Ca ghép gan nhanh nhất Việt Nam từ người cho còn sống

Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã tiến hành ghép gan thành công cho bệnh nhân 40 tuổi. Đây là ca ghép gan nhanh nhất Việt Nam khi thời gian chuẩn bị và tiến hành phẫu thuật trong 14 tiếng với nguồn tạng từ người cho còn sống.
Thực hiện thành công ca ghép gan đầu tiên tại miền Trung-Tây Nguyên

Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ vừa tiến hành ghép gan cứu sống nam bệnh nhân Nguyễn Tiến Hoàn (40 tuổi, ở Hà Nội).

Theo lời kể của gia đình, anh Hoàn có tiền sử viêm gan B nhưng uống thuốc điều trị không đều. Sau khi đi công tác trở về, anh cảm thấy mệt mỏi trong người. Gia đình đưa anh vào Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để điều trị. Tuy nhiên, tình trạng bệnh của anh Hoàn ngày càng nặng. Anh được chẩn đoán suy gan cấp trên nền viêm gan mạn tính, nhiễm khuẩn đồng thời chỉ định ghép gan.

Ca ghép gan nhanh nhất Việt Nam từ người cho còn sống

Sau đó, anh Hoàn được chuyển sang Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tiến hành ghép gan. Do hình hình bệnh nhân nguy cấp, mọi công đoạn chuẩn bị tiến hành ghép đều phải nhanh chóng.

TS Lê Văn Thành, Chủ nhiệm khoa Phẫu thuật Gan - Mật -Tụy, cho biết thay vì được chuẩn bị kỹ lưỡng kéo dài nhiều tháng. Ca ghép cho anh Hoàn chỉ có thời gian chuẩn bị và tiến hành phẫu thuật trong 14 tiếng. Đây là ca ghép gan ngắn nhất được các bác sĩ Việt Nam thực hiện.

Tất cả khoa trong bệnh viện đã phối hợp rất nhịp nhàng trong quá trình trước, trong và sau khi ghép gan cho bệnh nhân. Theo TS Thành, nam bệnh nhân bị suy gan cấp có hội chứng não gan, viêm phổi, xuất huyết dưới da rất nặng, rối loạn đông máu, rối loạn chảy máu.

"Với diễn biến bệnh như vậy, nếu không ghép gan, người bệnh sẽ chỉ sống được 1-2 ngày. Do vậy, chúng tôi đã tiến hành phối hợp, tổ chức, chuẩn bị, lên phương án, hội chẩn và tiến hành ghép cấp cứu xuyên đêm, chạy đua từng giờ để cứu sống bệnh nhân", TS Thành kể.

Ca ghép thành công. Nam nệnh nhân đã tỉnh lại 2 ngày sau ghép. Hiện nay, sức khoẻ của anh Hoàn hồi phục tốt và đã được ra viện.

"Khi tỉnh lại sau ca ghép gan, tôi rất hạnh phúc. Tôi cảm giác như mình vừa có một giấc ngủ dài. Cha mẹ sinh ra tôi nhưng các bác sĩ mới là người hồi sinh, cho tôi cuộc sống mới. Tôi thấy thương cha mẹ mình hơn. Tôi biết ơn các bác sĩ đã cứu sống tôi", anh Hoàn chia sẻ.

TS Thành cũng cho biết thêm những bệnh nhân viêm gan B phải uống thuốc đều đặn theo lời dặn của bác sĩ, tránh bỏ thuốc hoặc uống không thường xuyên để hạn chế tình trạng bùng phát của viêm gan B thành đợt cấp. Khi bị suy gan cấp, khả năng tử vong của bệnh nhân lên tới 80% nếu không được ghép gan.

Hiện nay, nhu cầu ghép gan ở Việt Nam rất lớn và gia tăng nhanh chóng. Ước tính có khoảng 1.500 người đang chờ ghép. Đây là phương pháp duy nhất để đem lại sự sống cũng như kéo dài thời gian sống hiệu quả nhất cho bệnh nhân mắc các bệnh gan.

D.Minh
Phiên bản di động