Các công ty Mỹ ‘ngập ngừng’ trở lại làm ăn với Huawei
Google sẽ mất tới 800 triệu người dùng nếu Huawei bỏ rơi Android Huawei ra mắt điện thoại Y9 Prime tại Việt Nam |
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Osaka, Nhật Bản ngày 29/6. Ảnh: AFP/Getty Images |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ mềm mỏng hơn trong lập trường với Huawei khi ông phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra tuần trước tại Osaka rằng, bất chấp lệnh cấm trước đó của ông đối với tập đoàn công nghệ số một Trung Quốc, các công ty Mỹ có thể quay trở lại bán linh kiện và phần mềm cho Huawei.
Sau tuyên bố này, chứng khoán các công ty sản xuất bộ vi xử lý như Qualcomm và Broadcom đã tăng mạnh trở lại trong buổi sáng giao dịch đầu tiên của tuần này, dù sau đó giảm nhịp và bình ổn hơn.
Cả Nhà Trắng và Bộ Thương mại Mỹ lúc này vẫn chưa làm rõ liệu sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Mỹ có cho phép Huawei được sử dụng trở lại hệ điều hành Android của Google trên các thiết bị di động và sử dụng hệ điều hành Windows trên các máy tính của Huawei hay không.
Trong khi đó, người phát ngôn Microsoft cho biết công ty đã có “đánh giá sơ bộ” về quyết định của Bộ Thương mại Mỹ đối với Huawei và sẽ “tiếp tục cung cấp những cập nhật phần mềm Microsoft tới khách hàng sử dụng thiết bị Huawei”.
“Chúng tôi vẫn đang cung cấp cập nhật phần mềm Windows tới khách hàng dùng laptop Huawei”, kênh CNBC dẫn lời người phát ngôn Microsoft cho hay.
Trong khi đó đại diện Google chưa có bình luận trước diễn biến mới, còn người phát ngôn Huawei cho biết công ty “không có thêm thông tin nào ở thời điểm này”.
Tên Huawei hiện vẫn ở trong bản “Danh sách Thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ, gồm những công ty nước ngoài mà doanh nghiệp Mỹ bị cấm bán sản phẩm, dịch vụ.
CEO của Huawei, Nhậm Chính Phi. Ảnh: CNBC |
Quân bài mặc cả?
Tổng thống Trump từng ám chỉ rằng các cuộc đàm phán thương mại là con đường mà qua đó Huawei có thể chứng kiến thêm nhiều hạn chế được nới lỏng tại thị trường Mỹ.
Tuy nhiên, vấn đề Huawei chỉ nên được coi là mối đe doạ an ninh quốc gia hay còn là một quân bài mặc cả kinh tế thì vẫn tiếp tục gây bất đồng ở Washington.
Các nhà lập pháp như Thượng nghị sĩ Cộng hoà Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner đã cảnh báo Nhà Trắng không nên trộn lẫn những mối quan ngại của đất nước về Huawei với chính sách kinh tế. Trong một động thái được cho là đáp trả “bước lùi” của Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ Rubio cũng đã công bố dự luật nhằm củng cố một lệnh cấm toàn diện với Huawei.
Các thành viên cộng đồng tình báo - những người từ lâu cho rằng mối quan hệ thân thiết của Huawei với Chính phủ Trung Quốc khiến nước Mỹ không thể cho phép công ty này cung cấp hạ tầng công nghệ - cũng thận trọng trước việc tổng thống bất ngờ nhượng bộ với Huawei nhằm mở đường cho một thoả thuận kinh tế.
Tuy nhiên các tổ chức khác, trong đó có các hiệp hội công nghiệp và thương mại đứng sau ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, lại đang tiếp tục vận động nới lỏng hơn nữa các lệnh cấm và trừng phạt nhằm vào Trung Quốc.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ tuần trước cho biết họ “vẫn quan ngại các lệnh hạn chế doanh nghiệp Mỹ bán các sản phẩm thương mại tại các thị trường quan trọng sẽ bào mòn tính cạnh tranh của ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ”. Hiệp hội này cũng thể hiện một số tín hiệu lạc quan trước những diễn biến mới nhất từ cuộc gặp Trump - Tập ở Osaka.
Sau bước đi mới của Tổng thống Mỹ, các điện thoại mới của Huawei có thể lại được sử dụng hệ điều hành Android của Google. Ảnh: Reuters |
Trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Trung đã đạt được thoả thuận đình chiến thương mại cho phép dỡ bỏ một số hạn chế đối với Huawei trong việc mua thiết bị công nghệ cao từ Mỹ.
Tổng thống Donald Trump cho biết, theo thoả thuận đình chiến, Mỹ sẽ hoãn áp đặt thuế lên 300 tỉ USD hàng hoá Trung Quốc để đổi lại việc Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản Mỹ. Ông Trump cũng đưa vấn đề Huawei lên bàn đàm phán, bất chấp tranh cãi rằng các lệnh trừng phạt nhằm vào Huawei không được thiết kế để Mỹ giành lợi thế trên bàn đàm phán thương mại vì đây là vấn đề an ninh quốc gia.
“Ông Trump đang cố gắng đạt được một thoả thuận với Trung Quốc, và Huawei trở thành một quân bài mặc cả”, ông Brian Finch, một chuyên gia về an ninh mạng và chính sách công cộng tại công ty luật Pillsbury Winthrop Shaw Pittman (Mỹ) nhận xét.
“Hầu hết các chuyên gia bảo mật đều nhận ra các sản phẩm của Huawei có ‘vấn đề’, nên dù thỏa thuận nào đạt được - ngay cả khi nó bao gồm các hạn chế về bảo mật - thì vẫn có thể sẽ được xem xét lại dưới thời một chính quyền khác hoặc bị Quốc hội Mỹ chặn lại, trừ khi Huawei có thể khẳng định rằng đó không phải là mối đe dọa bảo mật. Tuy nhiên, gánh nặng đó thuộc về Huawei, và nó rất nặng nề”, ông Finch nói thêm.