Cái chết của bé trai 6 tuổi tại BV Phụ sản – Nhi Đà Nẵng: Diễn biến bệnh nhanh hay tắc trách?
Không khí tang thương bao trùm ngôi nhà anh Cường sau cái chết đột ngột của cháu Lợi |
Gia đình yêu cầu thành lập Hội đồng chuyên môn
Sự ra đi bất ngờ của cháu Nguyễn Văn Lợi là một cú sốc lớn đối với gia đình anh Nguyễn Văn Cường. Điều đáng nói ở đây là họ không biết tại sao con, cháu, em mình lại chết đau đớn như vậy, khiến nỗi đau như nhân lên bội phần.
Ngày hôm qua (8/1/2020), cháu Lợi được gia đình an táng nằm lại dưới lòng đất lạnh lẽo khi vẫn là một đứa trẻ ngây thơ, chưa hiểu gì về cuộc sống. Nếu không có sự cố đau đớn này, cháu đã đang rất vui chờ đón một mùa xuân nữa, được tung tăng theo chân cha mẹ đi chợ sắm quần áo mới, được du xuân nơi phố hội yên bình.
Vẫn biết, tai biến trong ngành y là điều vẫn thường xảy ra, tuy nhiên nó phải ở chừng mực, giới hạn bất khả kháng nhất định nào đó, và nó phải rõ ràng, có cơ sở khoa học chứng minh và được công khai, chứ không phải bất kì trường hợp tử vong bất thường không rõ nguyên nhân đều là rủi ro nghề nghiệp, mang tính đặc thù của ngành y như bà Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng nói.
Cháu Lợi được an táng vào sáng ngày 8/1 |
Trở lại nguyên nhân cái chết của cháu Lợi, câu hỏi đặt ra là: Bệnh viện, bác sỹ, điều dưỡng trong ca trực hôm đó đã làm hết trách nhiệm của mình với bệnh nhân chưa, đúng quy trình hay không? Tại sao cháu Lợi lại tử vong một cách đột ngột như vậy? Đây là điều mà dư luận và gia đình anh Cường đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ phía Bệnh viện và các cơ quan liên quan.
Theo anh Cường, bố cháu Lợi kể lại: Khi làm thủ tục nhập viện xong, cháu Lợi được đưa lên tầng 7 của bệnh viện và được phát 2 loại thuốc. Tuy nhiên, khi uống thuốc cháu cứ uống là nôn ra hết, nôn liên tục. Đến khoảng 15h30 (ngày 4/1), tôi qua nói với bác sỹ, mấy phút sau cô điều dưỡng nói, anh bồng cháu đi chích thuốc. Khi anh Cường hỏi là chích thuốc gì thì được trả lời là thuốc giảm đau (trong khi đó bệnh viện nói là thuốc chống nôn).
Sau khi tiêm thuốc xong, được khoảng hơn 10 phút, cháu Lợi kêu đau quá, sau đó có biểu hiện toàn thân tím tái. Hoảng quá, anh Cường chạy qua hỏi bác sỹ trực là tiêm thuốc gì mà cháu nó đau và tím hết cả người?. Vị bác sỹ trực không qua kiểm tra, mà chỉ nói: Thuốc này có công hiệu khoảng nửa tiếng đồng hồ sau. Khoảng mấy phút sau đó, anh Cường gặp cô điều dưỡng (người trực tiếp tiêm thuốc cho cháu Lợi) tiếp tục hỏi “Em ơi sao cháu nó mệt, tím tái người thế kia?”. Cô điều dưỡng này nói ráng chờ tí nữa.
Sau đó tôi chạy lại vào phòng cháu, tôi cảm nhận cháu không ổn. Tôi liền bế cháu qua phòng bệnh nhân nặng, nhưng lúc đó không có bác sỹ ở đó. Khi vừa đặt cháu xuống giường, cháu ật lên một cái rồi mất.
Làm việc với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô sáng ngày 8/1, anh Cường cho biết: Đến nay, nguyên nhân cái chết của cháu vẫn chưa rõ ràng, gia đình sẽ làm đơn yêu cầu bệnh viện thành lập Hội đồng chuyên môn để làm rõ nguyên nhân cái chết của con trai tôi, để cháu ra đi được thanh thản.
Diễn biến bệnh quá nhanh, hay tắc trách?
Sau khi cháu Lợi mất, có bác sỹ phán đoán cháu bị bệnh tim, một bác sỹ khác phán đoán cháu Lợi có khả năng bị u não, một bác sỹ lại hỏi cháu có bị bị té (ngã) không? Anh Cường đã điện về nhà trường để hỏi, nhà trường cho biết ở trường cháu bình thường không bị ngã, chỉ bị đau bụng.
Ngày 8/1/2020, Phóng viên báo Tuổi trẻ thủ Đô đã có buổi làm việc với bác sỹ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng. Bác sỹ Hoàng cho biết: Cháu Lợi nhập viện vào khoa nhi tiêu hóa lúc 11h ngày 4/1/2020 trong tình trạng tỉnh táo, da môi hồng nhạt, mạch 110 lần/phút, nhiệt 37 độ C, nhịp thở 28 lần/phút. Tim đều, mạnh quay bắt rõ, phỏi thông khí rõ, bụng mềm, ấn đau thượng vị, quanh rốn. Các cơ quan khác không phát hiện gì thêm.
Theo đó, bệnh viện chuẩn đoán viêm dạ dày cấp, chỉ định thực hiện các xét nghiệm và xử trí bằng thuốc: Antilox, Nospa để giảm co thắt, giảm đau.
“Đến 15h cùng ngày, điều dưỡng ghi nhận trẻ tỉnh, nôn 3 lần, chưa đi cầu, điều dưỡng báo với bác sỹ và được xử trí tiêm Vincomid 10mg x ½ ống tiêm bắp. Đến 16h cùng ngày, điều dưỡng báo trẻ mệt, ngay lập tức trẻ được trẻ được chuyển vào phòng bệnh nặng và xử trí cấp cứu…”, theo tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh viện.
Anh Nguyễn Văn Cường bố cháu Lợi |
Tuy nhiên, lời kể của anh Cường lại không như bản tóm tắt bệnh án mà bà Hoàng cung cấp cho PV. Cụ thể: khi thấy cháu Lợi không ổn, cơ thể cháu đã tím tái, anh Cường đã bế cháu Lợi sang phòng bệnh nặng, nhưng không có bác sỹ ở đó.
Bác sỹ chỉ có mặt sau khi cháu Lợi đã chết, chứ không như trong tóm tắt hồ sơ bệnh án của bệnh viện do bà Hoàng, Phó Giám đốc bệnh viện kí, là khi thấy cháu Lợi mệt, ngay lập tức được đưa sang phòng bệnh nặng và được cấp cứu ngay. Sau hơn 1 tiếng hồi sức nhưng không có kết quả, cháu Lợi tử vong lúc 17h45 phút ngày 4/1.
Khi PV đặt câu hỏi về những mâu thuẫn này, bà Hoàng giải thích: Khi bố cháu Lợi bồng cháu sang phòng bệnh nặng, nhưng bác sỹ điều trị lúc đó không có trong phòng bệnh là do đang ở tầng dưới xử trí cho một bệnh nhân khác (khoa tiêu hóa có 2 tầng 6 và 7).
Bà Hoàng cũng cho rằng, do người nhà bệnh nhân chỉ báo bác sỹ là cháu bị mệt chứ không nói cháu bị tím tái, nên bác sỹ mới nói đợi 30 phút nữa thuốc mới có tác dụng. Lúc đó, bác sỹ cũng đang bận làm hồ sơ nhập viện cho một bệnh nhân khác (lời bà Hoàng trái ngược hoàn toàn với phía gia đình nạn nhân).
Bà Hoàng khẳng định: Nếu như gia đình mà báo cụ thể diễn biến của bệnh nhân hơn thì bác sỹ sẽ sang kiểm tra. Bà Hoàng cũng cho rằng việc tai biến rủi ro trong ngành y là điều vẫn xảy ra.
Bệnh viện Phụ sản- Nhi Đà Nẵng |
Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng cũng cho rằng: Do diễn biến bệnh quá nhanh. Nhưng khi được hỏi diễn biến bệnh quá nhanh đó là bệnh gì, bà Hoàng nói hướng khả năng nhiều là cháu bị viêm cơ tim, và đây không phải là trường hợp bị sốc thuốc, vì loại thuốc Vincomid này được sử dụng khá phổ biến tiêm bắp để chống nôn, an toàn và là nhóm thuốc không cần phải test trước khi tiêm.
Trong khi đó, anh Cường lại cho biết, khi anh hỏi là tiêm thuốc gì mà cháu tím tái thế kia, điều dưỡng nói là thuốc giảm đau. Khi PV yêu cầu được tiếp cận hồ sơ bệnh án của cháu Lợi thì bà Hoàng từ chối và nói đó là quy định, nên không thể cung cấp. Như vậy cần phải làm rõ, thuốc được tiêm cho cháu Lợi là thuốc gì? Có phải là thuốc chống nôn như bệnh viện nói.
Khi phóng viên đặt câu hỏi, loại thuốc tiêm cho cháu ảnh hưởng như thế nào tới diễn bệnh của cháu, và nếu không tiêm thuốc đó thì cháu có tử vong hay không? bà Hoàng cho biết: Nếu mà hồi cứu lại thì mình cũng khó nói được. Bệnh viện nhận định, đây là bệnh viêm cơ tim tối cấp và diễn biến quá nhanh, có nhiều trường hợp thể hiện như viêm dạ dày, sau đó mới biểu hiện lên tim…
Như vậy, còn nhiều tình tiết mâu thuẫn chưa được làm rõ về nguyên nhân dẫn đến cái chết đột ngột, bất thường của cháu Nguyễn Văn Lợi tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, sau khi tiêm thuốc.
Tại sao bệnh viện không cho người nhà bệnh nhân và phóng viên tiếp cận hồ sơ bệnh án? Tại sao bệnh viện nói với người nhà bệnh nhân đã gọi công an tới niêm phong hồ sơ bệnh án ngay sau khi cháu Lợi tử vong không rõ nguyên nhân, nhưng công an không tới. Rồi sau đó, chính bà bà Hoàng Phó Giám đốc bệnh viện lại phủ nhận không hề gọi công an? Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Điều 74, Luật Khám chữa bệnh về việc thành lập hội đồng chuyên môn quy định: 1. Trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về khám bệnh, chữa bệnh khi xảy ra tai biến đối với người bệnh thì thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. 2. Việc thành lập hội đồng chuyên môn được quy định như sau: a) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp, người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải tự thành lập hội đồng chuyên môn hoặc nếu không tự thành lập được thì đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp thành lập hội đồng chuyên môn. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về y tế quản lý trực tiếp phải thành lập hội đồng chuyên môn; b) Trường hợp các bên tranh chấp không nhất trí với kết luận của hội đồng chuyên môn quy định tại điểm a khoản này, các bên có quyền đề nghị Bộ Y tế thành lập hội đồng chuyên môn. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị, Bộ Y tế phải thành lập hội đồng chuyên môn. 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thành lập, hội đồng chuyên môn phải họp và mời các bên liên quan đến tranh chấp tham gia một số phiên họp và phiên kết luận. 4. Trường hợp vụ việc liên quan đến tai biến trong khám bệnh, chữa bệnh được giải quyết theo thủ tục tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng có thể đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về y tế thành lập hội đồng chuyên môn để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật. |