắc (thể hiện ở việc giải quyết tốt các vấn đề bức xúc của đô thị như giao thông, môi trường, giáo dục, y tế... bằng những công nghệ thông minh, đồng thời cũng có cư dân thông minh, năng động, biết giữ gìn bản sắc văn hóa, lối sống của Thủ đô). Hà Nội là đô thị thích ứng (nâng cao khả năng chống chịu với các tác động của các hoạt phát triển cũng như ô nhiễm môi trường, các cú sốc từ bên ngoài bằng việc cải thiện các điều kiện kết cấu hạ tầng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh, khủng hoảng...).
Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn phát biểu tại hội thảo |
Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số thủ đô các nước Châu Âu, PGS.TS Phạm Minh Anh, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, Hà Nội cần tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, bảo mật cao bảo đảm tạo ra không gian số có mạng lưới chia sẻ thông tin rộng khắp, có khả năng kết nối ở tốc độ cao và tương tác, trải nghiệm liền mạch, đáp ứng nhu cầu quản lý, sản xuất, học tập và cuộc sống.
PGS.TS Phạm Minh Anh nêu, mục tiêu xây dựng đô thị thông minh là của cư dân, do cư dân và vì cư dân Thủ đô. Đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh. Do đó, thành phố cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của đô thị thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau.
Thành phố cần có chiến lược, kế hoạch xây dựng đô thị thông minh theo từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, các dự án thực hiện có trọng tâm trọng điểm và tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư.
Phát biểu kết thúc hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản điểm lại và đánh giá cao ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học... Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, Hà Nội sẽ đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội; Qua đó làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại.